Góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS

29/02/2024 13:22

Thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, huy động sự chung tay của các cấp, ngành, lồng ghép, đưa hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS vào phục vụ các hoạt động, sự kiện để tạo điểm nhấn, sự lan tỏa mạnh mẽ ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Hàng năm, cứ mỗi dịp sau Tết Nguyên đán, Hội báo Xuân là sự kiện được các cấp, ngành, người dân và đặc biệt những người làm báo háo hức, mong chờ. Đây là dịp để khích lệ, động viên, khơi gợi tinh thần sáng tạo để các hội viên, nhà báo ngày càng có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của địa phương.

Hội báo Xuân Giáp Thìn 2024 tiếp nối sự thành công khi thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Đặc biệt, với chủ đề “Hội báo Xuân Giáp Thìn 2024- Trải nghiệm văn hóa truyền thống” đã mang lại nhiều nét mới, đặc sắc cho Ngày hội.

Gìn giữ văn hóa truyền thống trong nếp sống, sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng các DTTS. Ảnh: H.T

 

Theo đó, bên cạnh những hoạt động trưng bày, quảng bá ấn phẩm báo chí, Hội báo Xuân Giáp Thìn 2024 còn diễn ra các hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống, biểu diễn các trò chơi dân gian; giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống của đồng bào DTTS; các tiết mục văn hóa dân gian như ném còn, nhảy sạp, múa rối diễn ra sôi nổi, hấp dẫn với sự tham gia của đông đảo du khách, nghệ nhân. Tất cả tạo nên bức tranh sinh động, đa sắc màu về văn hóa truyền thống của các DTTS.

Một sự kiện khác có thể kể đến vào dịp đầu Xuân 2024 là Không gian “Trải nghiệm văn hóa truyền thống Xuân Giáp Thìn 2024” (diễn ra từ ngày 17 - 20/2) tại Bảo tàng- Thư viện tỉnh do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Chương trình giới thiệu đến đông đảo khách tham quan, nhà nghiên cứu về các bản sắc văn hóa, nghề thủ công truyền thống, chế tác, trình diễn các loại nhạc cụ, kết quả sưu tầm tư liệu về di sản nhạc cụ truyền thống của các DTTS.

Bà Đỗ Thị Thanh Thủy- Giám đốc Bảo tàng- Thư viện tỉnh cho biết: Không gian “Trải nghiệm văn hóa truyền thống Xuân Giáp Thìn 2024” được tổ chức nhằm mục đích giới thiệu đến người dân, du khách trong và ngoài nước về sự phong phú, đa dạng, độc đáo của các loại nghề, nhạc cụ truyền thống của các DTTS. Qua đó, động viên, khích lệ các nghệ nhân và cộng đồng chung tay bảo tồn, phát huy các giá trị của âm nhạc dân tộc. Chúng tôi đã mời các nghệ nhân và đoàn nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm trong việc chế tác và sử dụng nhạc cụ truyền thống của các dân tộc như Xơ Đăng (nhánh Hà Lăng), Gia Rai, Gié -Triêng để giới thiệu cho người dân, du khách. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân có cơ hội giao lưu, học hỏi trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, góp phần quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch của địa phương.

Có thể kể đến các hoạt động du lịch cộng đồng dựa trên những giá trị văn hóa đang được các địa phương đẩy mạnh, tiêu biểu như Khu du lịch sinh thái Măng Đen đã có những bước phát triển mạnh mẽ thông qua việc giữ gìn và quảng bá các giá trị truyền thống, giúp người dân giải quyết việc làm, tăng thu nhập, khuyến khích người dân bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống. Hoặc các sự kiện nhằm khơi gợi tình yêu văn hóa truyền thống trong thế hệ trẻ như các cuộc thi cồng chiêng, múa xoang, biểu diễn trang phục truyền thống cấp trường, thôn, huyện, các ngành... được tổ chức thường xuyên; tiêu biểu như Liên hoan “Văn hóa cồng chiêng, đàn hát dân ca và trình diễn trang phục các dân tộc” năm 2023 do Tỉnh đoàn tổ chức đã khơi dậy mạnh mẽ tình yêu văn hóa truyền thống trong thế hệ trẻ...

Công tác nghiên cứu, truyền dạy các loại hình nghệ thuật truyền thống được tỉnh ta đẩy mạnh. Ảnh: HT

 

Cùng với các sự kiện lớn nhỏ, trong công tác giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, tỉnh ta dành nhiều nguồn lực để đầu tư, trang bị các thiết chế văn hóa; hỗ trợ kinh phí xây dựng mới và sửa chữa nhà rông truyền thống; trang bị cồng chiêng, mở các lớp dạy nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, rèn, đan lát, làm rượu cần, chế tác nỏ; đẩy mạnh công tác kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể.

Đến nay, toàn tỉnh lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, trong đó có khoảng 2.500 bộ cồng chiêng với khoảng 30 loại khác nhau; đã trang bị 137 bộ cồng chiêng, trống cho 137 thôn, làng DTTS tại chỗ; có 409/503 thôn, làng DTTS tại chỗ bảo tồn, khôi phục được nhà rông truyền thống; duy trì số người biết làm nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh hơn 12 nghìn người.

Ông Phan Văn Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, nhiều hoạt động văn hóa đã được các cấp, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức đã góp phần giữ lửa, vun đắp niềm tự hào, trách nhiệm trong giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Qua đó, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa truyền thống trong phát triển kinh tế- xã hội; giúp tăng cường tinh thần đoàn kết, sáng tạo của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.   

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác