22/12/2020 06:04
Chuyện xưa kể lại
Lần thứ hai về thăm làng Đăk Rơ Chót, tôi vẫn ấn tượng bởi nét đẹp mộc mạc, đơn sơ của ngôi làng, với một bên là rừng cao su bạt ngàn mát lạnh, bên kia là đồng lúa trải dài xanh mướt.
A Đông (48 tuổi) – một nghệ nhân đa tài, nhiệt huyết với âm nhạc truyền thống của làng hồ hởi đón tôi. Anh chính là “gia sư” cho đội chiêng nữ nức tiếng nơi đây. Khi được hỏi về đội nữ chiêng của làng, A Đông cười hiền: “Người nữ chơi chiêng ở làng này đã là truyền thống từ lâu rồi, nên giờ trong mỗi dịp lễ, chiêng nữ như là linh hồn của những bài nhạc vậy”.
A Đông kể: Ngày xưa cồng chiêng như là thước đo cho sự giàu có của dân làng. Hễ làng nào có nhiều cồng chiêng thì được xem là trù phú, sung túc. Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của dân làng, làng cần có tiếng chiêng như nhà cần có bếp lửa. Cồng chiêng như người bạn tâm giao, nói lên suy nghĩ, tâm hồn con người, diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.
|
Theo A Đông, làng Đăk Rơ Chót ngày xưa được xem là có truyền thống về âm nhạc nhất so với những vùng lân cận. Hồi ấy, mỗi nhà đều sắm một bộ chiêng riêng, nhà nghèo lắm cũng có chiếc cồng và vài cái chiêng nhỏ. Bà con xem chiêng cồng như là tài sản quý giá. Nhằm giữ gìn văn hóa cồng chiêng của dân tộc, dân làng thành lập các đội chiêng truyền lại cho cả đàn ông và phụ nữ, các thế hệ trẻ em, thanh thiếu niên như là một cách để lưu giữ những làn điệu chiêng cổ.
Dừng lại vài giây trầm ngâm suy nghĩ, A Đông tiếp chuyện: Hồi ấy làng này cũng có một đội chiêng nữ nức tiếng bởi những điệu nhạc, tiếng chiêng du dương, hút hồn người nghe. Ngoài những nghi lễ trong làng, mỗi khi vùng lân cận có đám tang, dù xa đến mấy đội chiêng nữ vẫn sẵn sàng gác lại việc nhà, việc rẫy, băng rừng lội suối tìm đến nhà người mất để chia buồn và dùng tiếng chiêng để an ủi, tiễn biệt người mất. Phong trào chiêng nữ lúc ấy mạnh mẽ lắm, nhiều lúc còn gánh vác thay cả cánh đàn ông trong những dịp lễ hội.
Dần dà theo thời gian, do nhiều nguyên nhân khác nhau khiến dân làng không còn mặn mà, thiết tha gì với cồng chiêng nữa. Đội chiêng nữ ngày ấy khi về già không có thế hệ nối tiếp nên mai một dần, chỉ còn trong kí ức những người già. Nhiều người còn đem bán rẻ những bộ cồng chiêng để lấy tiền mua gạo, tiêu xài, mua vật dụng thường ngày... khiến cho số lượng chiêng, cồng trong làng ít dần.
Quyết tâm gìn giữ truyền thống
“Khi cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, những người trong làng mới dần hiểu giá trị to lớn của những chiếc chiêng, chiếc cồng mà mình “xem nhẹ” trước đây. Khi thấy những điệu cồng chiêng phổ biến hơn trong những dịp lễ hội lớn nhỏ tại địa phương, những lớp thế hệ sau mới hiểu hết được ý nghĩa của âm nhạc truyền thống, quyết tâm thành lập lại đội chiêng nữ”- A Đông chia sẻ.
Để gìn giữ truyền thống, ý tưởng thành lập lại đội chiêng nữ được các già làng đem ra bàn bạc, thống nhất. Theo đó, ban đầu đội chiêng nữ được thành lập gồm 13 thành viên và được hướng dẫn, tập luyện dưới sự chỉ dạy của nghệ nhân A Đông.
|
Người có công đầu trong việc vận động chị em đi tham gia tập chiêng chính là Đội trưởng Đội chiêng nữ Y Thun (68 tuổi). Bà Y Thun cho biết: “Nhóm 13 người chúng tôi trước đây chỉ múa xoang cùng các chiêng nam để tham gia biểu diễn trong các lễ hội thôi. Những lần ấy, khi thấy cánh đàn ông đánh cồng chiêng, chị em chúng tôi nhìn thôi cũng rất thích, cũng muốn đánh chiêng giống như đàn ông. Năm 2003, được các già làng khuyến khích thành lập đội nữ chiêng, tôi đã vận động chị em đi tập và được nhiều chị em hưởng ứng”.
Điều đặc biệt là, tuy với vai trò là đội trưởng, nhưng khả năng đánh chiêng của bà Y Thun cũng không “nhỉnh” hơn chị em là bao. Nhưng được già làng, mọi người tín nhiệm, bà đã gắng sức tập chiêng “quên ăn quên ngủ” để không phụ sự tín nhiệm của mọi người.
“Ban đầu tôi gặp khó khăn rất nhiều trong quá trình tập. Cách đánh chiêng nếu nhìn thì thấy dễ, nhưng khi vào tập, cầm chiêng lên đánh thật thì mới thấy hết độ khó. Cố gắng theo từng buổi tập, dần dần tôi được chỉ dạy từng âm sắc của cồng chiêng, kỹ thuật, nhịp điệu của từng bài chiêng và tiến bộ nhanh chóng” - bà Y Thun chia sẻ.
Đội chiêng nữ lúc ấy hầu hết đã có gia đình và được ủng hộ hết mình từ chồng con để đi tập chiêng. Những ngày đầu, ban ngày đi làm rẫy, tối về, chị em lại tụ tập đến nhà rông để tập luyện. Được các nghệ nhân chỉ dạy tận tình, cuối buổi được đội trưởng Y Thun tập dợt lại khoảng 15 phút và cứ vậy, đội chiêng nữ Đăk Rơ Chót đã thuần thục hầu hết các bài chiêng truyền thống.
Là một trong những thành viên trong đội, bà Y Gaih (61 tuổi) kể rằng, ban đầu khi tập bài chiêng vỡ lòng đã phải mất gần 3 tháng. Nhưng với sự kiên trì cố gắng, bà đã vượt qua và nhanh chóng bắt nhịp với toàn đội. Bà Y Gaih kể: “Tập chiêng không hề dễ như mình nghĩ. Những ngày đầu cầm chiêng tay chân lóng ngóng, đánh không ra tiếng, trật nhịp rất nhiều. Nhờ sự tận tâm chỉ dạy và hỗ trợ của mọi người, tôi đã hoàn thành bài chiêng vỡ lòng đầy khó khăn. Những bài sau đó, tôi tập rất nhanh, có khi chỉ vài ngày là xong một bài chiêng mới.
Nghệ nhân A Đông tự hào khoe: “Điểm mạnh của đội chiêng nữ là khi diễn tấu có một sức cuốn hút kì lạ từ âm thanh cho tới hình thể. Thay vì mạnh bạo, phóng khoáng thì âm thanh cồng chiêng do nữ diễn tấu lại mềm mại, kết hợp với động tác uyển chuyển, mang nét duyên riêng càng làm cho bài chiêng thêm lôi cuốn. Đến nay, đội chiêng nữ Đăk Rơ Chót đã nhiều lần được mời đi biểu diễn tại các sự kiện văn hóa lớn, nhỏ tại địa phương. Khi làng có lễ hội, sự kiện gì quan trọng, đội nữ đều tham gia diễn tấu, có những lúc thay cả đội chiêng nam đấy”.
Tôi rời Đăk Rơ Chót trong “men say” âm vang cồng chiêng. Hy vọng rằng đội chiêng nữ của làng sẽ mãi giữ ngọn lửa đam mê, góp phần giữ gìn và tô điểm thêm những sắc màu văn hóa của người Ba Na nơi đây.
Hoàng Thanh