23/07/2024 06:08
Trải qua thời gian, dù có sự giao thoa với nhiều cộng đồng dân tộc khác, người Gié-Triêng trên địa bàn tỉnh vẫn giữ nhiều nét riêng, độc đáo trong văn hóa truyền thống của mình.
Khi nói đến người Gié- Triêng không thể không nhắc đến văn hóa nhà rông, nhà sàn độc đáo. Từ xa xưa, đây là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng, là nơi những thanh niên trai tráng đan lát, đánh cồng chiêng, làm nhạc cụ; những người phụ nữ quay tơ, dệt vải, đàn ca. Đây cũng là nơi giao duyên, chứng kiến bao mối tình đẹp nảy nở của các chàng trai, cô gái Gié -Triêng.
|
Nhà rông của dân tộc Gié- Triêng thường thấp hơn các cộng đồng khác, chỉ cao hơn mặt đất từ 0,5-0,8m, có khoảng trống giữa vách với mái nhà, người đứng bên trong nhìn được ra bên ngoài. Đặc biệt, nhà rông của dân tộc Gié- Triêng ở các làng Dục Nhầy, Nông Nội, Đăk Răng (huyện Ngọc Hồi) và làng Nú Vai (xã Đăk Kroong), làng Măng Lon (xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei) lại có hình oval, có cửa sổ hai bên hông nhà.
Có dịp về làng Đăk Wâk (xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei), chúng tôi được chứng kiến căn nhà rông mới được sửa sang khang trang của bà con dân làng thật đẹp và hoành tráng. Điểm nhấn của nhà rông là phần mái với thiết kế tựa như chiếc rìu, vươn mình đẩy kiêu hãnh; bên trong là các cột, kèo được ghép nối, sắp xếp trật tự với nhau bằng những vật liệu của núi rừng.
Đứng bên căn nhà rông mới khang trang, nghệ nhân A Nam (làng Đăk Wâk) phấn khởi chia sẻ: Nhà rông được phục dựng theo đúng nguyên bản của ngày xưa, phần lớn các công đoạn đều làm bằng mây, tre, gỗ. Dù làm bằng nguyên liệu tự nhiên sẽ tốn công sức và vất vả hơn nhưng bà con vẫn cố gắng làm với ước muốn giữ được bản sắc truyền thống, nhất là trong thế hệ con cháu”.
Dưới mái hiên nhà rông khang trang, sạch đẹp ở làng Đăk Gô (xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei), nghệ nhân A Veng (76 tuổi) đang miệt mài, thoăn thoắt đôi tay trên từng sợi nan để đan các sản phẩm thủ công truyền thống của dân tộc Gié-Triêng. Dù tuổi đã cao nhưng đôi mắt ông vẫn sáng, đôi tay vẫn dẻo dai, giúp ông làm ra các sản phẩm sắc sảo, có tiếng trong vùng như gùi, nia, đơm, rổ, rá. Các sản phẩm ông làm ra được ông xem như những “đứa con” tinh thần của mình, từ đó, đặt hết tâm huyết trong từng sản phẩm.
|
Nghệ nhân A Veng kể: “Ngày xưa, đàn ông Gié- Triêng phải biết đan lát. Đối với tôi, nghề này dễ học hơn các nghề khác, chỉ cần chăm chú xem cha ông làm rồi thực hành thường xuyên, tôi đã có thể biết đan thành thạo từ khi lên 18 tuổi. Trong làng có nhiều cháu nhỏ cũng đam mê đan lát, dù chưa đủ khéo léo để đan hoàn thiện các sản phẩm, nhưng chỉ cần các cháu có đam mê, quyết tâm theo học thì tôi vui lắm, sẵn sàng truyền hết bí quyết cho các cháu”.
Trong khi đó, cộng đồng người Gié- Triêng ở xã Đăk Dục và xã Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi) nổi tiếng với nhạc cụ bằng tre nứa rất độc đáo, đa dạng về âm điệu và chức năng.
Nghệ nhân Brol Vẻ ở làng Đăk Răng (xã Đăk Dục) được xem là “cây đại thụ” của làng về cồng chiêng, các loại nhạc cụ dân tộc, gắn bó với ông từ khi trẻ. Nhiều năm qua, dù đã cao tuổi nhưng ông đã truyền dạy cho không biết bao nhiêu người cách chơi, chế tác và truyền lửa đam mê đối với các loại nhạc cụ truyền thống.
Nghệ nhân Brol Vẻ cho biết, các nhạc cụ của người Gié- Triêng tại đây được làm bằng đa dạng chất liệu như tre, nứa, lồ ô, gỗ, vỏ bầu, sừng, kim loại, phục vụ hiệu quả đời sống tinh thần của bà con. Dù bằng một ống nứa, thanh tre, quả bầu thì các loại nhạc cụ dân gian đều rất độc đáo. Các nghệ nhân đã cảm nhận, chế tác, truyền thụ âm nhạc dân tộc truyền thống theo một cách riêng của mình. Họ dựa vào đôi tai để xác định độ trầm, bổng từng loại nhạc cụ như: trống, chiêng, đinh tút, sáo, đàn. Mỗi nhạc cụ được sử dụng trong một hoàn cảnh khác nhau, có loại dùng trong lễ hội, có loại chỉ đánh trên rẫy, có loại là phương tiện để bày tỏ tình yêu đôi lứa, có loại vừa để giải trí vừa để xua đuổi chim, thú…
Trong âm nhạc của người Gié-Triêng, không thể không kể đến văn hóa cồng chiêng đặc sắc với bộ chiêng Nỉ, chiêng Ngô đặc trưng, được xem là vật báu và nhạc khí thiêng của họ.
Đối với chiêng Nỉ gồm có 2 cái, chiêng lớn gọi là mẹ, chiêng nhỏ gọi là con. Chiêng mẹ có bề mặt nhẵn, đường kính miệng 45,5cm, đường kính mặt 46cm, cao 6cm. Chiêng con có bề mặt lồi, lõm, đường kính miệng 37,3cm, đường kính mặt 37,5cm, cao 6cm. Khi trình diễn, chiêng con đánh trước rồi đến chiêng mẹ; chiêng con đánh mặt trong, chiêng mẹ đánh mặt ngoài.
Chiêng Ngô cũng có 2 cái, gọi là chiêng vợ và chiêng chồng (giống chiêng Tha của người B’râu). Chiêng chồng có đường kính miệng 48,7cm, đường kính mặt 49,5cm, cao 9cm; chiêng vợ có đường kính miệng 35,7cm, đường kính mặt 36,5cm, cao 5cm. Khi trình diễn, đánh chiêng vợ trước, rồi đến chiêng chồng; chiêng vợ đánh mặt ngoài còn chiêng chồng đánh mặt trong.
Bên cạnh các loại nhạc cụ, đời sống văn hóa, tinh thần phong phú của người Gié- Triêng còn thể hiện qua các làn điệu dân ca gần gũi, dung dị, thấm đượm tình cảm, tình yêu đối với con người, thiên nhiên và cộng đồng.
Đặc biệt, nhiều lễ hội lớn nhỏ gắn với các nghi lễ về nông nghiệp, tín ngưỡng đa thần được bà con giữ gìn và phát huy. Theo đó, trong chu kỳ sản xuất hằng năm thường có lễ thức khi chọn đất rẫy, phát rẫy, gieo trỉa, khi hạn hay úng, khi mở đầu tuốt lúa, khi đưa lúa lên kho và khi lấy thóc lần đầu về ăn. Gắn với chu kỳ đời người, người Gié-Triêng còn thực hiện các lễ thức trong thời kỳ mang thai, trong và sau khi đẻ, khi đặt tên, khi bị đau ốm, khi cưa răng, trong việc cưới xin, khi chết đi.
|
Trang phục truyền thống cũng là kho tàng di sản quý báu được người Gié-Triêng gìn giữ từ ngàn đời.
Nghệ nhân Y Ấp (55 tuổi) ở làng Đăk Răng (xã Đăk Dục) là nữ nghệ nhân nổi tiếng của làng nắm giữ nhiều kỹ thuật và bí quyết dệt, tạo hoa văn độc đáo trên trang phục thổ cẩm truyền thống của dân tộc Gié- Triêng. Bà biết nhiều kỹ thuật độc đáo, công phu trong cách tạo họa tiết, hoa văn mà không phải nghệ nhân nào cũng làm được.
Nghệ nhân Y Ấp chia sẻ: “Váy của phụ nữ Gié- Triêng thường có hoa văn trang trí kết hợp giữa màu đen, đỏ và trắng, đặc biệt, những loại váy dùng trong lễ hội thường có trang trí đa dạng và đặc sắc hơn bình thường. Đối với nam thường đóng khố, ở trần hoặc mang áo choàng, đầu đội khăn. Nhờ được mọi người yêu thích, thổ cẩm của tôi làm ra được đặt mua thường xuyên đã giúp tôi có thêm thu nhập trang trải cuộc sống”.
Với sự tâm huyết trong gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng người Gié- Triêng trên địa bàn không chỉ góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng các DTTS khác, mà còn là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hoàng Thanh