“Giữ hồn” tượng gỗ dân gian ở Klâu Ngol Zố

29/03/2023 06:01

Những ngày không đi rẫy, nghệ nhân A Thoan (SN 1983) và nghệ nhân Rơ Châm Banh (SN 1966) cùng sinh sống ở làng Klâu Ngol Zố (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) lại hẹn nhau tạc tượng gỗ. Qua óc thẩm mỹ tinh tế và đôi bàn tay khéo léo của 2 nghệ nhân, những khúc gỗ vô tri như được “thổi hồn”, trở thành những tác phẩm điêu khắc đặc sắc, chứa đựng tình yêu thương con người và sắc thái đời sống của dân tộc Gia Rai ở làng Klâu Ngol Zố.

Nghệ nhân A Thoan và nghệ nhân Rơ Châm Banh đều là những học trò xuất sắc của già A Yưk- người nghệ nhân tài hoa về nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian ở làng Klâu Ngol Zố.

Nghệ nhân A Thoan là người dân tộc Ba Na, sinh ra và lớn lên ở làng Kon Dơ Xing (thôn 8, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy). Khi trưởng thành, ông đến làng Klâu Ngol Zố lập nghiệp, lấy vợ, sinh con.

Nghệ nhân A Thoan năm nay 40 tuổi, nhưng đã gắn bó với nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian gần 30 năm. Khoảng sân trước nhà được che bóng mát bởi cây nhãn nhiều năm tuổi là nơi ông hay tạc tượng gỗ với người bạn, người anh thân thiết của mình là nghệ nhân Rơ Châm Banh.

Nghệ nhân Rơ Châm Banh (trái) tạc tượng gỗ cùng nghệ nhân A Thoan. Ảnh: Đ.T

 

Nghệ nhân A Thoan kể lại, lúc còn nhỏ, ở làng Kon Dơ Xing, ông hay đến nhà người chú họ để xem tạc tượng gỗ. Xem tạc tượng gỗ nhiều, dần dần ông thích loại hình nghệ thuật này từ lúc nào không hay. Thấy vậy, người chú cũng nhiệt tình chỉ dạy cách tạc tượng gỗ cho ông. Đến năm ông 13 tuổi, làng Kon Dơ Xing dựng nhà rông mới, ông cùng những người chú của mình tham gia tạc 2 tượng gỗ nằm ở phần đỉnh 2 cột phía trước nhà chồ của nhà rông.

“Trong kiến trúc nhà rông của người Ba Na ở làng Kon Dơ Xing, nhà chồ nằm ở cửa chính ngoài bậc thang còn có 2 trụ cột bằng gỗ đặt phía trước có phần đỉnh dài khoảng 80cm được tạc tượng 1 người đàn ông và 1 người phụ nữ, đều là người lớn tuổi, có vai trò quan trọng đối với làng. Năm làng Kon Dơ Xing dựng nhà rông mới, là lần đầu tiên tôi được tham gia gần như toàn bộ các công đoạn để tạo nên 1 tượng gỗ, từ tách vỏ, tạo hình thô, đến tạo hình chi tiết. Đó cũng là “bài thi” dành cho tôi, giúp tôi có thêm sự tự tin và động lực để tiếp tục học hỏi trở thành 1 người tạc tượng gỗ thuần thục giống như các chú của mình”-  nghệ nhân A Thoan chia sẻ.

Khi trưởng thành, đến làng Klâu Ngol Zố sinh sống và lập gia đình, nghệ nhân A Thoan không quên mang theo những bức tượng gỗ mộc mạc, hình dáng về con người, muông thú mà ông đã tạc ở quê nhà Kon Dơ Xing. Sau này khi xây được nhà ở, ông đặt những bức tượng gỗ trang trọng tại phòng khách. Cũng nhờ vậy mà trong 1 lần đón tiếp nghệ nhân A Yưk đến thăm chơi, ông đã tạo được ấn tượng sâu sắc và sau đó trở thành học trò, được nghệ nhân A Yưk trao truyền những tinh hoa trong nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian của người Gia Rai.

Nghệ nhân A Thoan dùng rìu tách vỏ cây để tạc mặt nạ gỗ. Ảnh: ĐT

 

Còn nghệ nhân Rơ Châm Banh là người dân tộc Gia Rai, sinh ra và lớn lên ở xã Ia Phí (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Cũng giống như nghệ nhân A Thoan, khi đến tuổi trưởng thành, nghệ nhân Rơ Châm Banh đến làng Klâu Ngol Zố sinh sống và lập gia đình.

Có mối quan hệ họ hàng và thường xuyên tiếp xúc với nghệ nhân A Yưk, nghệ nhân Rơ Châm Banh được học hỏi và trở thành người tạc tượng giỏi. Ông am hiểu về văn hóa tạc tượng gỗ của người Gia Rai ở làng Klâu Ngol Zố, nhất là tạc tượng gỗ để dựng xung quanh nhà mồ trong lễ bỏ mả (Pơ thi).

“Ở Klâu Ngol Zố có truyền thống khi gia đình nào có người qua đời, dân làng đều đến chia buồn và giúp đỡ. Những người biết tạc tượng gỗ cũng vậy, khi có đề nghị từ gia đình có người qua đời, họ sẽ tham gia tổ chức lễ bỏ mả, giúp gia đình đó dựng nhà mồ và tạc tượng gỗ. Mỗi nhà mồ có 4 trụ cột gỗ ở 4 góc tạc tượng những con khỉ và 2 trụ gỗ ở cửa vào tạc tượng người đàn ông, người phụ nữ. Trong những ngày diễn ra tạc tượng gỗ, không ai được đến gần nhà mồ, trừ những người thân trong gia đình của người qua đời đến đưa cơm, nước uống cho những người tạc tượng gỗ. Những tượng gỗ nhà mồ chứa đựng tình cảm sâu nặng, cầu mong cho người qua đời có được cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc khi ở thế giới bên kia” - nghệ nhân Rơ Châm Banh cho biết.

Dù đều là rể của làng Klâu Ngol Zố, nhưng vì có chung niềm đam mê và có người thầy giỏi là nghệ nhân A Yưk, nghệ nhân Rơ Châm Banh và nghệ nhân A Thoan có nhiều lần đại diện cho làng Klâu Ngol Zố nói riêng và xã Ia Chim nói chung tham gia trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian trong các sự kiện văn hóa trong, ngoài tỉnh. Tay nghề tạc tượng gỗ của 2 nghệ nhân nhờ vậy mà ngày càng nâng lên. Những khúc gỗ trước khi tạc có hình dáng không thuận lợi hay tượng gỗ yêu cầu sự tỉ mỉ, độ khó cao, cần vài ngày mới hoàn thành, cả 2 nghệ nhân Rơ Châm Banh và A Thoan đều đã tạc được. Các nghệ nhân bộc bạch, mỗi bức tượng gỗ hội tụ tất cả những gì mà người tạc có, đó là tính thẩm mỹ, tính kiên nhẫn, sự khéo léo của đôi bàn tay và am hiểu văn hóa tạc tượng gỗ dân gian của dân tộc.

Ngoài tạc tượng gỗ, nghệ nhân Rơ Châm Banh và nghệ nhân A Thoan còn biết tạc mặt nạ gỗ. Ảnh: Đ.T

 

“Trong lần cùng nghệ nhân A Yưk, nghệ nhân A Láo ở làng Plei Sar (xã Ia Chim) và các nghệ nhân của tỉnh ra Thủ đô Hà Nội giao lưu văn hóa, trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, tôi đã tạc 1 tượng gỗ người phụ nữ đội nồi đồng và 1 tượng gỗ 2 người đàn ông đang vật nhau. Đó là những bức tượng khó nhất cho đến nay mà tôi đã tạc, vì hình dáng tổng thể của từng bức tượng khiến việc dùng các dụng cụ để đục, đẽo những đường cong, góc khuất nằm bên trong các bức tượng rất khó và phải tập trung tạc trong vài ngày mới hoàn thành” - nghệ nhân Rơ Châm Banh cho hay.

Tiếp lời nghệ nhân Rơ Châm Banh, nghệ nhân A Thoan nói: Bộ dụng cụ tạc tượng gỗ gồm 1 chiếc rìu, 1 chiếc rựa và 20 cây đục bằng sắt khác nhau. Để tạc được nhiều bức tượng có hình dáng và trên các loại gỗ khác nhau, bộ dụng cụ tạc tượng phải có độ bền, sắc và được làm thủ công từ người thợ rèn có kinh nghiệm. Trong bộ dụng cụ tạc tượng gỗ tôi hay sử dụng, có một số cây đục trước đây các chú của tôi đã sử dụng để tạc tượng gỗ ở làng Kon Dơ Xing”.

Với tài nghệ và sự sáng tạo, 2 nghệ nhân Rơ Châm Banh và A Thoan còn tạc mặt nạ gỗ, vật dụng mà người Gia Rai ở làng Klâu Ngol Zố thường đeo trên mặt trong các lễ hội, sự kiện lớn của làng hay nhận tạc tượng gỗ trang trí cho các điểm du lịch, homestay, quán cà phê trên địa bàn thành phố Kon Tum. Các nghệ nhân còn tạc tượng gỗ trang trí trong nhà để bán cho người có nhu cầu.

Nghệ nhân A Thoan tâm sự, thầy A Yưk chỉ dạy cho ông rất nhiều điều, giúp ông có thêm kinh nghiệm, hoàn thiện kỹ năng và hiểu về văn hoá tạc tượng gỗ dân gian của người Gia Rai. Còn nghệ nhân Rơ Châm Banh thì nói: Hiện nay, trong làng Klâu Ngol Zố có 3 thầy trò chúng tôi biết tạc tượng gỗ, điều đó khiến bản thân tôi rất vui vì đã góp sức giúp làng gìn giữ và phát huy được văn hóa dân gian, truyền thống của dân tộc.

Đức Thành        

Chuyên mục khác