16/04/2025 06:01
|
Những ngày nắng nóng, không khí oi nồng, bức bối đến khó chịu. Ngồi trong phòng làm việc, mở toang cửa sổ rồi mà vẫn không có chút gió tạt vào. Dù chẳng thích, nhưng rồi vẫn phải bật chiếc máy lạnh to vật vã ở giữa gian phòng. Tiếng máy chạy ù ù càng làm cho đầu óc thêm váng. Lại càng thêm khao khát một ngày mưa xuống.
Chiều nay, đang vật vã với tin bài, bất chợt những đợt gió mát len vào phòng. Nhìn qua ô cửa kính, thấy mây đen bắt đầu xuất hiện trên bầu trời. Những đám mây đen trôi lững lờ ấy làm dịu đi cái nóng của những ngày tháng Tư hầm hập. Rồi thoáng chốc, những hạt mưa đã lộp độp gõ nhịp trên mái tôn nhà bên. Ban đầu thưa thớt, sau đó nhanh dần, nhanh dần, rồi ào ạt không dứt.
Mưa rồi! Mưa rồi! Tiếng ai đó ngoài hành lang reo to biểu lộ sự vui mừng, thích thú đến sung sướng.
Tạm bứt mình ra khỏi ngổn ngang công việc để đứng bên cửa sổ ngắm cơn mưa trái mùa mà lòng dậy lên ký ức đẹp đẽ của những chiều mưa nơi quê nhà.
Đó là những buổi chiều, khi đang đá gà cỏ cùng lũ bạn ở hiên nhà, hay mải mê với trò đánh nẻ, lò cò, u mọi, năm mười, thì nghe tiếng mẹ gọi từ dưới đám ruộng vọng lên: “Để ý rút đồ, nhặt củi vào nghen con”. Phía sau nhà, ông Dư cũng hối hả gọi mấy đứa cháu đậy mấy thạp mắm đang giang nắng lại để không bị thấm nước mưa. Lúc này mới để ý, phía chân trời đã có từng đụn mây đen đùn lên ngày một lớn, gió cũng đã nổi, cuốn tung bụi và rơm rạ, báo hiệu một cơn mưa giông đang ào ạt kéo tới.
Đi làm thì thôi chứ ở nhà, chỉ cần nghe nổi sấm, mà người ở quê gọi là “trời gầm”, mây kéo đen trên bầu trời là ba lật đật ra sân sau gom củi vào. Con cái đứa lớn, đứa nhỏ cũng gác việc vui chơi lại để phụ ba vác củi xếp ngăn ngắn vào bếp.
Mưa trái mùa, có lúc trời cũng “gầm gừ” dữ lắm. Nghe “trời gầm” là bọn trẻ con đang chơi ngoài đồng, ngoài bãi co giò chạy một mạch về nhà vì sợ. Có khi chưa nghe tiếng sấm sét, chỉ thấy trên bầu trời lóe lên mấy tia sáng là bọn trẻ đã hét toáng lên, bịt hai lỗ tai lại rồi còn chạy đi trốn ở đâu đó trong nhà. Đùng một cái, tiếng sấm vang lên dội đất trời, tiếng la hét của con nít càng vang vọng như thể có ai đó đang đe dọa chúng.
Đang nóng nực, có cơn mưa trái mùa ập đến, cây lá góc vườn reo vui vì được làm mát, được gột rửa những lớp bụi của thời gian đang bám bẩn gây “ngứa ngáy” khó chịu.
|
Mấy đứa con nít thấy mưa trái mùa thì khoái lắm, cứ nhấp nhổm canh chừng trận mưa to hay nhỏ để chạy ra đường làng tắm mưa. Trẻ con mà cũng kinh nghiệm lắm, mưa đầu mùa chẳng thể tắm mưa đâu, nhưng nếu được trận mưa to, mưa dầm dề được một lúc làm cho mặt đất thấm đẫm, nước chảy lênh láng ngoài đường thì chúng cũng chẳng chịu ngồi yên trong nhà để nhìn mưa. Chỉ cần sau một trận mưa như trút nước, sấm sét ít dần, trên đường làng lại vang tiếng trẻ con la hét sảng khoái vì được nghịch nước, được dầm mình dưới cơn mưa mùa hạ để giải nhiệt.
Ngày mưa, nhà nhà rảnh rỗi còn bày biện làm những món ăn vặt để thưởng thức. Những chiếc bánh ít làm bằng bột mì tươi nhân dừa đậu đen; những chén chè trôi nước thơm lừng làm bằng bột nếp chan nước đường nấu với gừng thơm lừng hay những mẻ bánh xèo sực nức mùi thơm lan tỏa một góc trời quê.
Mưa trái mùa, gợi lên những ký ức thật đẹp đẽ. Hối hả nhưng cũng thật dung dị, bình yên. Dù chẳng ai để ý, nhưng những gì đã thành thói quen, thành nếp sống cũng làm ta thổn thức, nhớ nhung khi chẳng còn được ở gần.
Chiều nay, mưa trái mùa, từ ban công nhìn xuống những con đường dọc ngang trên phố, dòng người hối hả ngược xuôi. Mùa này, ra đường dường như ai cũng đều ý thức mang theo áo mưa, nhưng cũng có người chủ quan, để rồi gặp mưa trái mùa đành chịu ướt sũng.
Bên góc đường, cô bán hàng rong dường như quên mang áo mưa nên đành đứng trú mưa dưới mái hiên nhà ai. Chốc lát cô lại ngó nghiêng lên bầu trời. Có lẽ cô muốn dự đoán thời tiết, đoán xem kiểu thời tiết này sẽ mưa kéo dài bao lâu để còn nhanh nhanh quẩy đôi quang gánh trở về nhà nghỉ ngơi sau một ngày mưu sinh vất vả.
Nhìn hình ảnh của cô gánh hàng rong mà nhớ đến nỗi lo phập phồng của mẹ, của ba ngày mưa. Nhớ tiếng gọi vang vọng của mẹ từ cánh đồng làng nhắc nhở mấy đứa con lo rút đồ, nhặt củi trước khi mưa ập đến.
Sông Côn