Mộ gió

26/07/2021 13:01

Ký ức của tôi về bà ngoại luôn gắn liền với tấm Bằng Tổ quốc ghi công đặt trên bàn thờ, bên cạnh bức ảnh đen trắng chụp người thanh niên mũi cao, mắt sáng- bác cả của tôi, một liệt sĩ hy sinh trên tuyến đường Hồ Chí Minh- và ngôi mộ gió trên sườn đồi phía sau nhà.

Khi tôi sinh ra, thì bác cả đã hy sinh rồi! Anh con út của bác cũng không được gặp mặt bố lấy một lần. Chỉ biết mặt qua bức ảnh đen trắng đặt trên ban thờ thường ngày vẫn nghi ngút khói hương.

Những gì tôi biết về bác, cũng là gương mặt trên bức ảnh ấy, những câu chuyện về bác của bà ngoại, của mẹ, chủ yếu được kể trong những lần đi viếng mộ bác.

Ấy là một ngôi mộ gió!

Ở quê tôi, người ta gọi ngôi mộ giả, mộ không có hài cốt là mộ gió, đây là những ngôi mộ chỉ mang ý nghĩa  tượng trưng.

Tất nhiên, mãi sau này, khi đã “lơn lớn một chút”, tôi mới biết mộ gió là gì và vì sao phải làm mộ gió? Cũng vì biết, nên tôi luôn thấy nghẹn lòng mỗi khi lên viếng mộ, và càng thương bà ngoại hơn.

Ông bà ngoại tôi sinh được ba người con, 1 trai 2 gái, thì ông mất trên đường đi công tác, bác là cả, và cũng là con trai một. Một mình bà ngoại nuôi con lớn khôn, dù nghèo, dù khổ, bà cũng cố cho con học hành.

Học xong phổ thông, bác vào Đại học Giao thông Vận tải, cả huyện chỉ có 2 người. Vừa tốt nghiệp thì bác nhận lệnh nhập ngũ. Sau ít ngày chuẩn bị, đơn vị bác đi thẳng vào chiến trường, phụ trách kỹ thuật thi công đoạn đường Hồ Chí Minh khu vực Hà Tĩnh – Quảng Bình.

Năm 1972, gia đình nhận được giấy báo tử. Cả đơn vị của bác gần như không còn ai sống sót mà lành lặn sau một đợt B52 rải thảm. Tất cả liệt sĩ đều được an táng ngay tại chiến trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Hòa bình lập lại, do cuộc sống khó khăn nên gia đình không thể đi tìm mộ bác, chỉ nghe ngóng được rằng, bác và đồng đội được đón về một nghĩa trang liệt sĩ nào đó ở Quảng Bình.

Mỗi bữa cơm, bà ngoại lại nhìn lên tấm bằng Tổ quốc ghi công, đôi mắt đục lờ ứa lệ.

Bà chỉ trở nên vui vẻ khi kể về bác cả. Bao giờ câu chuyện của bà ngoại cũng mở đầu bằng một câu đầy tự hào: Bác cả mày đẹp trai, học giỏi có tiếng ở vùng này. Và kết thúc bằng một câu khác: Nếu bác cả mày còn sống, chắc giờ cũng "làm to", bọn mày đỡ khổ. Nhưng lại cười móm mém: Tính bác cả khí khái lắm. Đừng nghĩ dựa dẫm gì để kiếm lợi nhé. 

Thỉnh thoảng, mẹ tôi và dì cự nự: Mẹ chỉ thương mỗi anh cả. Nhưng nói xong, cả 3 người phụ nữ nhìn nhau chảy nước mắt. Rồi bà ngoại lại vỗ về: Phải chi anh cả bay còn sống, thì bay đỡ khổ. Rồi bà cười, nhưng ai cũng biết trong lòng bà đang rỏ máu. Khúc ruột bị cắt lìa, đau biết mấy.

Những buổi trưa, bà bắc ghế ra ngoài hè ngồi giã trầu, coi mấy đứa quỷ nhỏ chơi trò trận giả. Thấy chúng lăn lê, bò toài, bắn súng miệng đùng đoàng, bà thương yêu nói: Hồi đó mà có đứa nào lớn, tao cho đi bộ đội luôn, tha hồ mà đánh trận.

Cả bọn reo hò, tung hô bà ngoại váng trời.

Chiều chiều, bà lại ngồi trước sân, nhìn về dãy núi xanh rì xa tít chân trời, như kỳ vọng, như chờ đợi một điều gì đó. Có lúc bà nói, đó là phía bác cả bay nằm xuống, gửi nắm xương lưu lạc trên những ngọn núi ấy.

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, bà ngoại yếu hơn, con cháu bàn nhau đi tìm mộ bác về, phòng khi bà mất cũng đỡ buồn tủi.

Sau nửa tháng ròng rã lặn lội tìm kiếm, khi đến một nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn thuộc tỉnh Quảng Bình, mọi người mừng quýnh khi biết có một ngôi mộ mang tên bác. Khi làm được thủ tục xin đưa bác về thì thật bất ngờ, và đau lòng, trong ngôi mộ ấy không có hài cốt, chỉ có mấy mảnh quần áo.

Ít ngày sau, trong khu mộ của dòng họ ở sườn đồi sau nhà có thêm một ngôi mộ mới.

Ngày làm mộ cho bác cả trên đồi, tôi còn quá nhỏ để hiểu được nỗi đau của bà ngoại to lớn biết chừng nào.

Hôm ấy, anh con trai của bác cả bưng bát hương đi trước, bà ngoại dò từng bước theo sau, không để cho ai dìu.

Trước ngôi mộ, bà ngoại kêu anh con út của bác đào hố, rồi tự tay trồng một cây bầu, hàng ngày cặm cụi tưới nước. Lũ chúng tôi cũng hò nhau chạy theo, xách nước tưới cùng. Ngày mưa dầm, bà vun vồng cao, làm rãnh thoát nước, vì “cái giống bầu này lạ lắm, nắng thì chịu được, chỉ cần tưới ít nước mỗi ngày, nhưng mưa dầm là chết liền”, bà giảng giải.

Dây bầu lớn nhanh vùn vụt, bà kêu mấy anh chặt tre làm giàn. Chỉ ít ngày đã vươn ngọn xanh um che mát ngôi mộ. Trong từng nách lá lú ra những nụ hoa be bé, rồi nở bung vàng nhạt, sau đó mấy trái non xanh xanh, mập mạp, cứ to, to mãi.

Ngày qua ngày, tháng qua tháng, dây bầu này gần úa, bà trồng dây khác. Trồng mãi, trồng mãi, giàn bầu luôn xanh rì trên ngôi mộ. Trái lớn, bà mang cho hàng xóm ”ăn lấy thảo”.

Cũng có những lúc, bà ngoại ngồi nín thinh như đá!        

Ấy thường là khi loa phát thanh treo đầu ngõ, rọt rẹt như người viêm xoang, phát chuyên mục “Nhắn tìm đồng đội”. Giọng cô phát thanh viên chậm và nhẹ. Ngoại lắng nghe không sót buổi nào, vì vẫn chưa nguôi niềm mong mỏi, biết đâu đó có ngày, trên loa sẽ xướng tên bác tôi, đang nằm nghỉ ở một trong số hàng chục nghĩa trang liệt sĩ dọc dài Trường Sơn.

Không biết có phải bác cả linh thiêng hay ông trời thương bà, run rủi đẩy đưa đến cái ngày, một đồng đội của bác tìm đến báo tin rằng, mộ bác đang ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Tân Ấp, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ngày trước, đơn vị quy tập hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang của đơn vị, nhưng không nỡ bỏ ngôi mộ cũ đi, nên khi gia đình tìm, lại đến đúng nghĩa trang cũ và ngôi mộ cũ.

Sau hôm ấy, tôi nhận ra có cái gì đó lạ lùng trong bà. Bà hay cười hơn, trong đôi mắt đục đã lấp lóe ánh vui, như làn mây mù được vén lên vậy.

Với tất cả lòng sùng tín thơ ngây, tôi tin rằng đó là bác cả nhớ thương bà nên mới nhờ đồng đội báo tin về. Ngày huyện tổ chức đón hài cốt của bác cả về, bà nhất định đòi đi cho bằng được. Không mấy ai để ý rằng, hôm ấy bà tôi không khóc, mà lại cười.

Đúng 7 ngày sau khi bác cả được đón về nghỉ ngơi ở nghĩa trang liệt sĩ huyện mát mẻ, tĩnh lặng cùng đồng đội thì bà mất.

Khi bà đi với bác cả, tôi đang học ngoài Hà Nội, xe cộ khó khăn, không về kịp để nhìn bà lần cuối, chỉ kịp đưa bà lên đồi, đặt bên cạnh mộ gió. Nghe kể lại khi mất, trong khi mẹ và dì, và con cháu khóc, bà cười, nụ cười nhẹ tênh, giống như bác cả về đón bà đi vậy.

Lo việc cho bà xong, tôi đập vỡ trái bầu khô, lấy hạt ra ươm. Một dây ở mộ bà. Một dây ở mộ bác cả trên nghĩa trang liệt sĩ. Và một ở ngôi mộ gió trên sườn đồi sau nhà.

THÀNH HƯNG

Chuyên mục khác