Hồn làng “khoác áo” mới

08/03/2022 13:10

Chiều tà, ánh mặt trời nhuốm hồng làng Kon K’tu, xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum). Bà con đồng bào Ba Na từ ruộng rẫy trở về nhà. Giữa sắc trời chiều, người người qua lại khu nhà rông ở làng Kon K’tu mới được “khoác áo” mới, tôi thấy khuôn mặt ai nấy cũng tươi vui và vùng quê yên bình này đẹp như một bức tranh thủy mặc.
Vẻ đẹp của nhà rông làng Kon K’tu vào buổi chiều tà. Ảnh: TT

 

Bên hiên nhà gần nhà rông, giọng cười của già làng A Ben, làng Kon K’tu giòn tan: Kể từ trước Tết, khi nhà rông của làng được sửa chữa, “khoác áo” mới, dường như bà con ai nấy vẫn còn hân hoan.

Vui cùng với già làng, tôi lại thấy nhà rông làng Kon K’tu đẹp và cuốn hút lạ thường. Từng đường chạm, họa tiết tô điểm sắc nét, vừa giữ nét đẹp của nhà rông truyền thống, vừa không mất đi vẻ tôn nghiêm và linh thiêng vốn có.

Nhà rông xuất hiện trong mọi hoạt động đời sống, sinh hoạt của bà con làng Kon K’tu. Ảnh: TT

 

Dừng lại khoảng chừng mươi phút để chúng tôi ngắm nhìn nhà rông mới sửa chữa của làng, già A Ben cất lời: Từ bao đời nay, nhà rông là nơi gắn bó “máu thịt” với dân làng và được xem là “linh hồn” của làng. Bởi nơi đây thường diễn ra buổi hội họp dân làng, tổ chức các lễ hội, sự kiện của làng.

Trong việc xây dựng cũng như sửa chữa, nhà rông làng Kon K’tu được tạo nên từ công sức của tất cả mọi người trong làng. Từng công đoạn, từ việc chặt tre, vận chuyển lồ ô, bện từng sợi lạt, cho đến khi lợp từng lớp tranh..., tất cả đều được bà con tỉ mỉ, trau chuốt từng chi tiết để nhà rông được làm ra luôn đẹp nhất trong mắt dân làng.  Người có con mắt quan sát tinh tế, họ nhìn vào nhà rông có thể  đánh giá được sự giàu, nghèo, sự khéo léo của dân làng đó.

Người Ba Na tại làng Kon K’tu. Ảnh: TT

 

Cũng như nhiều DTTS ở Tây Nguyên, đối với người Ba Na ở làng Kon K’tu, nhà rông mang giá trị tinh thần quan trọng, không gì sánh bằng. Đồng thời, nhà rông còn là biểu tượng cho sức mạnh của cộng đồng, là nơi kết nối các thế hệ người Ba Na, là nơi cộng đồng  thường chia sẻ, trao cho nhau những tình cảm, hướng về cội nguồn và những khát vọng cao đẹp.

Từng đường nét, hoa văn trang trí trên mái nhà rông làng Kon K’tu luôn gắn với văn hóa của người Ba Na. Tự hào về nhà rông của làng, già A Ben thổ lộ: Thường khi nhà rông của làng bị xuống cấp, các hoạt động, sự kiện của dân làng diễn ra tại nhà rông đều có cảm giác tẻ nhạt. Dân làng ai cũng buồn. Do vậy, khi chính quyền địa phương hỗ trợ sửa chữa, dân làng ai cũng phấn khởi. Và khi mọi người trong làng đồng tâm hiệp lực sửa chữa, khoác lên “hồn làng” chiếc “áo mới” đẹp và tôn nghiêm như hiện nay, ai cũng phấn khởi.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch sửa chữa lại nhà rông làng Kon K’tu,  mọi người trong làng đều phải tham gia, mỗi người đảm nhận những phần việc riêng. Người nhỏ làm việc nhỏ, người lớn làm việc lớn. Đàn ông vô rừng kiếm tre, lồ ô, phụ nữ ở nhà chẻ lạt, bện dây mây. Khi từng phần việc được già làng phân công xong, cũng là lúc mọi người bắt tay vào công việc.

Già A Ben cho biết, để làm một nhà rông truyền thống theo đúng nghĩa, thì không bao giờ dùng đến sắt, thép. Chính vì vậy, mọi vật liệu làm nhà rông mọi người phải bỏ công tìm kiếm trong tự nhiên. Mặt khác, vật liệu chọn làm nhà rông (tre, lồ ô…) phải đảm bảo các tiêu chuẩn dân làng đưa ra như to, đủ độ tuổi và có mã đẹp.

Để đáp ứng các tiêu chuẩn này, những người đàn ông phải vào sâu trong rừng, tìm kiếm nhưng cây phù hợp. Cây tre, lồ ô đem về phải được ngâm dưới nước khoảng 1 tuần. Đây là phương pháp nhằm đảm bảo được độ bền của cây với khả năng chống mối, mọt xâm hại.

Sau khi đảm bảo được nguyên vật liệu chính, bà con tiếp tục vào rừng để lấy dây mây. Mây là loại dây dùng để buộc rất bền, chắc. Khi thi công, từng điểm nối của cây sẽ được bà con chặt, đẽo khớp nối, sau đó dùng những cuộn dây mây để buộc lại, tạo thành những gút thắt chắc chắn.

Khác với một số ngôi nhà rông bị cách tân, dùng tôn để lợp mái, nhà rông làng Kon K’tu vẫn chọn vật liệu là mái tranh. Theo già A Ben, việc lợp nhà rông bằng mái tranh giúp cho không gian bên dưới được mát mẻ. Đồng thời, giữ nguyên vẹn hình dáng của nhà rông truyền thống.

Già A Ben vui vẻ: “Trong lần tu sửa này, để bảo quản mái nhà rông được lâu hơn, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết (nắng, mưa), làng mình dành hẳn 4 ngày để tập trung chẻ lạt, đan thành một tấm liếp lớn, bao phủ toàn bộ bề mặt mái tranh của nhà rông”.

Sau khi “tấm áo” khổng lồ được hoàn thành, bà con làng Kon K’tu tiến  hành lợp mái. Hàng chục người leo lên mái nhà rông để mang tấm liếp phủ qua bên kia mái nhà, trong khi hàng trăm người dưới đất dùng gậy để giữ cho tấm lạt cố định, không bị rơi. Loay hoay gần nửa ngày trời, mọi việc mới cơ bản được hoàn thành.

Theo già A Ben, về phần trang trí cho nhà rông, mỗi làng sẽ sử dụng cách trang trí và bài trí họa tiết khác nhau, nhưng phải bảo đảm những yếu tố căn cốt trong văn hóa truyền thống. Làng nào có họa tiết và trang trí nhà rông càng đẹp, chứng tỏ khả năng hội hoạ và điêu khắc của người dân làng đó càng cao. Đối với nhà rông của làng Kon K’tu, các phần vách được đan bằng tre nứa, lồ ô tạo nên những dải hoa văn mềm mại, uyển chuyển. Đồng thời ở cột và thành cầu thang được khắc hình ngọn cây rau dớn.

Sau hơn 3 tháng bắt tay tu sửa nhà rông làng Kon K’tu đã hoàn thành trong sự phấn khởi của tất cả mọi người. Hôm đó, trong tiếng cồng chiêng trong trẻo, ngân vang khắp đất trời, bà con làng Kon K’tu tổ chức lễ hội đâm trâu mừng nhà rông đã hoàn thành. Dân làng tụ tập xung quanh nhà rông để ăn mừng, thưởng thức những ghè rượu cần bên ánh lửa bập bùng.

Ông Đào Văn Hậu - Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa cho biết: Làng Kon K’tu chỉ là một trong các thôn trên địa bàn xã được chính quyền địa phương vận động, hỗ trợ tu sửa, nâng cấp nhà rông theo hướng truyền thống. Nhà rông của mỗi thôn, làng, của mỗi dân tộc đều phải mang đậm những giá trị văn hóa của dân tộc đó mà địa phương muốn bảo tồn và phát huy.

Theo ông Đào Văn Hậu, hiện tại, UBND xã Đăk Rơ Wa đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch về bảo tồn và gìn giữ nhà rông tại các thôn, làng trên địa bàn. Đây là một trong những nội dung quan trọng, góp phần phát triển du lịch tại địa phương.

Mải mê với làng già A Ben và người dân nơi đây, trời tắt nắng lúc nào không hay. Đèn sáng trong từng căn nhà, tôi ngắm nhìn nhà rông một lần nữa rồi nói lời chia tay “hồn làng” của người Ba Na ở làng Kon K’tu.

Tất Thành

Chuyên mục khác