Mở cửa tương lai bằng nhiều lựa chọn

28/07/2020 06:03

Trong những năm gần đây, thí sinh đã có sự thay đổi trong việc định hướng nghề nghiệp khi đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sự phân luồng thể hiện rõ nét qua sự lựa chọn chỉ đăng kí thi để xét tốt nghiệp phần nào cho thấy sự thay đổi trong nhận thức, quan niệm của mỗi học sinh cũng như của mỗi gia đình, toàn xã hội khi xác định năng lực bản thân và nhu cầu lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, trên địa bàn tỉnh có 1.440/4.303 thí sinh đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp. Theo thống kê, số học sinh đăng ký thi lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp tăng dần qua các năm và trở thành xu hướng được các thí sinh lựa chọn trong thời gian gần đây.

Tất nhiên có những thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT sẽ đi theo hướng xét tuyển học bạ vào các trường đại học, cao đẳng, nhưng phần lớn trong số đó để chọn con đường riêng như: học nghề, đi làm... Điều này được xem là tín hiệu tích cực trong công tác giáo dục phân luồng nghề nghiệp, mở hướng tương lai bằng nhiều lựa chọn: một số tiếp tục theo học các trường đại học, cao đẳng, một số theo học các trường nghề, một số khác chọn đi làm...

Trước đây, đại đa số học sinh 12 khi đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành nghề thường đăng ký dự thi ít nhất một trường đại học. Sau khi tốt nghiệp THPT, dù học lực giỏi, khá hay trung bình, các em đều tham gia dự thi đại học, cao đẳng. Không đủ điểm đậu các trường công lập top đầu, top giữa... thì các em theo học các trường đại học dân lập, tư thục… Hệ quả của tình trạng nhà nhà đại học, người người đại học dân lập, tư thục... Hệ quả của tình trạng nhà nhà đại học, người người đại học là hàng loạt cử nhân lao đao tìm việc và đối mặt với thất nghiệp ngày càng nhiều. Nhiều người sau 4-5 năm trời đèn sách, không tìm được việc làm đã quay trở lại học nghề, hoặc chọn công việc chỉ cần tốt nghiệp THPT, thậm chí còn có người giấu bằng cử nhân để xin đi làm công nhân mà báo chí từng phản ánh.

Thời gian qua, ngành Giáo dục đã chú trọng công tác hướng nghiệp, định hướng phân luồng cho học sinh. Ảnh: HN

 

Một nghịch lý nữa là trong khi các cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều, thì các công ty, doanh nghiệp lại thiếu công nhân có tay nghề. Thực trạng đó không chỉ diễn ra ở các khối ngành kỹ thuật, hay các khu công nghiệp, thành phố lớn mà ngay cả đại diện các công ty, doanh nghiệp chuyên về sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh ta cũng thừa nhận “thiếu thợ” có tay nghề cao, được đào tạo bài bản trong lĩnh vực này.

Thực tế đã có không ít những băn khoăn xen lẫn tiếc nuối của các bậc phụ huynh, của các em khi thiếu đi sự lựa chọn, định hướng nghề nghiệp đúng đắn ngay khi vừa tốt nghiệp bậc THPT để rồi phải lãng phí quá nhiều thời gian, tiền bạc.                   

Không để các em phải lãng phí thời gian, tiền bạc khi thiếu đi sự lựa chọn đúng đắn, các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Giáo dục đã chú trọng công tác hướng nghiệp, định hướng phân luồng cho các em sau khi hoàn thành chương trình THCS, THPT. Nhờ vậy nên trong những năm gần đây, thí sinh đã có sự thay đổi trong việc định hướng nghề nghiệp khi đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT (trước đây là kỳ thi THPT quốc gia). Sự phân luồng thể hiện rõ nét qua sự lựa chọn chỉ đăng kí thi để xét tốt nghiệp phần nào cho thấy sự thay đổi trong nhận thức, quan niệm của mỗi học sinh cũng như của mỗi gia đình, toàn xã hội khi xác định năng lực bản thân và nhu cầu lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

Đơn cử như trường hợp của Dũng - chủ một quán ăn sáng có tiếng ở thành phố Kon Tum là một ví dụ. Cũng từng băn khoăn trước ngã rẽ, thi tốt nghiệp THPT và theo học nghề hay là thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng nhưng khi cảm thấy sức học ở mức trung bình, lại yêu thích nghề đầu bếp nên đã trình bày nguyện vọng với bố mẹ, nhưng không được bố mẹ đồng tình. Phải sau nhiều lần thuyết phục, Dũng được bố mẹ đồng thuận đăng ký thi để tốt nghiệp THPT và sau đó theo học nghề đầu bếp. Đến nay, sau 4 năm lập nghiệp, ý chí, quyết tâm đã giúp em khẳng định được tay nghề và có thu nhập khá. Dũng cảm thấy mình đã có một quyết định hoàn toàn đúng đắn.

Dũng chia sẻ, cứ đi thì mới có đường, căn cứ vào năng lực, sở thích, hoàn cảnh, nhất là với những em có học lực trung bình nhưng lại có thừa năng khiếu nghề thì nên được gia đình, thầy cô tư vấn, định hướng phân luồng nghề nghiệp sớm để tránh lãng phí thời gian, tiền bạc.

Thực tế là học sinh trên địa bàn tỉnh có nhiều đối tượng với nhiều tầng năng lực, nhiều điều kiện hoàn cảnh khác nhau, nên việc định hướng, phân luồng sớm sẽ giúp các em chủ động lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực học tập, hoàn cảnh kinh tế và nhu cầu cá nhân. Vấn đề còn lại, không chỉ với các em đăng ký dự thi lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT để sau đó đi học nghề, đi làm, mà cả gia đình các em và toàn xã hội mong muốn các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh có nhiều hơn các hoạt động hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, liên kết giữa đào tạo và doanh nghiệp, nguồn vốn... giúp các em tự tin hơn khi chọn nghề.

HÀ NAM

Chuyên mục khác