Món quà từ thiện

06/06/2019 13:05

Món quà mà bà đã dành tặng cho người nghèo tuy không nhiều nhưng đã gói ghém vào trong đó tất cả tình yêu thương, sự sẻ chia của mình đối với những mảnh đời kém may mắn. Nhìn vào cách làm từ thiện của bà, tôi lại nhớ đến những chuyến đi từ thiện cùng các đoàn về tận vùng sâu, vùng xa...

1. Bà Năm gói ghém từng chiếc quần áo cũ của mình không còn dùng đến nữa thật cẩn thận để ở góc phòng riêng. Lâu lâu, bà lại mang ra gấp lại cho thẳng thớm. Con dâu thấy mẹ thường hay làm vậy nên khuyên bà mang bỏ đi cho đỡ vướng víu, chật nhà. Ấy vậy mà, bà vẫn cố giữ. Bà Năm bảo với con: “Những chiếc quần, áo cũ này vẫn còn dùng được. Mẹ cứ giặt giũ rồi gói lại, để dành khi nào tích góp được nhiều lại mang đi cho những người già có hoàn cảnh khó khăn cần dùng đến”.

Tính bà Năm là như vậy! Bà tiết kiệm từ thời còn con gái, bởi cuộc sống ngày ấy quá khó khăn. Và rồi, theo năm tháng, cái tính ấy của bà như thói quen.

Mà không chỉ có quần áo cũ của bà, lâu lâu, hễ thấy con cháu có đứa nào bỏ ra những chiếc quần, chiếc áo không mặc nữa bà lại thu gom, gấp lại gọn gàng cất đi. Gom được vài chục bộ đồ cũ, bà lại rủ mấy người bạn già trong xóm mang ra các làng vùng ven thành phố để cho người nghèo. Có khi thấy ai có hoàn cảnh khó khăn đi ngang qua nhà, bà lại vẫy dừng lại hỏi xem họ có nhu cầu không để đưa cho.

Nhiều người được bà Năm tặng quần áo thường hay mang những sản phẩm nông sản “cây nhà, lá vườn” ra biếu bà. Thế nhưng, bà chẳng bao giờ nhận không, mà thường “dấm dúi” vào tay họ ít tiền, vì bà thương cho hoàn cảnh của họ. Bà bảo bà nhận ở họ cái tấm lòng…

Bà Năm kể với những người bạn già ở trong xóm, dù bây giờ cuộc sống không thiếu thứ gì, nhưng với bà, những ngày tháng cơ cực khi còn trẻ đã rèn cho bà tính tiết kiệm. Bà tiết kiệm từ việc chi tiêu trong gia đình cho đến việc sắm sửa các vật dụng cá nhân.

Bà Năm bảo, ngày xưa, một nách nuôi 4 đứa con ăn học nên hễ có tiền là bà chỉ biết lo đong gạo nuôi con, làm gì dám nghĩ đến chuyện sắm sửa quần áo mới. Nhớ mỗi khi mùa Đông đến, bà cứ ước ao có được những chiếc áo ấm cho 4 đứa con đỡ lạnh khi đến trường.

Bây giờ thì, từ con đến cháu của bà, chẳng có đứa nào chịu mặc đồ may nữa, mà toàn mua đồ may sẵn bên ngoài. Cái này chưa hư, chưa cũ, chúng đã thay cái mới.

Lâu lâu, bà Năm quan sát để ý các cháu của mình có cái quần, cái áo mua về mặc được vài lần rồi chẳng bao giờ đụng đến. Khi nào mẹ chúng bắt dọn dẹp tủ đồ thì những chiếc váy áo ấy lại được chuyển xuống cho bà để gom cho người nghèo. Nghe đứa cháu giải thích “quần áo ấy đã lỗi mốt rồi”, bà lại ngẫm nghĩ đến cảnh nghèo khó của mình ngày xưa và những hoàn cảnh khó khăn thực tại mà bà đã gặp, để rồi lại ngồi lẩm bẩm một mình cái câu nói của người xưa “người ăn không hết, kẻ lần không ra”. Nhưng vì chúng chẳng mặc nữa nên để tránh lãng phí, bà lại mang cho ai đó có nhu cầu.

2. Cách làm từ thiện của bà Năm thật ý nghĩa. Món quà mà bà đã dành tặng cho người nghèo tuy không nhiều nhưng đã gói ghém vào trong đó tất cả tình yêu thương, sự sẻ chia của mình đối với những mảnh đời kém may mắn.

Nhìn vào cách làm từ thiện của bà, tôi lại nhớ đến những chuyến đi từ thiện cùng các đoàn về tận vùng sâu, vùng xa.

Còn nhớ cách đây cũng đã khá lâu rồi, tôi tham gia chuyến từ thiện cùng các bạn trẻ trong một câu lạc bộ về huyện Kon Rẫy. Phần quà dành tặng cho người nghèo ngoài mì tôm, nước mắm, bột ngọt, dầu ăn, đường, sữa… còn có quần áo cũ. Với phần quà là những chiếc quần áo cũ, để tránh tặng những món đồ không còn dùng được, ban chủ nhiệm câu lạc bộ đã huy động lực lượng dành 2 buổi tối để phân loại, sắp xếp hàng ngàn chiếc quần áo cũ thật ngay ngắn vào những bịch ni lông trước khi mang đi tặng. Công việc đêm hôm tuy vất vả nhưng vì là công việc từ thiện nên các bạn trẻ ấy không ai than vãn mà ngược lại rất nhiệt tình và háo hức tham gia.

Chuẩn bị quà từ thiện để tặng cho người nghèo. Ảnh: TQ

 

Bên cạnh những hình ảnh đẹp ấy, thì thú thật, cũng có đôi lần tôi thật sự bị “sốc” khi chứng kiến các đoàn thể ở cơ sở khui những thùng cạc tông chứa đựng đầy quần áo cũ do các đoàn từ thiện trao tặng để chia cho người nghèo. Chiếc thùng quà rất to nhưng quần áo bên trong thì cũ mèm, có cái còn bị chuột gặm, đứt nút, đứt khuy, giãn thun… Thậm chí có những thùng đồ toàn là đồ lót nữ…

Nhiều người nhìn thấy cảnh này đều ngao ngán, lắc đầu. Nhưng rồi, vì là quà từ thiện nên mọi người cũng chẳng ai muốn bàn ra, nói vào.

Ở một góc độ nào đó có thể suy nghĩ, có lẽ vì quyên góp với số lượng quần, áo cũ nhiều nên cũng khó để các đoàn từ thiện kiểm tra, phân loại trước khi trao tặng quà cho người nghèo. Nhưng nghĩ đến công sức phải vận chuyển những thùng đồ vượt hàng trăm cây số mang về tận vùng sâu, vùng xa cho bà con nhưng chẳng dùng được thì chuyến từ thiện ấy thật là vô nghĩa…

Tôi nhớ lời của bà Năm chia sẻ: “Đã là quà tặng thì dù tặng quà gì và tặng cho ai, mình cũng phải dành hết sự trân quý cho người được tặng. Có như vậy món quà từ thiện ấy mới có ý nghĩa” .

TÚ QUYÊN

Chuyên mục khác