Người cha bệnh tật và nỗi lo cho những đứa con

10/09/2018 06:58

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Hồng Khánh (sinh năm 1968) ở thôn Iệc, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi trong một chương trình từ thiện diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tôi đang đưa máy lên chụp ảnh, đôi bàn tay nhăn nheo và chai sần của chị chạm vào tay tôi, chị nói khẽ: Cô ơi, cô có thể nhờ ai lên phòng bệnh cắt tóc giúp cho chồng chị được không? Anh ấy không đi lại được. Chị đã nhờ người bế ảnh xuống đây từ sáng đến giờ mà không được…

- Chồng chị bị bệnh gì vậy ạ? Anh nằm ở khoa nào vậy chị? - tôi hỏi.

- Anh ấy bị tai biến nặng cô à. Anh nằm đã 2 tháng nay ở bệnh viện này và đang được điều trị tại Khoa Đông y… Nói đến đây, chị Khánh ngân ngấn những giọt nước mắt.

Tôi gọi một người bạn trong nhóm từ thiện để nhờ giúp đỡ. Chúng tôi cùng lên khu phòng bệnh nhân để thăm anh.

Anh tên là Phan Đức Võ. Dù năm nay mới bước vào tuổi 49 nhưng căn bệnh đã biến anh trở thành một người đàn ông già nua, gầy guộc chỉ còn da bọc xương.

Vợ chồng chị Khánh và anh Võ

 

“Anh vầy là có da có thịt lắm rồi đấy cô. Mấy hôm mới vào nhập viện, trông anh tiều tụy hơn thế nữa” - chị Khánh chỉnh sửa cổ áo xộc xệch cho chồng sau khi cùng mọi người đỡ anh ngồi lên chiếc xe lăn để cắt tóc.

Chị Khánh cho biết, vì hoàn cảnh ở quê khó khăn quá nên anh và chị mới dắt díu nhau từ miền Bắc vào đây lập nghiệp. Anh đi làm nghề thợ xây, còn chị làm nghề mua bán ve chai. Cuộc sống tuy không dư giả nhiều nhưng cố chắt chiu cũng đủ để lo cho 3 đứa con đi học. Năm 2009, gia đình anh chị được Nhà nước hỗ trợ trồng 2ha cao su. Do không có điều kiện chăm sóc vườn cây nên vợ chồng anh chị cho người họ hàng vừa trồng xen mì vừa trông nom giúp.

"Trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, có thể vì không được chăm sóc kỹ nên vườn cao su đã chết dần mòn, còn lại khoảng gần 200 gốc. Năm ngoái bước vào mùa khai thác đầu tiên, gia đình chị càng buồn hơn khi cao su không cho mủ" - chị Khánh cho biết.

Chị Khánh tần tảo với nghề thu mua ve chai dạo, còn anh Võ thì nay đây mai đó với nghề thợ xây. Có lúc, anh Võ đi làm thuê cho các nhà thầu xây dựng, có lúc anh còn đứng ra nhận lại công trình từ các nhà thầu để kiếm chút tiền lời. Thế nhưng, nhiều lúc “lời đâu không thấy mà từ khi nhận công trình đến khi ngã bệnh, anh chị đã phải vay ngân hàng đến 400 triệu đồng để trang trải các khoản nợ nần sau khi bị một số nhà thầu quỵt nợ” - chị Khánh ngậm ngùi.

Mỗi tháng, anh chị phải làm việc rất cật lực mới có đủ số tiền để lo cho 3 đứa con học hành và tiền trả lãi ngân hàng hơn 3 triệu đồng.

Chị Khánh giàn giụa nước mắt kể: Khi chưa ngã bệnh, anh Võ thường động viên vợ là làm ăn có lúc được, lúc mất. Thôi thì, chỉ cầu mong sao có được sức khỏe để cố gắng làm việc rồi có ngày cũng trả hết nợ. Vậy mà, giờ đây, anh đã phải nằm một chỗ…

Bác sĩ bảo với chị Khánh, anh Võ bị tai biến nặng. Trước mắt cứ phải nhập viện để điều trị, lần hồi mới thuyên giảm được. Chị Khánh phải túc trực ở bên cạnh để chăm sóc cho anh, không đi làm được, nên cuộc sống gia đình càng khó khăn, chật vật.

Chị Khánh cho biết, chị có mua bảo hiểm cho anh nên cũng đỡ bớt phần nào khoản tiền đóng viện phí. Tuy nhiên, hơn 2 tháng anh Võ nằm viện, chị phải chạy vay mượn họ hàng hơn 30 triệu đồng để mua thêm thuốc thang và đóng phần viện phí còn lại cho anh. Mới đây, mưa lũ, đã khiến căn nhà của anh chị bị tốc mái, phải vay mượn để sửa chữa lại nên càng khó khăn hơn.

Chị Khánh lo lắng: Không biết chị có thể chạy lo tiền chữa bệnh cho anh được đến khi nào nữa, vì trong nhà không còn gì để bán và cũng không còn biết ai để vay mượn.

Chúng tôi càng thấy thương khi nghe chị chia sẻ rằng năm học mới đã đến mà chẳng chuẩn bị được gì cho các con. Chị Khánh nói: Có khi anh chị phải cho đứa con thứ 2 - năm nay lên lớp 10 - nghỉ học ở nhà chăm cho bố, để mẹ đi làm kiếm tiền lo cho gia đình. Còn hai đứa con còn lại (đứa lớn năm nay lên lớp 12, đứa nhỏ nhất năm nay lên lớp 5) chị sẽ cố gắng duy trì cho các cháu đi học, nhưng nếu khó khăn quá cũng đành cho các cháu nghỉ học.  

Ở phòng bệnh nơi anh Võ đang điều trị có 4-5 bệnh nhân, dường như ai cũng phần nào biết được hoàn cảnh của anh chị nên khi nghe chúng tôi hỏi chuyện đều xót xa và thương cảm.

Chị Khánh chỉ vào người nhà các bệnh nhân cùng phòng, cho biết: Cũng nhờ các cô, các bác ở đây thương, mỗi người góp một ít nên vừa rồi chị có đủ tiền để mua lại bảo hiểm cho anh.

Biết năm học mới bắt đầu và dù không nói được nhiều, nhưng anh Võ vẫn gắng gượng nhắn với vợ cố gắng chạy vạy để lo cho các con được đến trường và chăm lo cho anh có sức khỏe để sớm có thể trở về đi làm kiếm tiền lo cho các con ăn học và trang trải các khoản nợ nần.

Mới gặp anh chị chưa được bao lâu ở bệnh viện, vậy mà mới đây, tôi lại nghe tin chị Khánh đã xin đưa anh Võ ra viện vì không có đủ khả năng về tài chính để lo liệu thuốc thang điều trị. Vì vậy, rất mong có nhiều tấm lòng hảo tâm giúp đỡ vợ chồng anh Võ và chị Khánh để gia đình họ sớm vượt qua khó khăn.

Bài, ảnh: Tú Quyên 

Chuyên mục khác