Người lớn “ôm” điện thoại, sao bảo trẻ em đọc sách

24/04/2024 07:57

Có thể nhiều người cho rằng 2 khái niệm này chẳng liên quan gì với nhau. Nhưng trong thời đại công nghệ hiện nay, điện thoại và sách đều có vai trò quan trọng trong truyền tải, cung cấp kiến thức cho con người. Và trong chừng mực nào đó, chúng là “đối thủ” của nhau.
Đọc sách đem lại nhiều lợi ích hơn sử dụng thiết bị công nghệ. Ảnh: HL

 

Sáng 21/4, tôi bạn bè gặp nhau tại quán cà phê như thường lệ. Nhưng khác với lệ thường, câu chuyện vốn lan man không đầu không cuối, thì hôm nay, chúng tôi nói nhiều về sách và văn hóa đọc.

Cũng phải thôi, hôm nay là Ngày Sách và Văn hóa đọc, và đa số trong chúng tôi đều làm nghề liên quan đến viết lách và sách.

Sách và đọc sách là một truyền thống tốt đẹp, đã được hình thành, gìn giữ và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử. Người xưa đề cao vai trò của sách, khi cho rằng “Thư trung hữu ngọc” (trong sách có ngọc), hay “Vạn ban giai hạ phẩm/Duy hữu độc thư cao” (mọi việc đều thấp kém, duy chỉ có đọc sách là cao quý).

Ngày xưa số người biết chữ và đọc sách không nhiều, nên văn hóa đọc, như cách nói thời nay, không lan tỏa rộng. Nhưng không vì thế mà sách và đọc sách bị quên lãng. Bằng nhiều hình thức, nhiều tác phẩm vẫn ăn sâu vào ký ức và đời sống dân gian hàng ngày.

Nôm na nói ra như vậy để thấy rằng, yêu sách và chăm lo cho sự đọc sách đã là nếp có từ xưa rồi.

Và trong những năm tháng chiến tranh loạn lạc, nét đẹp liên quan đến sách, đến văn hóa đọc, dù có thăng trầm như thế nào, vẫn không mất đi, mà qua thời gian, luôn được bồi bổ, vun đắp.

Tiếp nối truyền thống tôn trọng sách và yêu chuộng sự đọc của tiền nhân, Đảng, Nhà nước ta luôn tôn vinh và thúc đẩy sự đọc, sự học.

Sách và Văn hóa đọc càng được thúc đẩy mạnh mẽ kể từ năm 2014, khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/2/2014 chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam.

Đây là quyết định không chỉ có tầm quan trọng với ngành xuất bản, người yêu sách mà với cả xã hội và đất nước, bởi mang ý nghĩa khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách; nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách để nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Đến tháng 3/2017, Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xây dựng, duy trì thói quen đọc.

Từ năm 2021, ngày 21/4 hằng năm trở thành Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam, theo Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 4/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Việc thêm từ “văn hóa đọc” cho thấy nỗ lực khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.

Câu chuyện khá rôm rả, ai cũng vui khi thấy Ngày Sách Việt Nam và Văn hóa đọc đã được các cấp chính quyền, ban ngành quan tâm hơn.

Đặc biệt, nhiều trường học đã phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc trong học sinh, thông qua các hoạt động như tổ chức Ngày hội đọc sách; trưng bày, giới thiệu sách hay, sách đẹp, phục vụ đọc sách miễn phí; tọa đàm về văn hóa đọc; tổ chức giao lưu giữa các nhà văn hóa, nhà thơ với độc giả; thi đọc sách; trao tặng sách; tôn vinh người đọc và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Xét điều kiện của tỉnh ta, việc tổ chức những hoạt động ấy đã cho thấy sự nỗ lực đáng ghi nhận. Đồng thời cho thấy trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc cũng đã được nâng cao.

Tuy nhiên, cũng có những trăn trở khi mà sách và đọc sách đang nguy cơ bị mai một bởi sự lấn lướt của các phương tiện hiện đại.

Gần đây, một đoạn video về sự khác biệt trong cách nuôi dạy con đã trở thành đề tài nóng trên mạng xã hội TikTok.

Video được đăng tải với bối cảnh diễn ra tại sân bay đông đúc, nơi nhiều người đang ngồi chờ đợi. Trong video, một gia đình “Tây”, gồm bố mẹ và hai đứa trẻ được ghi lại.

Trong khi người mẹ tập trung vào công việc máy tính, người bố chỉ ngồi im lặng thì hai đứa trẻ ngồi bên cạnh đọc sách một cách ngoan ngoãn.

Ở phía đối diện, cũng có gia đình với hai đứa trẻ người Việt Nam. Hai đứa trẻ này ngồi ngoan ngoãn trên băng ghế chờ, nhưng thay vì đọc sách như hai trẻ em phương Tây kia, mỗi đứa trẻ được cha mẹ cho sử dụng một chiếc điện thoại để xem chương trình mà chúng yêu thích.

Đoạn video nhanh chóng thu hút sự quan tâm hơn 3,5 triệu lượt xem và gây ra nhiều tranh luận. Trong đó, đa số cho rằng hành vi của các em phản ánh phương pháp giáo dục của cha mẹ.

Bên cạnh đó cũng cho thấy, gia đình người Việt đã không quan tâm hướng dẫn, hình thành thói quen đọc sách cho con em mình. Và như vậy cũng có thể nói lên một thực tế cha mẹ không có thói quen đọc sách.

Tôi cho rằng, tuy là chuyện “cõi mạng”, nhưng cũng xuất phát từ thực tế quanh ta cả. Tôi luôn băn khoăn là, nhiều người lại không thích đọc sách, thậm chí có người chưa bao giờ thấy cầm một cuốn sách.

Đây nhé, ông để ý xem, trong quán cà phê này có 10 người thì 7, 8 người chăm chú với cái điện thoại trên tay. Nhiều bàn chỉ đi vài ba người, thì mỗi người một cái điện thoại, chẳng ai nói chuyện với ai- tôi nói.

Như gợi đúng mạch, một anh phàn nàn: Gia đình tôi cũng có khác gì. Đi làm thì thôi, ở nhà là từ đứa lớn đến đứa nhỏ ôm cái điện thoại, chẳng thấy đọc sách bao giờ.

Một anh thở dài: Có đứa cháu 3 tuổi, đến bữa ăn cũng phải đưa cái điện thoại cho nó “lướt tiktok” mới chịu ăn. Như thế thì khi lớn lên chút nữa làm sao nói nó đọc sách được? Cha mẹ cũng đang cầm điện thoại, sao bảo con phải đọc sách được?

Nói như ngôn ngữ của giới trẻ bây giờ, lời ấy “tuy thô nhưng mà thật”. Và nó làm ta phải suy nghĩ nhiều về sách và văn hóa đọc ngày nay.

Người lớn chỉ chăm chú vào điện thoại thì khó hình thành thói quen đọc sách cho con trẻ. Ảnh: HL

 

Thích đọc sách, đừng nói là có gen, mà phải có sự “gieo mầm” từ khi còn nhỏ, có một môi trường thuận lợi để “hạt giống” lớn lên và trải qua rèn luyện với nỗ lực và kiên nhẫn.

Tôi còn nhớ, thói quen đọc sách của tôi được hình thành rất sớm. Và bố chính là người gieo “hạt mầm” đọc sách trong tôi.

Hết chiến tranh, từ chiến trường trở về, ông chuyển ngành, tiếp tục công tác trong lĩnh vực quản lý đất đai từng làm trước khi nhập ngũ, và được phân công lên tận Lạng Sơn.

Mỗi lần ông về thăm nhà, món quà lớn nhất với tôi, không phải là những gói bánh, hay cái áo mới, mà là những câu chuyện Đông Tây, kim cổ đầy lạ lẫm, vừa lung linh màu sắc, vừa huyền bí. Mỗi lần về là bố lại có thêm chuyện mới để kể.

Tôi thường tò mò là vì sao bố biết nhiều chuyện thế, ông cười: Từ sách đấy. Con phải nhanh biết đọc, để tự khám phá, không cần bố kể nữa.

Thế là từ đó tôi quyết học chữ để… đọc sách! Suốt những năm tuổi thơ, quà hay phần thưởng của bố cho chị em tôi đều là những cuốn sách.

Tôi thấy mình may mắn khi có bố là người thích đọc sách, và cả mấy chị em trong nhà không ít thì nhiều đều có niềm yêu thích ấy.

Theo năm tháng, đam mê sách không giảm mà tăng lên, và vẫn “cháy” cho đến ngày nay. Chỉ cần thấy sách là “thèm”.

Tất nhiên, hồi ấy bố tôi không biết được rằng, thực hành tốt việc đọc sách trong gia đình từ khi con cái còn nhỏ chính là phương pháp hình thành thói quen đọc sách tự nhiên và dễ tiếp nhận nhất.

Đặc biệt, hình ảnh cha mẹ, người lớn trong nhà đọc sách, hay cùng đọc sách với con trẻ và chia sẻ và tranh luận về nhân vật trong tác phẩm nào đó, sẽ đem lại hiệu quả rất lớn, hơn hẳn các hình thức khác, như vận động, hay ép buộc.

Ban đầu, có thể con trẻ chỉ bắt chước theo người lớn, sau dần dần sẽ cảm thấy sự hấp dẫn từ đọc sách, tự tìm sách khác để đọc. Và cứ thế, thói quen đọc sách sách sẽ hình thành.

Tất nhiên, nói thì dễ nhưng để trẻ yêu sách, điều tiên quyết là người lớn cần nêu gương.

Theo đó, phụ huynh cũng phải đọc sách, yêu thích sách. Không thể có chuyện bố mẹ không hề cầm đến quyển sách, hoặc luôn cầm điện thoại trên tay mà “bắt” con phải đọc, hoặc mơ ước con tự giác đọc sách. 

Đọc sách không chỉ là hoạt động giải trí mà còn là nền tảng quan trọng cho sự phát triển toàn diện của con người. Các dẫn chứng khoa học và ví dụ thực tiễn cho thấy lợi ích của đọc sách vượt xa so với việc tiếp xúc sớm và thường xuyên với thiết bị công nghệ. 

Vì vậy, cho dù xã hội ngày càng phát triển cao hơn, con người có thể tìm kiếm khai thác thông tin, kiến thức trong thư viện điện tử hay qua mạng Internet thì sách vẫn không thể mất đi giá trị vốn có của nó đối với con người trong dặm dài lịch sử.

Hồng Lam

Chuyên mục khác