19/12/2022 13:23
Chiều mưa lạnh, ngồi bên bếp lửa trong nhà sàn cùng các thanh niên trẻ trong thôn, nghệ nhân A Vơng (sinh năm 1954) vít một hơi rượu cần rồi thổi tà vẩu. Âm thanh từ nhạc cụ đặc trưng của người Mơ Nâm ngân vang theo nhịp thổi và điệu lắc cơ thể của nghệ nhân A Vơng. A Druông (sinh năm 1987), học trò của nghệ nhân A Vơng cũng cầm tà vẩu lên thổi cùng. Tiếng tà vẩu của hai thầy trò như hòa vào làm một, cùng ngân vang làm say đắm người nghe.
Nghệ nhân A Vơng là một trong số ít người lớn tuổi trong thôn Kon Vơng Kia hiện nay còn khỏe mạnh, biểu diễn được hầu hết các nhạc cụ truyền thống của người Mơ Nâm, như cồng, chiêng, trống, tà vẩu. Học trò của ông ngoài A Druông giỏi về thổi tà vẩu còn có A Hai (sinh năm 1987) và A Ninh (sinh năm 1974), giỏi về đánh cồng, chiêng. Thỉnh thoảng vào buổi cơm chiều, 4 thầy trò lại quây quần bên nhau, cùng thưởng thức ché rượu cần và biểu diễn các nhạc cụ.
|
Theo các nghệ nhân ở thôn Kon Vơng Kia, các nhạc cụ được chia thành 2 bộ. Một bộ gồm 1 chiếc tà vẩu, 1 chiếc trống, 5 chiếc cồng và 2 chiếc khum (nhạc cụ gõ cầm tay được làm từ 2 ống nứa liên kết với nhau bằng những sợi dây mây), được mọi người sử dụng trong các sự kiện quan trọng của gia đình. Bộ còn lại gồm 4 chiếc cồng, 7 chiếc chiêng và 1 chiếc trống, được sử dụng trong các sự kiện quan trọng của thôn.
“Trong các sự kiện, như mừng lúa mới, cúng chuồng trâu, mừng nhà mới, người trong thôn sẽ biểu diễn các nhạc cụ và cùng hát các bài dân ca. Đó là những bài hát có chủ đề về quá trình lên rẫy, ra đồng làm lúa, đi tìm trâu, tình yêu nam nữ, ru con. Bộ nhạc cụ có tà vẩu được mọi người sử dụng thường xuyên hơn bộ nhạc cụ có cồng, chiêng và trống. Mỗi khi gia đình nhà nào có việc quan trọng, chủ nhà sẽ mời người thân, hàng xóm sống ở xung quanh đến và đem bộ nhạc cụ có tà vẩu ra sử dụng. Khách mời sẽ mang theo đồ ăn, rượu cần đến và cùng tham gia thổi tà vẩu, hát giao duyên với chủ nhà”, nghệ nhân A Vơng chia sẻ.
Nhờ phong tục tốt đẹp này nên hiện nay ở thôn Kon Vơng Kia có nhiều gia đình đang sở hữu nhiều nhạc cụ truyền thống có nhiều năm tuổi, được trao truyền và sử dụng qua nhiều thế hệ.
|
“Hầu như đàn ông lớn tuổi trong thôn đều biết thổi tà vẩu và đánh cồng, chiêng. Một số người còn biết chế tác nhạc cụ và tích cực truyền dạy lại kỹ năng này cho thế hệ trẻ như chú A Vơng, A Lúp hay A Ôi”- anh A Druông giới thiệu.
Cầm trên tay chiếc trống, nghệ nhân A Vơng nặng trĩu lòng rồi bộc bạch: Đây là chiếc trống mà nghệ nhân A Lúp lúc còn sống hay sử dụng. Ông ấy là thầy của tôi, là người giỏi nhất ở Kon Vơng Kia, biết làm và biểu diễn điêu luyện tất cả các loại nhạc cụ. Nghệ nhân A Ôi đã mất cách đây 2 năm. Lúc còn sống, ông ấy cùng với tôi truyền dạy lại cách thổi tà vẩu và đánh cồng, chiêng cho thanh thiếu nhi trong thôn. Vừa qua, trong Hội thi cồng, chiêng xoang các DTTS tỉnh lần thứ I-năm 2022, ông A Ôi nằm trong danh sách được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, đây là phần thưởng xứng đáng dành cho những cống hiến của ông ấy”.
Tiếp lời nghệ nhân A Vơng, anh A Hai tự hào nhắc đến nghệ nhân ưu tú A Ôi: “Chú A Ôi là người truyền lửa cho tôi. Nhờ có chú ấy, tôi được chỉ dạy cách đánh cồng, chiêng giỏi và nay đã trở thành đội phó đội cồng, chiêng xoang của thôn”.
|
Kể lại quá trình học cách biểu diễn các nhạc cụ, anh A Druông cho biết, từ lúc còn nhỏ, khi thấy cha của mình thổi tà vẩu và những người thân trong gia đình đánh cồng, chiêng trước đông đảo người dân trong thôn, anh cảm thấy rất tự hào. Anh yêu thích các nhạc cụ và quyết tâm học để biểu diễn được như cha và người thân của mình.
Giống như anh A Druông, anh A Ninh sinh ra trong gia đình có người thân am hiểu và biểu diễn được các nhạc cụ. Anh cho hay, để trở thành người đánh cồng, chiêng giỏi như hiện nay, anh đã phải cố gắng rất nhiều, chịu khó học hỏi từ người thân lẫn những người lớn tuổi trong thôn.
Theo nghệ nhân A Vơng, mỗi lần biểu diễn thổi tà vẩu, người thổi phải có sức khỏe thật tốt để vừa đi vừa lấy hơi thật nhiều trong bụng, thổi ngang và thổi dọc đều theo nhịp đánh của cồng và trống liên tục, trong thời gian dài. Thổi tà vẩu rất khó, khó hơn đánh cồng, chiêng. Nhiều người đã học nhưng vẫn không thổi được.
“A Druông, A Hai và A Ninh là những người có tài, nhờ ham học hỏi nên bây giờ đã biết biểu diễn hầu hết các bài thổi tà vẩu, bài chiêng cổ mà thôn Kon Vơng Kia hay sử dụng trong các lễ hội, sự kiện quan trọng từ xưa đến nay”, nghệ nhân A Vơng nói.
|
Thôn Kon Vơng Kia cách trung tâm thị trấn Măng Đen hơn 6km. Thôn là địa chỉ được du khách thường xuyên đến tham quan. Đội cồng, chiêng xoang của thôn thường tham gia biểu diễn tại các sự kiện văn hóa trong và ngoài huyện Kon Plông. Mỗi dịp có khách du lịch đến thăm hay đi biểu diễn, các thành viên trong Đội cồng, chiêng xoang của thôn đều giới thiệu và bán các sản phẩm nhạc cụ đặc trưng của dân tộc. Nghệ nhân A Vơng cũng tích cực tham gia chế tác những chiếc tà vẩu mới để giới thiệu và bán cho du khách, nhờ đó, ông có thêm nguồn thu nhập cho gia đình và có dịp để trao truyền cách chế tác nhạc cụ này cho thế hệ trẻ trong thôn.
Tiết trời lạnh hơn khi về tối, 4 thầy trò A Vơng, A Druông, A Hai và A Ninh tiếp tục thêm củi vào bếp lửa cho ấm gian nhà sàn, cùng nhau thưởng thức ché rượu cần và nói chuyện về các nhạc cụ dân tộc.
“Khi tôi còn trẻ, lúc đang là thành viên trong đội cồng, chiêng xoang của thôn, tôi rất mong muốn các con và cháu của mình tiếp nối thế hệ chúng tôi, tích cực tham gia gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, trở thành những người am hiểu và biểu diễn nhạc cụ truyền thống giỏi. Bây giờ, tôi rất vui vì mong muốn đó đã trở thành sự thật. Các thành viên trong Đội cồng, chiêng xoang thôn Kon Vơng Kia đều là những người trẻ và tài năng”- nghệ nhân A Vơng vui mừng.
ĐỨC THÀNH