Tham gia chiến dịch, kỷ niệm cuộc đời

06/05/2024 13:14

Tham gia chiến dịch là niềm tự hào của mỗi chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Với gia đình bà Hoàng Thị Nhường ở thôn 6, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum, niềm tự hào được nhân đôi khi cả ông, bà đều cùng góp sức cho chiến thắng.

Đã lâu, mới có dịp trở lại Đăk Cấm. Đường vào thôn 6 ngày trước ngoằn nghèo, heo hút, giờ thẳng lối và thênh thang. Căn nhà nhỏ ở giữa khu dân cư vẫn đơn sơ, gần gũi, nhưng người chiến sĩ Điện Biên hiền lành, chân chất ngày nào thì không còn nữa. Bà Hoàng Thị Nhường mới qua tuổi 90 được vài tháng, ngậm ngùi khi nhắc đến người bạn đời thân yêu: “Ông Châu mất cuối năm 2022 rồi con à! Trước tết Giáp Thìn, mới cúng đầy năm cho ông đây!”.

Còn nhớ những lần về HMát (nay là thôn 6, Đăk Cấm), lần nào ông Nguyễn Quang Châu cũng vui và nhiệt tình trò chuyện. Được sống lại với kỷ niệm trên những nẻo đường Điện Biên, người chiến sĩ năm xưa luôn xúc động và tự hào.

Hai chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Quang Châu và Hoàng Thị Nhường. Ảnh: TN

 

Nơi ông Châu sinh ra và lớn lên là vùng quê cách mạng Đồng Văn, Thanh Chương, Nghệ An. Tháng 3/1953, ông đi bộ đội, được biên chế vào trung đội thông tin của Đại đoàn bộ binh 304. Đơn vị có lệnh hành quân lên Tây Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, công việc chính của ông là dịch mật mã và sử dụng bộ đàm để thông tin nội dung chỉ đạo của các cấp chỉ huy xuống đơn vị, cơ sở.

Ngày ấy, “bạn đồng hành” thân thiết của ông là chiếc máy bộ đàm cũ hiệu BC 1000- một chiến lợi phẩm mà quân ta thu được từ lính Pháp. Tuy không vất vả, nhọc nhằn bằng dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong và phải đối mặt với những gian nan, hiểm nguy như bộ đội trực tiếp chiến đấu, nhưng lính thông tin  các ông cũng gặp nhiều khó khăn, thử thách. Ở trong hầm, nhiều khi mưa dầm, nước ngập ngang người. Người ướt còn chịu được, chứ máy móc thì luôn phải giữ cho khô ráo, an toàn. Vì vậy, trong khi người dầm nước, máy bộ đàm vẫn phải giơ lên cao, tê dại cả tay. Những khi qua sông qua suối, làm một cái bè nhỏ, để tất cả máy móc dụng cụ lên đó, còn anh em thì lội nước đẩy đi.

Lính thông tin lúc nào đi đường cũng mang theo nước uống. Ai may mắn mới có được chiếc bi-đông, còn không thì chỉ lấy ống bương, đục thủng các đốt nối để đựng nước vào. Chưa kể, toàn là nước lã, đi đến đâu thì lấy đến đó, chứ nào biết đến ngụm nước đun sôi. Mưu trí, sáng tạo, ông cùng đồng đội đã góp phần đảm bảo thông tin liên lạc chính xác, nhanh chóng, kịp thời trong mọi tình huống, phục vụ chiến đấu thắng lợi.   

Bà Hoàng Thị Nhường nay đã 91 tuổi. Ảnh: TN

 

Trước khi lên đường đi Điện Biên, chàng trai trẻ Nguyễn Quang Châu mới quen biết cô gái cùng xóm Phượng Đình tên là Hoàng Thị Nhường. Khi ông Châu đi bộ đội, bà Nhường cũng vào thanh niên xung phong. Tháng 3/1953, đại đội TNXP của bà lên Suối Rút (Hòa Bình), làm đường từ Suối Rút lên Điện Biên, đồng thời đảm nhận việc tu bổ, sửa chữa đường xá, phục vụ dân công, bộ đội.

Bà Nhường kể: Ngày ấy, đang tuổi ăn tuổi lớn, mà ăn uống chẳng có gì ngoài cơm nắm với muối hột, lâu lâu mới may mắn kiếm được chút rau rừng. Có dạo 6 tháng liền chỉ toàn gạo nếp, ăn đến nóng ruột xót bụng. Ấy vậy, mà ai cũng hăm hở, dốc sức làm việc. Trừ người đau ốm, còn hễ nghe lệnh là tất cả đều dồn ra mặt đường. Ở chỗ cần mở đường mới, thì từ điểm mốc được chỉ sẵn, mọi người cứ thế mà tự giác làm việc. Người thì phát cây, chặt cành, người thì dọn chỗ, lấy mặt bằng. Anh chị em khác lại tập trung cào đắp, thông đường cho người, cho xe đi lại. Ở chỗ đường hư hỏng thì lấy đá, đào đất lấp, chèn; qua khe thì chặt cây, bắc cầu  gỗ ... Ngày ấy, những con đường mòn chủ yếu cho dân công đi bộ và xe thồ qua.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trên đường trở về, qua đoạn Suối Rút, anh lính thông tin và cô bạn cùng xóm tình cờ gặp lại. Họ vui khôn xiết, tuy thời gian ngắn ngủi song ấn tượng thì thật là sâu đậm. 2 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, họ về chung một nhà. Năm 1989, ông Châu bà Nhường đưa tám người con vào Đăk Cấm lập nghiệp.

Nghĩa tình Điện Biên năm xưa là chất keo gắn kết, làm thành sức mạnh tinh thần to lớn giúp ông bà vượt qua muôn vàn gian nan, khó nhọc, nuôi nấng con cái trưởng thành, tạo dựng cuộc sống ổn định.

70 năm sau chiến thắng vẻ vang của dân tộc, gia đình chiến sĩ Điện Biên năm xưa người còn người mất, song được góp sức cho chiến dịch mãi là kỷ niệm thiêng liêng được gia đình nâng niu, trân trọng.

Thanh Như                                                  

Chuyên mục khác