Tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công

18/04/2025 06:01

Năm 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng đối với việc góp phần thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hiện nay.
Thi công công trình ở thành phố Kon Tum. Ảnh: VN

 

Xác định yêu cầu đặt ra trong giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh đã phân bổ toàn bộ kế hoạch trước ngày 31/12/2024, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư giải ngân kế hoạch ngay từ những tháng đầu năm. Bên cạnh đó, tích cực chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bằng việc tổ chức các cuộc họp, kiểm tra hiện trường thực tế; tổ chức họp Tổ công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án trên địa bàn; ban hành nhiều văn bản đôn đốc đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh, qua rà soát tình hình thực tế các nguồn thu của địa phương, tỉnh giao kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2025 là 3.956,954 tỷ đồng (ngân sách địa phương là 2.504,067 tỷ đồng và nguồn ngân sách trung ương là 1.452,887 tỷ đồng). Tính đến ngày 28/2/2025, toàn tỉnh giải ngân được khoảng 205 tỷ đồng, đạt khoảng 10% so với nguồn kế hoạch vốn đầu tư công địa phương giao (2.087,577 tỷ đồng) và đạt khoảng 8,4% so với kế hoạch vốn trung ương giao.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15 được Quốc hội ban hành ngày 29/11/2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025; trong đó có một số điều giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ chưa ban hành Nghị định quy định chi tiết nên một số nội dung chưa có hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện. Giá bồi thường về đất, vật kiến trúc, cây cối hoa màu thấp, người dân không đồng ý với phương án bồi thường được phê duyệt. Đối với các chương trình MTQG, nhiều nội dung trùng lặp giữa các chương trình; nhiều nội dung chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể (tiêu chí xác định thời gian chưa tự túc được lương thực; tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp); một số nội dung, đối tượng không thuộc đối tượng thụ hưởng (các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện); kinh phí sự nghiệp bố trí cho nhiều nội dung, hoạt động quá lớn, trong khi nhu cầu, đối tượng thực tế thấp (hỗ trợ bảo vệ rừng, trợ cấp gạo…) hoặc không có đối tượng hỗ trợ (chuyển đổi nghề; hỗ trợ đào tạo dự bị đại học, đại học; hỗ trợ cơ sở giáo dục nghề nghiệp…).

Đẩy mạnh thi công vỉa hè đường giao thông dọc sông Đăk Bla. Ảnh: VN

 

Trước những vấn đề đặt ra, để giải ngân cao nhất kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư: Quán triệt, thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và chính sách pháp luật hiện hành về giải ngân vốn kế hoạch năm 2025; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện nghiêm túc công tác giải ngân vốn và các chương trình MTQG; xác định rõ nhiệm vụ đẩy mạnh phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp, các ngành. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt mục tiêu từ 95% trở lên (theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), tạo động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Đồng thời, việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công phải gắn với bảo đảm chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.

UBND các huyện, thành phố phải quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án; tích cực tuyên truyền, vận động, đặc biệt là giải thích rõ các quy định pháp luật, về giá đất bồi thường và chính sách bồi thường, hỗ trợ để người dân thống nhất thực hiện. Chủ đầu tư phối hợp tốt hơn với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, căn cứ tình hình thực tế triển khai, giải ngân của từng dự án, chủ động rà soát, đề xuất điều chuyển vốn đối với các dự án triển khai chậm hoặc không có khả năng thực hiện để điều chuyển cho các dự án có nhu cầu bổ sung vốn; tổng hợp kết quả các chủ đầu tư không thực hiện tốt việc giải ngân kế hoạch vốn, kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét kiểm điểm các địa phương, đơn vị thiếu tinh thần trách nhiệm, năng lực quản lý dự án yếu, tỷ lệ giải ngân thấp do nguyên nhân chủ quan, làm cơ sở cho UBND tỉnh xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2025 đối với tập thể, người đứng đầu và các đơn vị có liên quan. Chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các chương trình MTQG, vướng mắc thu hồi đất, khan hiếm vật liệu (đá, đất đắp…).           

Văn Nhiên

Chuyên mục khác