Đôi tay tài hoa nơi đại ngàn

26/08/2024 06:05

Đi qua 79 mùa rẫy, dù mắt đã mờ, sức đã yếu, nhưng ông A Deo vẫn miệt mài từng ngày ngồi đan lát trong căn nhà vách ván ở thôn Năng Nhỏ 1, xã Đăk Sao (huyện Tu Mơ Rông). Với đôi tay tài hoa, ông A Deo tạo ra những dụng cụ, vật phẩm tỉ mỉ từng chi tiết và bền chắc, dẻo dai.

Theo lời chỉ đường của người dân, tôi tìm đến nhà ông A Deo và thấy ông đang miệt mài vót từng sợi nan ngay cửa. Nhiều ngày qua, ông A Deo không lên rẫy thăm lúa mà ở nhà bầu bạn với chiếc nong, chiếc nia. Bởi với ông, đan lát là thú vui tuổi già, vài hôm không đan đôi tay lại thấy khó chịu, bứt rứt.

Ông A Deo tâm sự: “Đất đai chia hết cho con cái, còn một ít ruộng vợ chồng tôi trồng lúa ăn quanh năm. May tôi có cái nghề đan lát còn kiếm thêm chút ít thu nhập lúc tuổi già và có việc để làm hàng ngày, vận động tay chân cũng vui”.

Ông A Deo miệt mài vót từng sợi nan. Ảnh: NB

 

Hỏi về những ngày đầu học đan, ông A Deo nhớ bản thân khi còn nhỏ đã biết dùng rựa, dùng dao chẻ lạt, rồi biết đan. Ông kể, ngày còn bé hay đi theo cha lên rẫy, vào rừng, cùng với việc phụ cha đặt bẫy thú, bắt cá suối, ông A Deo còn phụ cha mang vác lồ ô, nứa về nhà.

Ngày ấy trong làng chưa có điện, tối đến cả nhà quây quần bên bếp lửa. Lửa không chỉ thay ánh đèn chiếu sáng mà còn dùng để sưởi ấm khi về đêm. Mỗi khi cả nhà dùng xong bữa cơm tối, ông A Deo lại cùng các anh ngồi gần cha học đan lát. Cha ông ngày đó rất nghiêm khắc với các con. Ông cho rằng, đàn ông Xơ Đăng phải biết đan lát thì mới có thể cưới vợ, làm được việc lớn.

Ông A Deo nhớ lại: Cha tôi thường nói, để làm được việc lớn trước tiên phải chỉn chu trong từng việc nhỏ. Như đan lát là việc nhỏ nhưng là công việc tất yếu trong cuộc sống người Xơ Đăng, không đan sẽ không có vật dụng để sinh hoạt. Do vậy, khi biết cầm dao, cầm rựa, tôi đã được cha dạy cho cách chẻ lạt, vót nan.

Đầu tiên, để tạo được cảm nhận cho đôi tay với từng sợi nan, cha ông A Deo lựa những cây nứa, lồ ô non tuổi cho ông vót nan. Bởi những cây này có các mắt, vỏ mềm nên dễ chẻ nhỏ, dễ vót. Không ai quy định về độ mỏng của từng chiếc nan bởi nó được cảm nhận từ đôi tay của người thợ. Khi nan đủ mỏng, đủ dày, đều nhau thì sẽ cho ra sản phẩm cân đối, bắt mắt.

Phơi những chiếc khung lên dàn bếp để tránh mọt và sản phẩm bền chắc hơn. Ảnh: N.B

 

Qua nhiều ngày tập, ông A Deo đã trữ được khá nhiều nan. Dù kích thước sợi nan lúc đầu chưa đều, có sợi to, sợi nhỏ nhưng với ông đó là sự cố gắng, khơi nguồn cho đam mê đan lát sau này.               

A Deo mang hết số nan đến ngồi gần người cha, nhìn cha đan gùi rồi học đan theo. Tay cha thoăn thoắt đan những chiếc nan lại với nhau, chẳng mấy chốc ông đan xong phần đáy gùi. Còn ông A Deo, đôi tay non nớt, chậm chạp vẫn đang luồn những chiếc nan qua lại với nhau. Dưới sự tận tình của người cha, một lát sau A Deo cũng đan xong phần đáy gùi.

Sau khi đan xong phần đáy, những phần nan thừa được người cha uốn lên thẳng đứng để tiếp tục đan phần thân. Lúc này, ông A Deo hào hứng làm theo. Những chiếc nan tiếp tục được ông A Deo khéo léo đan vòng, khăn khít lại với nhau. Sau hơn 1 ngày cần mẫn, phần thân gùi cũng được hoàn thiện. Tiếp theo là đến công đoạn khó nhất mà ông A Deo phải cần sự trợ giúp của cha mình đó là phần đế và miệng gùi.

“Miệng gùi được làm từ cây mây già, uốn thành vòng tròn. Để có một chiếc miệng gùi ưng ý đòi hỏi người thợ phải có kỹ năng khéo léo, biết dùng sức nóng của than lửa xà nu để vừa hơ vừa uốn từng chút một. Để giúp tôi có kỹ năng uốn miệng gùi, cha vừa làm, vừa cầm tay chỉ việc, hướng dẫn trực tiếp cho tôi làm”- ông A Deo nhớ lại.

Vì nhanh ý, sáng dạ nên cha chỉ đến đâu, ông nhớ đến đấy. Những chiếc miệng gùi sau khi làm xong, cha ông lại gác lên giàn bếp để hong khô. Cha ông lấy ra chiếc miệng đã phơi khô từ tháng trước, đến gắn chặt vào phần thân gùi, lúc này A Deo cũng ngó nghiêng học cha làm theo. Xong phần miệng, A Deo tiếp tục làm phần đế. Đế gùi được làm từ loại gỗ sữa, có tính nhẹ, bền. Việc làm phần đế cũng đòi hỏi người thợ phải có sức mạnh, khéo để đục đẽo theo ý mình.

Sau nhiều ngày, A Deo mới hoàn thiện được chiếc gùi, dù không đẹp như cha mình nhưng đó là sự đánh dấu đầu tiên cho hành trình đan lát. Tiếp đến, cha lại chỉ cho A Deo cách đan nong, đan nia.

Cũng giống như cách đan gùi, nhưng vật liệu làm nong, nia thường là lồ ô phải già, sợi nan mỏng hơn. Bên cạnh đó, để có được chiếc nong, chiếc nia ưng ý, ông phải tạo ra hoa văn bằng cách đan ca rô xen kẽ, cứ một sợi phơi màu phần lõi sẽ đến một sợi lộ màu phần vỏ, điều này sẽ tạo điểm nhấn và trông sinh động hơn những chiếc nong, nia đan một màu.

Ông A Deo khoe một số sản phẩm do ông làm ra. Ảnh: NB

 

“Để đan được họa tiết đòi hỏi người đan phải thực sự tập trung để đan các sợi phần lõi, phần vỏ xen kẽ nhau cho hợp lý. Chỉ cần lơ là, đan nhầm một sợi là các sợi sau đều sai theo, nên phải hết sức cẩn thận” - ông A Deo chia sẻ.

Sau này, khi có gia đình, đan lát trở thành nghề tay trái của ông A Deo. Ngoài việc đan lát để có sản phẩm phục vụ gia đình, ông A Deo còn dùng để đổi gạo, đổi gà, heo. Đến khi về già, đan lát trở thành thú vui, kiếm tiền tuổi già. Ai đặt gì, ông làm nấy. Trung bình mỗi tháng ông A Deo bán được hơn 4 chiếc nia, với giá 300.000 đồng/chiếc. Số tiền ấy tuy không nhiều, nhưng đủ để vợ chồng ông A Deo lo chi phí sinh hoạt, ăn uống qua ngày.

Ông Nguyễn Văn Bền - Chủ tịch UBND xã Đăk Sao cho biết, ông A Deo là một trong những người lớn tuổi còn duy trì nghề đan lát trên địa bàn. Các sản phẩm do ông làm ra đều rất tỉ mỉ, bắt mắt và được nhiều người dân trong vùng ưa chuộng. Trong thời gian tới, xã tiếp tục vận động, tuyên truyền bà con trên địa bàn chung tay bảo tồn văn hóa truyền thống của người Xơ Đăng, kêu gọi người trẻ tích cực học nghề truyền thống từ những thế hệ lớn tuổi, như dệt thổ cẩm, đan lát, để kiếm thêm thu nhập và gìn giữ nghề không bị mai một.

Nguyễn Ban

Chuyên mục khác