Làng Kon Vơng Kia: Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng

25/02/2021 06:06

Chúng tôi về làng Kon Vơng Kia (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông) giữa tiếng cồng chiêng ngân vang. Cồng chiêng gắn bó với người dân nơi đây như máu thịt và được xem là báu vật của làng.

Cồng chiêng là báu vật của dân làng   

Đầu xuân Tân Sửu 2021, chúng tôi đến thăm ông A Vơng - già làng Kon Vơng Kia (67 tuổi) - một trong những nghệ nhân của làng hiện nay còn giữ được nhiều giá trị văn hóa cồng chiêng của ông cha để lại. Già kể: Không biết tiếng nhạc cồng chiêng của người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) có từ bao giờ, nhưng khi sinh ra, ông đã nghe tiếng cồng chiêng hiện hữu trong đời sống cộng đồng. Người dân trong làng xem cồng chiêng như báu vật. Mỗi người con của làng luôn gắn bó với tiếng nhạc cồng chiêng trầm hùng, tha thiết, thân thương. Nó gần gũi như tiếng suối nước chảy quanh làng, như tiếng gió giữa đại ngàn vọng lại, như tiếng thú lạc bầy lúc trời chạng vạng và thiết tha như tiếng mẹ ru con nỉ non giữa trưa hè mát mẻ… Cồng chiêng ăn sâu trong tâm thức nên mỗi khi đi xa làng lâu ngày, người dân trong làng thường nhớ da diết tiếng cồng chiêng.    

Già làng Kon Vơng Kia A Vơng bên bộ cồng chiêng ông đang lưu giữ. Ảnh: T.V.P

 

Già A Vơng giải thích: Hiện nay, làng có 1 bộ cồng và 1 bộ ching còn sử dụng rất tốt. Bộ cồng gồm 4 cái guông (guông nghĩa là chiêng) theo thứ tự là guông mông (chiêng út), guông pêh (chiêng hai), guông pôh (chiêng ba), guông can (chiêng lớn); 2 cái khum (khum nghĩa là bộ gõ) gồm khum 2 và khum 3; 1 cái tà vảo (tà vảo nghĩa là cái sáo nhỏ); 1 cái pôto (pôto nghĩa là cái trống nhỏ). Như vậy, bộ cồng gồm có 8 nhạc cụ riêng biệt nên phải có 8 người mới sử dụng được. Bộ cồng dùng để đánh khi tổ chức các lễ như: đâm trâu, mừng lúa mới, làm nhà mới, làm chuồng trâu, sửa máng nước, lễ bỏ mả… Còn bộ ching gồm có 3 cái cồng, 7 cái chiêng và 1 cái trống lớn, vì vậy phải có 11 người mới đánh được. Việc đánh bộ ching (hay còn gọi là đánh cồng chiêng) chủ yếu sử dụng trong các lễ hội văn hóa dân gian tại nhà rông để mừng các ngày lễ trọng đại của quê hương, đất nước mang tính cộng đồng rộng lớn. Khi đánh bộ cồng hoặc bộ ching, người ta đều đánh chiêng út trước, sau đó đến các loại chiêng tiếp theo, rồi mới đánh trống và các loại nhạc cụ khác kèm theo.

Anh A Xe năm nay 30 tuổi, nhưng đã có thâm niên 7 năm tham gia biểu diễn cồng chiêng, cho biết: Từ khi đội cồng chiêng thanh niên của làng thành lập (năm 2012), mình đã tham gia. Trong những ngày đầu mới thành lập, nhiều lúc đi làm rẫy ở xa nhà hàng mấy cây số rất vất vả, nhưng tối về vẫn tập trung tại nhà rông hoặc nhà già làng A Vơng để học cách đánh cồng chiêng. Bởi mình nghĩ, nếu không chịu tập luyện, thì sau này có ai biết để bày lại cho con cháu mình đánh cồng chiêng. Cứ thế, mình thường xuyên luyện tập và tham gia biểu diễn cùng anh em trong làng nên đánh “lên tay” lắm.

Còn chị Y Hiền - một người rất giỏi múa xoang của làng - tâm sự: Đánh cồng chiêng mà không có chị em múa xoang phụ họa và không có không gian rộng lớn để bà con đến xem thì coi như thất bại. Bởi vì, văn hóa cồng chiêng mang đậm tính cộng đồng, phải có người đánh cồng chiêng, người thổi sáo, người gõ khum, người đánh trống và đặc biệt phải có chị em múa xoang thì cuộc vui mới kéo dài được. Những lúc nghỉ giữa chừng, chị em mời mọi người vít cong cần rượu ghè cùng uống trong điệu nhạc thiêng liêng làm cho cuộc vui kéo dài thâu đêm suốt sáng, làm lòng người xích lại gần hơn, thân thiết hơn để xây dựng xóm làng yên vui, đầm ấm hơn.

Bảo tồn và phát huy

Anh A Đruế -  Bí thư Đoàn thị trấn Măng Đen, đồng thời là Đội trưởng Đội nghệ nhân làng Kon Vơng Kia, cho biết: Làng Kon Vơng Kia hiện có 148 hộ với 447 nhân khẩu, chủ yếu là người Mơ Nâm, sinh sống bằng nghề nông. Trải qua bao đời nay sinh sống giữa núi rừng Đông Trường Sơn này, người dân coi văn hóa cồng chiêng như là máu thịt của chính mình, nên thường xuyên truyền dạy cho con cháu đời sau lưu giữ. Tuy nhiên, có thời điểm cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, việc duy trì đánh cồng chiêng và múa xoang bị mai một.

Các thành viên Đội nghệ nhân làng Kon Vơng Kia, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Ảnh: T.V.P

 

Chính vì thế, năm 2012, đội cồng chiêng thanh niên làng Kon Vơng Kia, xã Đăk Long (nay là thị trấn Măng Đen) đã được thành lập với 15 nghệ nhân là nam, nữ thanh niên trong làng. Trong thời gian này, đội hoạt động cầm chừng, chủ yếu luyện tập để tham gia các đợt biểu diễn văn hóa cồng chiêng do huyện và tỉnh tổ chức. Nhưng đến năm 2015, khi đề án phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa các DTTS trên địa bàn huyện được triển khai, đội đổi tên thành Đội nghệ nhân làng Kon Vơng Kia với 20 nghệ nhân gồm nhiều lứa tuổi tham gia, trong đó có 11 nghệ nhân nam đánh cồng chiêng và 9 nghệ nhân nữ múa xoang.

“Nhờ ngành du lịch của huyện phát triển, nên tính từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm đội đã tham gia từ 35-40 lần tổ chức biểu diễn cồng chiêng, múa xoang cho du khách gần xa đến tham quan du lịch trên địa bàn. Đồng thời, đội còn tham gia từ 2-3 lần hội diễn/năm do huyện và tỉnh tổ chức, qua đó góp phần trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cụ thể là văn hóa cồng chiêng của người Mơ Nâm”- A Đruế phân tích.

Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, hàng năm Đội nghệ nhân làng Kon Vơng Kia  đã mở 2 lớp truyền dạy đánh cồng chiêng và múa xoang cho thanh niên trong làng, bình quân 30 người/1 lớp. Đặc biệt, khi các làng đồng bào DTTS khác trong huyện và các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thị trấn Măng Đen có nhu cầu phát triển văn hóa cồng chiêng và múa xoang cho thanh niên và học sinh phổ thông, đội nghệ nhân của làng đều tham gia truyền dạy, bình quân 30 người tham gia/1 lớp. Đây thực sự là một việc làm có ý nghĩa rất quan trọng của người dân làng Kon Vơng Kia nói riêng và đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện Kon Plông nói chung trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Chia tay dân làng Kon Vơng Kia trong chiều xuân nhạt nắng, chúng tôi trở về phố thị Kon Tum với lòng ngưỡng mộ những người con của làng say mê với công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình, coi nó là báu vật của làng luôn luôn phải gìn giữ đến ngàn sau. 

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác