13/07/2021 06:03
Cũng như nhiều dân tộc có truyền thống canh tác lúa, người Xơ Đăng ở xã Đăk Ui quý con trâu. Hình tượng con trâu luôn gắn với đời sống, tín ngưỡng của người dân nơi đây.
Trao đổi về hình tượng con trâu trong đời sống, văn hóa tinh thần của người dân, già A Núi, thôn Wang Hra, xã Đăk Ui cất giọng trầm đục mở đầu câu chuyện: “Từ xưa đến nay, con trâu dường như gắn liền với đời sống, văn hóa, tinh thần của người Xơ Đăng ở địa phương. Con trâu chính là công cụ, là người bạn đồng hành giúp bà con cày cấy, kiếm cái ăn, cái bỏ bụng để sinh tồn, xây dựng cộng đồng. Cũng từ đó, một thói quen hình thành trong nếp sống, là mỗi gia đình người Xơ Đăng chúng tôi đều nuôi ít nhất một con trâu trong nhà. Chúng tượng trưng cho sự cần cù, chịu khó và là biểu tượng cho sức khỏe của người con trong làng. Dù hiện tại, dưới sự phát triển của khoa học công nghệ, những chiếc máy với sức kéo hiệu quả, năng suất cao thay thế, nhưng con trâu dường như vẫn còn giữ một vị trí quan trọng trong lòng mỗi người ở đây”.
|
Theo Già A Núi, con trâu không chỉ đóng vai trò là đầu cơ nghiệp đối với mỗi gia đình đồng bào Xơ Đăng. Trong suốt thời kỳ chiến tranh, bà con ở xã Đăk Ui còn sử dụng con trâu để vận chuyển hàng hóa phục vụ kháng chiến, góp phần làm nên thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Trải qua nhiều đời gắn bó, khăng khít như vậy, mối quan hệ giữa người và trâu lại dần trở nên chân chất, gần gũi sâu đậm. Cũng chính vì vậy, tại thôn Wang Hra nói riêng, cũng như các thôn, làng của người Xơ Đăng trên địa bàn xã Đăk Ui nói chung vẫn luôn duy trì các phong tục, tập quán gắn liền với con trâu. Trong đó, có thể kể đến như tục đặt tên cho trâu.
Nói về phong tục này, già A Núi ôn tồn giải thích: “Khi một con nghé mới sinh, thông thường sẽ được chủ đặt tên tùy theo địa điểm nơi mà chúng sinh ra. Có thể là tên của một dòng suối, một cánh rừng hay một ngọn núi… cũng đều có thể được dùng để đặt tên. Thậm chí, có những người còn lấy cả tên của chính mình để đặt cho trâu như một cách thể hiện tình cảm của bản thân…”.
Khi tên đã được xác định, gia đình có nghé con mới sinh sẽ tổ chức lễ sinh nhật cho chúng. Tùy theo gia cảnh của từng hộ mà buổi lễ được tổ chức lớn, nhỏ khác nhau. Đối với những nhà có điều kiện, thông thường sẽ mua một con heo và một con gà để làm lễ cúng. Còn đối với những nhà có ít điều kiện hơn thì có thể sử dụng một cặp gà để thay thế. Theo phong tục, gia chủ phải chuẩn bị đầy đủ đồ cúng, cây nêu và cắt tiết gà để làm lễ ngoài trời. Khi mọi thứ xong xuôi, gia chủ sẽ cầu khấn, mời Yàng (trời) về để cảm ơn vì đã ban cho mình nghé con, đồng thời mong Yàng phù hộ để chúng lớn lên khỏe mạnh, tiếp tục đẻ thêm nhiều lứa khác…
|
Sau lễ cúng, gia chủ mời họ hàng, bà con lối xóm về nhà để dùng bữa cơm chung vui. Trong bữa ăn, mỗi người sẽ gửi những lời chúc may mắn, tốt đẹp nhất đến gia chủ và con nghé mới sinh của gia đình.
Cùng với những nét văn hóa độc đáo đó, con trâu còn gắn liền với người Xơ Đăng thông qua các nghi thức, lễ hội như: Lễ mừng nhà rông, lễ hội mừng lúa mới, bầu già làng… Con trâu luôn là linh vật được chọn để hiến tế, làm sợi dây liên kết giữa bà con dân làng với thần linh. Theo đó, trước đây, vào những dịp lễ hội đặc biệt này, dân làng thường tổ chức lễ hội đâm trâu tại sân nhà rông. Mọi người hùn nhau chuẩn bị nhiều rượu, thịt, cơm nếp, thuốc và bắt buộc phải làm cây nêu. Thông qua lễ hội, bà con gửi lời nguyện cầu đến Yàng để che chở, phù hộ và giúp đỡ thôn làng hướng đến một cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Già A Núi trầm ngâm và kể: “Tuy là một nét trong văn hóa truyền thống, nhưng trên thực tế, lễ hội đâm trâu đã không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội ngày nay. Bởi lễ hội đâm trâu rất tốn kém, ngoài trâu ra, bà con thôn làng phải làm thêm heo, dê, gà… ảnh hưởng đến kinh tế của mỗi gia đình. Chính vì vậy, qua sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, lễ hội đâm trâu hiện nay không còn nữa. Thay vào đó, bà con chỉ tập trung, quây quần, mời nhau uống rượu ghè thơm ngọt, cay nồng; thưởng thức những điệu múa xoang bên tiếng cồng chiêng ngân vang...”.
Đối với người Xơ Đăng tại xã Đăk Ui, con trâu được nuôi theo hình thức chăn dắt hàng ngày và nuôi thả tập trung. Vượt qua con đường nhỏ và hẹp, để đến với khu chăn nuôi tập trung của xã, tôi khá bất ngờ trước cảnh tượng những đàn trâu to, tròn, béo trùng trục với cặp sừng dài, cong vút đang đằm mình tại khu vực thượng nguồn suối Đăk Hring. Trông thấy có người lạ đến, đàn trâu nâng mình đề cao cảnh giác khiến chúng tôi không dám tiến lại gần…
“Bông ơi, Bông hỡi, ra đây nào!” – tiếng gọi của một người dân gần đó vang vọng phá tan bầu không khí có phần hơi lo lắng, chờn chợn của chúng tôi. Ngay lập tức, một con trâu đen bóng, với bước chạy thong dong hướng về phía người chủ. Rải vốc muối trên tay cho trâu ăn, anh ta vui vẻ trò chuyện: Đàn trâu được thả tự do tại đây, nên dường như đã dần quen với cuộc sống tự nhiên. Vì vậy, chúng rất cảnh giác với người lạ. Chỉ khi nào chủ của chúng tới, gọi đúng tên, thì chúng mới tỏ ra thân thiện thôi. Vì vậy, cứ định kỳ mỗi tháng, các gia đình sẽ luân phiên nhau tới đây để chăn và chăm sóc đàn trâu của cả làng.
Tạm biệt xã Đăk Ui khi ánh chiều tà, tôi lại bắt gặp hình ảnh người dân đưa trâu đủng đỉnh trên con đường làng về nhà. Hình ảnh thân thiện và đáng yêu của con trâu bên người giữa phong cảnh thanh bình, đẹp như một bức tranh thủy mặc.
TẤT THÀNH