“Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu” trên mạng xã hội

28/07/2021 06:13

Thời gian qua, có rất nhiều hình ảnh, clip đẹp được chia sẻ, lan tỏa trên mạng xã hội, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi người và cộng đồng, từ đó xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có không ít tin giả, tin sai sự thật được chia sẻ, gây hoang mang trong dư luận, rất đáng lên án.

Là người hoạt động tích cực trên mạng xã hội, tôi cảm thấy rất vui, rất phấn khởi khi gần đây có rất nhiều tài khoản facebook, zalo, fanpage chia sẻ nhanh, nhiều thông tin hay, tích cực.

Và những thông tin hay, đẹp, bổ ích ấy được lan tỏa mạnh mẽ!

Đó có thể là một gương tiêu biểu, một việc làm ý nghĩa, một câu nói hay, một hành động đẹp vừa được một tờ báo nào đó đăng tải, lập tức cũng xuất hiện trên mạng xã hội. Đó cũng có thể chỉ là một dòng trạng thái của người dùng mạng xã hội bình luận cho hành động đẹp, việc làm tốt, được cộng đồng mạng “thả tim”, nhấn “like”, chia sẻ rần rần.

Hẳn chúng ta còn nhớ đến câu chuyện bà cụ Đỗ Thị Mơ (83 tuổi) ở thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa) lên UBND xã xin thoát nghèo. Câu chuyện bắt đầu từ một đoạn clip dài hơn 5 phút ghi lại khoảnh khắc bà cụ lên UBND xã xin thoát nghèo của tài khoản facebook có tên Trần Thủy. Lập tức sau đó, clip về cụ bà đã được nhiều tài khoản facebook, fanpage chia sẻ lại với rất nhiều lượt thích, bình luận tích cực khen ngợi bà cụ hết lời vì hành động, việc làm của bà.

Kết quả là sau đó, ở nhiều địa phương đã xuất hiện những tấm gương xin được thoát nghèo, trong đó tỉnh Kon Tum cũng có nhiều trường hợp.

Hình ảnh ĐVTN huyện Ia H’Drai tham gia ủng hộ rau, củ cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: T.Q

 

Hay như câu chuyện chàng trai Nguyễn Ngọc Mạnh ở Hà Nội đỡ bé gái rơi từ tầng 12 đã nhận rất rất nhiều lời khen từ cộng đồng mạng. Trong thời điểm ấy, có rất nhiều tài khoản đã chia sẻ clip anh cứu cháu bé với những dòng trạng thái xúc động, bày tỏ sự khâm phục, ngưỡng mộ về hành động đẹp của người hùng này. Chính hành động của Nguyễn Ngọc Mạnh đã làm cho bao nhiêu người thêm tin tưởng vào tình người nồng ấm, lòng dũng cảm, sự hy sinh và những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Cùng với báo chí, gần đây những hình ảnh, clip về các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch cũng lan truyền với tốc độ “chóng mặt” trên mạng xã hội, gây xúc động mạnh, như clip bác sĩ động viên, hát với bệnh nhân trong khu cách ly tập trung; hình ảnh chiến sĩ cảnh sát giao thông Bắc Giang đứng nghiêm chào đoàn chi viện chống dịch Covid-19; bức ảnh khoảnh khắc tình nguyện viên áo xanh đội mưa chống dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh; hình ảnh, clip về những miền quê quyên góp ủng hộ lương thực, thực phẩm cho đồng bào miền Nam đang gặp khó khăn vì dịch bệnh…

Rõ ràng, mạng xã hội có sức lan tỏa rất mạnh mẽ góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của con người theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh cái đẹp được lan tỏa, thật buồn vì thông tin xấu, độc trên mạng xã hội đâu đó vẫn còn bị chia sẻ, phát tán gây hoang mang dư luận xã hội. Đặc biệt, từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 đến nay, trên không gian mạng có nhiều tin, bài, ảnh có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật nhưng vẫn được nhiều người chia sẻ, bình luận. Mục đích của việc làm này nhằm câu like, câu view, gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân; tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội...

Khi dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu bùng phát và chính quyền thành phố đang nỗ lực đưa ra các phương án chống dịch thì ngày 4/7/2021, trên mạng xã hội lan truyền thông tin: "Quyết định “lock (đóng cửa) Thành phố Hồ Chí Minh trong 10-15 ngày, cho thành phố 36 tiếng đến 48 tiếng chuẩn bị (sẽ lock 0h thứ 3 ngày 7/7 hoặc 12 h thứ 4, 8/7…".

Tiếp theo đó là hình ảnh người chết vì Covid-19 được cho là ở Thành phố Hồ Chí Minh lan truyền trên mạng xã hội, trong khi sự thật được Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam - VAFC (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông) xác định chính là thông tin giả mạo và qua xác định của Trung tâm này, hình ảnh xác chết trong ảnh là ở Indonesia.

Việc chia sẻ những thông tin giả, sai sự thật về dịch Covid-19 gây hoang mang trong dư luận xã hội. Nguồn: Internet

 

Hay thông tin sai sự thật về đám tang không người đưa tiễn vì Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi sự thật ngay sau đó đã được Chủ tịch UBND phường 12, quận Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) xác nhận, người mất trong đám tang là cụ bà 86 tuổi ra đi do tuổi già và không liên quan đến dịch bệnh Covid-19 như một số trang mạng xã hội phát tán.

Gần đây nhất, ngày 25/7, trên mạng xã hội phát tán thông tin 12 shipper mắc Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi sự thật là trong thời gian qua, lực lượng Công an quận 7 (Thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp cùng ngành y tế làm nhiệm vụ kiểm tra tại các chốt kiểm dịch trên địa bàn, qua lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 ngẫu nhiên, tổ công tác xác định 2 shipper mắc Covid-19.

Ở tỉnh ta, trong suốt thời gian nỗ lực phòng, chống Covid-19, cũng đã có không ít tin giả, tin sai sự thật được tung lên mạng. Cơ quan chức năng đã vào cuộc, xác minh và xử phạt hành chính hàng chục trường hợp, yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai, đăng đính chính…

Đáng tiếc hơn, trong ngày 26/7, trang facebook TTĐH đưa thông tin khá mù mờ về việc “có một số người từ các tỉnh phía Nam vào tỉnh Kon Tum đi tắt qua các lối ruộng, không thực hiện khai báo y tế” khiến rất nhiều người lo lắng, trong khi không có kiểm chứng; cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng chưa có thông tin gì về vấn đề này.

Cũng trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, một số trang mạng còn xuất hiện các hướng dẫn không rõ nguồn gốc về cách chữa bệnh Covid-19 tại nhà. Điều này rất nguy hiểm đối với những người có nhận thức còn hạn chế.

Dù cho rằng mình rất tỉnh táo khi tham gia mạng xã hội nhưng tôi cũng hơi bị bất ngờ khi đọc được bài viết trên Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh với tựa đề "Sự thật về bức ảnh "cậu bé 4 tuổi mồ côi ở Quảng Trị ủng hộ chống dịch" khẳng định nhân vật cháu bé trong bức ảnh không phải mồ côi mà hiện đang có cả cha lẫn mẹ. Tôi bất ngờ, vì mới hôm trước đây thôi, cộng đồng mạng đã lan truyền với tốc độ "chóng mặt" hình ảnh cậu bé người dân tộc Pa Kô ở Quảng Trị 2 tay xách 2 quả bí cười rạng rỡ với dòng chú thích "Cậu bé mồ côi cha mẹ, không ai biết tên ủng hộ miền Nam chống dịch"… gây thương cảm cho bao người.

Hiện nay, nhiều thế lực thù địch, phần tử phản động đang lợi dụng tình hình dịch bệnh để tung tin đồn thất thiệt nhằm kích động, gây hoang mang dư luận, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chia rẽ người dân và chính quyền, đặc biệt làm ảnh hưởng đến nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế-xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng.

Giữa lúc dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, báo chí, truyền thông bám sát chỉ đạo, định hướng tuyên truyền, làm nổi bật mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết. Mạng xã hội cần tiếp tục góp phần làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống dịch; lan tỏa những hình ảnh đẹp để cổ vũ, động viên các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch; cổ vũ, động viên tinh thần người dân vùng dịch.

Mỗi người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin, tích cực tham gia “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu” trên mạng xã hội. Đó cũng là một hành động thiết thực để góp phần chung tay phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.    

Ngày 23/7/2021, Bộ TT&TT ban hành Công văn số 2765/BTTTT-PTTH&TTĐT về việc thực hiện Nghị quyết 78 và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng. Trong đó, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch. Thẩm định nguồn tin, công bố, cảnh báo tin giả, tin sai sự thật; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn. Trong trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, đề nghị phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn nội dung vi phạm trên không gian mạng.

Tú Quyên

Chuyên mục khác