Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đồng bộ, hiệu quả

06/04/2024 06:16

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông là mục tiêu lớn, cũng là một trong những nền tảng để quản lý, phát huy hiệu quả tài nguyên đất đai phục vụ phát triển bền vững.

Hiện nay, tỉnh ta đang nỗ lực xây dựng, vận hành CSDL đất đai nhằm tạo môi trường công khai, minh bạch, giảm phiền hà, rút ngắn thời gian khi thực hiện thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.

Đây vừa là mục tiêu lớn, vừa là một trong những công cụ đắc lực để quản lý, phát huy hiệu quả tài nguyên đất đai phục vụ phát triển bền vững.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 2 đơn vị hành chính cấp huyện đã xây dựng CSDL đất đai, là huyện Đăk Tô (8 xã và thị trấn) và thành phố Kon Tum (15/21 xã, phường).

Tại 2 địa phương này (trừ 6 đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Kon Tum), thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được số hóa, làm sạch và được đưa vào quản lý, sử dụng, khai thác trên phần mềm Vilis 2.0 tại máy chủ cơ sở dữ liệu đất đai của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh.

Đầu tư nguồn lực để xây dựng CSDL đất đai còn hạn chế, chưa tương xứng so với yêu cầu, nhiệm vụ. Ảnh: T.H

 

Bên cạnh đó, Văn phòng Đăng ký đất đai phối hợp với Cục Chuyển đổi số và thông tin dữ liệu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và các đơn vị kỹ thuật triển khai kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu đất đai tại địa phương với Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia và Cơ sở dữ liệu về dân cư.

Nhìn nhận khách quan, chúng ta có những thuận lợi nhất định trong triển khai xây dựng, hoàn thiện và vận hành CSDL đất đai. Đó là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của tỉnh.

Một số địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của xây dựng, vận hành khai thác CSDL đất đai. Nhất là xác định đây là bộ công cụ cơ bản để phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, cũng như để giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai cho người dân và doanh nghiệp một cách minh bạch, nhanh nhất và tốt nhất.

Dù vậy, kết quả xây dựng và vận hành CSDL đất đai trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Nguyên nhân chính là do việc đầu tư nguồn lực để xây dựng CSDL đất đai còn hạn chế, chưa tương xứng so với yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Trong khi dữ liệu đất đai là dữ liệu lớn, phạm vi rộng, phức tạp, rất nhiều trường thông tin; biến động liên tục, đòi hỏi mức đầu tư lớn.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền mạng và đường truyền nội bộ chuyên dùng được trang bị tại Văn phòng Đăng ký đất đai đã lạc hậu so với công nghệ hiện đại, gây khó khăn cho việc vận hành, kết nối, chia sẻ với các hệ thống thông tin khác.

Ngay cả khi CSDL đất đai được triển khai ở huyện Đăk Tô và thành phố Kon Tum vẫn được quản lý độc lập trên 2 hệ thống máy chủ và chưa được tích hợp do không có phần mềm tích hợp nên gặp nhiều khó khăn trong vận hành.

Khó khăn lớn khi xây dựng CSDL đất đai là hồ sơ, tài liệu đất đai hình thành qua nhiều giai đoạn khác nhau, thông tin dữ liệu không thống nhất. Ảnh: TH

 

Về khách quan, hồ sơ, tài liệu đất đai hình thành qua nhiều giai đoạn khác nhau, thông tin dữ liệu không thống nhất; dữ liệu rất lớn, phức tạp, bao gồm cả dữ liệu đồ họa và dữ liệu thuộc tính với rất nhiều trường thông tin, có nhiều thông tin biến động, gây khó khăn cho công tác xây dựng CSDL.

Thực tế cho thấy, phát triển, vận hành CSDL đất đai đồng bộ, hiện đại, tập trung, và kết nối liên thông sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng lãng phí tài nguyên đất, giải quyết hiệu quả tranh chấp đất đai; nâng cao năng lực quản lý nhà nước cũng như tính minh bạch trong quản lý đất đai.

Tuy nhiên, đây là mục tiêu không hề dễ dàng. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, cần có sự đầu tư thỏa đáng để nâng cấp hạ tầng trang thiết bị, dịch vụ, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống đáp ứng phục vụ công tác chuyên môn.

Tổ chức quản lý dữ liệu địa chính trên nền tảng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo dữ liệu được cập nhật thường xuyên, có khả năng cung cấp nhanh chóng, chính xác thông tin đất đai cho cá nhân và tổ chức có nhu cầu, phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật CSDL địa chính.

Tiếp tục rà soát tái cấu trúc các quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ lĩnh vực đất đai cho phù hợp giữa hệ thống giải quyết thông tin thủ tục hành chính với hệ thống quản lý CSDL đất đai. Nâng cao công tác số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính để có thể kết nối và chia sẻ hiệu quả với CSDL dân cư.

Tiếp tục tổ chức tuyên truyền về lợi ích khi tham gia nộp hồ sơ trực tuyến đối với tất cả công dân khi tham gia nộp hồ sơ đất đai tại các trung tâm hành chính công trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong các khâu xử lý, luân chuyển hồ sơ để có thể giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính khi tiếp nhận và xử lý hồ sơ từ cổng dịch vụ công thiết yếu.  

Thành Hưng

Chuyên mục khác