Đặc sản chuối sấy Kon Tum

14/11/2016 18:16

Cùng với sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, măng khô, rượu sim…, chuối sấy cũng là đặc sản của Kon Tum. Sản phẩm được làm từ chuối sứ (chuối mốc) ép mỏng rồi đem sấy, nướng, mang hương vị thơm ngon đặc biệt…

Sản phẩm “cây nhà, lá vườn”

Dù chưa thống kê Kon Tum có bao nhiêu héc ta đất trồng chuối nhưng đến với vùng đất cực bắc Tây Nguyên này, đâu đâu cũng có thể nhìn thấy cây chuối sứ. Đi về các huyện, chuối sứ còn được người nông dân trồng quanh các rẫy mì, cao su, ở các bờ lô… có khi chuối sứ được trồng bạt ngàn trên các triền đồi.

Dịp Tết Nguyên đán, chuối sứ Kon Tum cung cấp ra thị trường khắp các tỉnh thành miền Nam, miền Trung. So với các nơi khác, chuối sứ trồng ở Kon Tum luôn được thị trường ưa chuộng bởi quả to, tròn, vị ngọt thanh - dù là chuối trồng ở vườn nhà hay ở rẫy.

“Cũng từ chỗ nguồn nguyên liệu dồi dào, người dân ở Kon Tum đã nghĩ ra cách chế biến chuối sấy thủ công để làm quà biếu, tặng người thân. Dần dà, món ăn được yêu thích nên nhiều người mới làm ra để bán trên thị trường” – cô Trinh có thâm niên 25 năm làm nghề chế biến đặc sản chuối sấy trên đường Phan Chu Trinh (thành phố Kon Tum) cho biết.

Những vỉ chuối được cô Trinh xắt xong chuẩn bị đưa vào lò sấy. Ảnh: T.Q

 

Cô Trinh bắt đầu làm nghề chế biến chuối sấy từ sau ngày thành lập lại tỉnh Kon Tum. Theo người phụ nữ này, cách đây 25 năm, ở Kon Tum chỉ có vài người làm nghề. Ngày đó, công nghệ sấy, nướng chưa có máy móc hiện đại như bây giờ nên chuối sứ chín đem bóc vỏ ép thành bánh xong rồi phơi độ 4-5 nắng rồi mới đem vào nướng trên bếp than; có khi gặp trời mưa, phải hong lửa cả tuần những bánh chuối ép mới khô được. Nghề này tuy không cực nhọc nhưng đòi hỏi nhiều thời gian. Giá thành sản phẩm chuối sấy khá “bình dân” lại thuộc hàng “cây nhà lá vườn” nên làm ra đến đâu bán hết đến đó.

Cô Trinh giới thiệu, muốn chế biến thành phẩm chuối sấy phải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là việc chọn chuối, rồi đến ép chuối, phơi chuối, nướng chuối… Nghe kể đơn giản là vậy, nhưng để tạo ra thành phẩm như ý, cô Trinh cũng mất mấy năm trời đúc rút kinh nghiệm mới có thể làm ra những mẻ chuối sấy được người tiêu dùng khen ngợi như bây giờ.

Những buồng chuối chín vàng đều mới được chọn để chế biến chuối sấy. Ảnh: T.Q

 

Khó nhất để chế biến đặc sản chuối sấy là cách chọn nguyên liệu chuối. Để có những bánh chuối sấy ngọt, dẻo, thơm ngon phải chọn những quả chuối chín bùi. Bởi nếu chọn quả chuối vừa chín tới mà còn gân xanh sẽ có vị chát; nếu chọn quả chuối chín ép sẽ không thơm, ngọt…

Vì vậy, từng buồng chuối mua về đều được cô Trinh chọn lựa, phân loại cẩn thận. Mỗi đợt ép chuối, cô chịu khó lựa từng quả chuối chín đều để đảm bảo chất lượng cho thành phẩm.

So với trước đây, công nghệ làm chuối sấy bây giờ hiện đại hơn. Tại cơ sở sản xuất chuối sấy của cô Trinh, đến nay, hầu hết các công đoạn đều sử dụng máy móc hiện đại như máy sấy, máy nướng, máy hút chân không và đang tiếp tục đặt hàng mua thêm máy ép.

Theo cô Trinh, việc đầu tư máy móc với nghề này là rất cần thiết, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh ruồi nhặng đậu bám do thời gian chế biến kéo dài. Cụ thể, nếu như trước đây việc phơi chuối phải mất mấy ngày (chưa kể nếu gặp trời mưa phải mất cả tuần) thì bây giờ, với công nghệ máy móc nên thời gian cho thành phẩm chỉ mất 1 ngày.

Đặc sản hút khách

Cô Vũ Thị Xuyên – Chủ cơ sở sản xuất chuối sấy Tây Nguyên ở đường Nguyễn Văn Linh (thành phố Kon Tum) chia sẻ: Chuối sấy là đặc sản của Kon Tum nên sản phẩm bây giờ nổi tiếng khắp cả nước. Ngoài việc cung cấp sản phẩm ra chợ và các cửa hàng tạp hóa tại địa bàn thành phố Kon Tum, nhiều khách hàng ở tận Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội còn đặt hàng qua điện thoại.

Cô Xuyên canh chừng những vỉ chuối được đưa vào lò nướng. Ảnh: T.Q

 

Vậy nên, dù hiện nay có nhiều cơ sở sản xuất chuối sấy quy mô nhỏ (hộ gia đình) xuất hiện nhưng các cơ sở cũng không rơi vào tình trạng cạnh tranh khốc liệt mà sản phẩm làm ra đến đâu đều bán hết đến đó – cô Xuyên nói.

Mùa này, đến các cơ sở sản xuất chuối sấy ở Kon Tum, hầu hết cơ sở nào cũng tập trung thu mua chuối nhiều gấp đôi, ba lần so với những tháng trước đó.

Theo cô Xuyên, mặt hàng chuối sấy bán chạy nhất là vào thời điểm hè và dịp trước, sau Tết Nguyên đán. Sản phẩm "hút khách" vào những thời điểm này là do đáp ứng quà cho sinh viên chuẩn bị nhập học, cả nhu cầu mua quà biếu Tết cho người thân, bạn bè phương xa...

Tuy nhiên, thời điểm bán sản phẩm chạy nhất cũng là thời điểm thu mua nguyên liệu đầu vào khó nhất vì mùa hè thường khô hạn nên cây chuối dễ bị chết; còn mùa Tết thì thường nhà vườn bán chuối cúng nên giá thành rất cao.

Vì vậy, để có sản phẩm chuối sấy bán ra thị trường ở thời điểm "hút hàng" nhất, thông thường các cơ sở tập trung sản xuất chuối sấy trước đó cả vài tháng.

Để chuẩn bị cho mùa Noel và Tết Nguyên đán năm nay, từ đầu tháng 11, cơ sở sản xuất chuối sấy của cô Trinh phải thuê thêm một người làm mới có thể giải quyết số chuối thu mua hàng ngày gấp ba lần so với ngày thường. Mỗi ngày, trung bình cơ sở của cô Trinh sản xuất 15kg chuối sấy (tương đương với 15 vỉ chuối ép) nên 2 lò nướng, sấy của cơ sở nhà cô hoạt động hết công suất.

Để bảo quản sản phẩm được lâu, nhiều cơ sở sản xuất chuối sấy còn áp dụng công nghệ hút chân không. Theo kinh nghiệm của các chủ cơ sở sản xuất,  nếu như trước đây, sản phẩm làm ra chỉ bảo quản được 3 tháng, còn từ ngày sử dụng công nghệ này thì thời hạn bảo quản sản phẩm kéo dài đến 6 tháng.

Nhằm thu hút thị trường, nhiều cơ sở sản xuất chuối sấy còn chế biến nhiều loại chuối sấy khá độc đáo, lạ miệng. Từ đặc sản duy nhất ban đầu là chuối sấy nguyên chất, đến nay, thị trường còn có thêm chuối sấy khô giòn tẩm đường, chuối xắt sấy tẩm mật ong, chuối sấy tẩm mật ong và gừng…

Cô Trinh là một trong những người đầu tiên ở Kon Tum sáng tạo ra sản phẩm chuối sấy tẩm mật ong, gừng và chuối xắt sấy tẩm mật ong. Cô cho biết, cái duyên là trước đó do gia đình làm nghề nuôi ong mật nên mới nảy ra ý tưởng thử nghiệm sản phẩm mới và đã thành công.

Để làm ra sản phẩm chuối sấy tẩm mật ong, gừng, cô Trinh chia sẻ kinh nghiệm: Sau khi chuối đưa vào lò sấy xong thì mang ra tẩm mật ong pha loãng với nước gừng, rồi tiếp tục chuyển qua lò nướng. Nếu chuối sấy thông thường cho vào lò nướng chỉ mất vài phút thì chuối sấy tẩm mật ong muốn ngon phải điều chỉnh nhiệt độ lò nướng thấp hơn để kéo dài thời gian nướng ít nhất là 30 phút để mật ong thẩm thấu sâu vào miếng chuối, như vậy sản phẩm làm ra cho vị thơm ngon hơn, bánh chuối nướng xong sẽ vàng hơn. Khi từng bánh chuối vàng óng, sực nức mùi thơm, có thể lấy ra lò để nguội trước khi đóng gói.

Sản phẩm chuối sấy hiện nay bán trên thị trường có nhiều mức giá khác nhau, tùy vào trọng lượng nhưng nhìn chung khá “mềm”: loại 250g có giá 15.000 đồng, loại 350g có giá 20.000 đồng, loại 500g có giá 40.000 đồng…

Các cơ sở sản xuất chuối sấy đều đăng ký những thương hiệu khác nhau và ngày càng nỗ lực để mang lại những thành phẩm đẹp nhất, chất lượng nhất để giới thiệu đặc sản của Kon Tum đến nhiều người.  

Quả thật, không có gì thích thú bằng khi du lịch đến vùng đất nào đó có thể tìm thấy một thứ đặc sản vừa ngon, vừa hợp với túi tiền lại dễ dàng vận chuyển. Đến với Kon Tum, du khách dễ dàng chọn mua chuối sấy ở các cửa hàng lưu niệm, tạp hóa để mang về làm quà biếu cho người thân, bạn bè.

Tú Quyên

Chuyên mục khác