16/12/2018 16:34
Vậy là sau 4 năm về nơi ở mới, bà con dân làng Đăk Krăk đã có nhà rông mới nên rất vui mừng, phấn khởi. Không vui sao được, Đăk Krăk là thôn tái định cư, được giãn dân từ 4 làng nội thành thành phố Kon Tum gộp lại, cuộc sống bà con còn gặp nhiều khó khăn.
"Ngày ấy, lo cái ăn, cái mặc và ổn định cuộc sống tái định cư vô cùng vất vả nên ai cũng nghĩ chắc phải còn lâu lắm làng mới dựng được nhà rông. Ấy vậy mà, với sự nỗ lực, quyết tâm của chính quyền địa phương và bà con dân làng, niềm mơ ước tưởng chừng còn xa vời ấy đã nhanh chóng trở thành hiện thực" - thôn trưởng Đăk Krăk - Y Nết vui mừng chia sẻ.
Theo lời của thôn trưởng Y Nết, từ sáng sớm, bà con dân làng Đăk Krăk đã tập trung lên nhà rông để chung tay làm những công việc đã được phân công như quét dọn, trang trí bên trong nhà rông; thịt heo, chế biến các món ăn truyền thống; tập luyện các tiết mục văn nghệ, cồng chiêng, múa xoang để chuẩn bị cho đầu giờ chiều vào lễ khánh thành nhà rông mới của làng.
Đứng trước mái nhà rông cao vút của làng, bà Y Ranh cho biết: Ở làng cũ có nhà rông. Từ khi qua làng mới ở, nhà rông chưa được xây dựng, trong lòng cảm thấy buồn lắm. Vì từ xưa đến nay, theo phong tục truyền thống của đồng bào Ba Na, có làng là có nhà rông. Bây giờ, với sự hỗ trợ của Nhà nước, làng đã nhanh chóng dựng được nhà rông mới. Dân làng luôn biết ơn Đảng, Nhà nước đã giúp cho bà con vừa có cuộc sống ổn định và phát triển, vừa có điều kiện để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Chị Y Thun vui mừng: Nhớ ngày thôn bắt đầu triển khai làm nhà rông, vận động bà con đóng góp tiền, công sức để đi lấy cây tre, nứa, lồ ô, dù cuộc sống còn khó khăn nhưng ai ai cũng tham gia rất tích cực. Nhiều người già trong làng còn không ngủ được vì niềm ao ước dựng được mái nhà rông cho làng đã thành hiện thực. Lớp trai, gái, phụ nữ như chúng tôi cũng thường xuyên có mặt ở nhà rông để giúp việc cho làng. Bây giờ nhà rông đã hoàn thành, trong lòng cảm thấy rất vui và ấm áp.
|
Thôn Đăk Krăk được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt đề án tái định cư, giãn dân các làng dân tộc thiểu số nội thành thành phố Kon Tum theo Quyết định số 487/QĐ-UBND ngày 30/5/2012, bao gồm các hộ dân sinh sống tại 4 làng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 2 phường của thành phố Kon Tum là Kon Hra Chót, Kon Tum Kơ Nâm (phường Thống Nhất) và Plei Tơ Nghia, Plei Đôn (phường Quang Trung).
Thực hiện Đề án của UBND thành phố, cuối năm 2013, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố tiến hành đo đạc, phân lô, chia thửa trên diện tích 241ha cho các hộ giãn dân theo đề án; bốc thăm vị trí đất ở và đất sản xuất mỗi hộ 1ha. Tháng 6/2014, bà con tiến hành trồng cây cao su trên đất của mình theo Đề án cao su tiểu điền do UBND tỉnh hỗ trợ. Đến cuối năm 2014, bà con tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ xây dựng mỗi gia đình 1 căn nhà ở với diện tích 40m2, trị giá 52 triệu đồng. Đến tháng 5/2015, nhân dân các làng nội thành dần đưa gia đình, tài sản của mình về nơi ở mới thuộc thôn 4, xã Hòa Bình.
Ngày 31/1/2016, thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố, UBND xã Hòa Bình tổ chức Lễ Công bố Quyết định số 1368/QĐ-UBND ngày 29/12/2015 của UBND tỉnh Kon Tum về việc thành lập thôn Đăk Krăk (xã Hòa Bình) với 73 hộ dân (381 nhân khẩu).
Ngay từ khi mới thành lập, cuộc sống của 73 hộ dân là đồng bào Ba Na ở thôn Đăk Krăk chủ yếu dựa vào trợ cấp của Nhà nước là chính. Cơ sở hạ tầng của thôn lúc đầu cũng mới chỉ có 1 lớp học mầm non, sân bóng đá, đường điện và trục đường giao thông chính đi qua địa bàn.
Trước khó khăn ấy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Kon Tum, Đảng ủy, HĐND-UBND-UBMTTQ Việt Nam xã Hòa Bình đã kịp thời động viên bà con nhân dân bám đất, bám làng, tăng gia sản xuất; mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, từng bước ổn định cuộc sống.
Sau 4 năm chuyển về nơi ở mới, thôn Đăk Krăk đã tăng lên 78 hộ với 416 khẩu. Đáng mừng là hiện cả thôn đã phát triển được 68ha cao su, 3ha bời lời, 1,5ha cây ăn quả, 32ha mì và khoai, lúa; 154 con bò, hơn 1.000 con gia cầm.
Thông qua các lớp tập huấn do các phòng ban, đơn vị tổ chức, bà con trong thôn đã biết cách làm ăn; nhiều hộ dân đã mạnh dạn vay vốn chăn nuôi gia súc, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, thôn đã có 4 hộ thoát được nghèo và có của ăn của để, 100% hộ dân đã sắm được phương tiện nghe nhìn, xe gắn máy.
Trong năm 2018, dưới sự hỗ trợ của các đơn vị kết nghĩa, các đoàn thể trong xã và người dân, thôn đã hoàn thành công trình sân bóng chuyền của thôn trị giá 35 triệu đồng, xây dựng cổng chào của thôn trị giá 25 triệu đồng.
Bên cạnh đó, nhân dân trong thôn còn đóng góp làm hàng rào khu thiết chế văn hóa trị giá 8 triệu đồng, đầu tư mua 1 nhà vòm trị giá gần 10 triệu đồng để giúp che nắng, che mưa khi có gia đình nào trong thôn có ma chay, hiếu hỷ.
Cùng với phát triển kinh tế, bà con trong thôn đặc biệt chú ý xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Hiện tại, trong thôn không còn tình trạng người dân uống rượu chè say xỉn, chây lười lao động; các lễ hội đều được bà con tổ chức tiết kiệm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; mọi người dân đều có ý thức ăn chín uống sôi để bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa dịch bệnh; 100% số hộ gia đình có hố rác và xử lý rác thải tại nhà; 100% số hộ gia đình chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh; 79% số hộ gia đình đã rào vườn nhà…
Để bảo tồn bản sắc văn hóa và có chỗ để bà con hội họp, sinh hoạt, cuối năm 2017, xã Hòa Bình đã triển khai cho bà con nhân dân thôn Đăk Krăk chủ trương làm nhà rông văn hóa thôn.
Thôn trưởng Y Nết cho biết, sau thời gian vận động kinh phí và chuẩn bị các nguyên vật liệu, tháng 9/2018, nhà rông của thôn bắt đầu khởi công xây dựng. Sau gần 3 tháng triển khai, với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp tiền của, công sức của nhân dân, nhà rông văn hóa thôn Đăk Krăk đã hoàn thành với chiều cao 11,5m, rộng 4,5m, dài 10m; các chân trụ, sàn nhà rông được đổ bê tông; giàn keo được làm bằng khung sắt chắc chắn; mái nhà rông được lợp bằng tôn; xung quanh tường được che bằng phên, đan bằng lồ ô vẫn giữ được hình dáng nhà rông truyền thống của đồng bào Ba Na.
Điều đáng tự hào là trong tổng kinh phí xây dựng nhà rông 305 triệu đồng, thì ngoài vốn chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ 185 triệu đồng và UBND thành phố hỗ trợ 20 triệu đồng, thì phần còn lại do bà con nhân dân trong thôn tự đóng góp và UBND xã vận động thêm từ cán bộ, nhân viên, doanh nghiệp, nhân dân trong và ngoài địa bàn - Chủ tịch UBND xã Hòa Bình - Phạm Phước nói.
Một mùa xuân mới nữa sắp về. Năm nay, dân làng Đăk Krăk sẽ vui hơn vì có nhà rông mới. Hòa chung niềm vui với bà con dân làng, chúng tôi cùng thưởng thức các món ăn truyền thống, vít hơi rượu cần thơm nồng, cùng bà con dân làng nắm chặt tay nhau nối vòng xoang nhảy theo nhịp điệu cồng chiêng ngân vang.
Bài, ảnh: Tú Quyên- Phan Nghĩa