Kon Plông: Đưa sản phẩm nông nghiệp vươn xa - Kì 3: Đưa sản phẩm vươn xa

18/04/2025 13:04

Cùng với xây dựng vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, hướng đến xây dựng các sản phẩm sạch, an toàn, huyện và các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất chủ động, linh hoạt với nhiều cách làm sáng tạo, đưa các sản phẩm vươn xa không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ra thế giới.

Huyện Kon Plông có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, sở hữu nhiều sản phẩm đặc sản nổi tiếng như: sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cà phê xứ lạnh, mật ong rừng, bún gạo lứt đỏ, sâm dây, chè dây rừng, tiêu rừng. Xác định được những lợi thế tiềm năng đó, cùng với xây dựng vùng sản xuất tập trung, xây dựng các sản phẩm sạch, hữu cơ, huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan, các xã, thị trấn tích cực triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm và coi đây là một giải pháp quan trọng trong việc thực hiện phát triển nông nghiệp. Cùng với đó, huyện chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản chủ lực, đẩy mạnh phát triển sản xuất sản phẩm dịch vụ hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm và các sản phẩm chủ lực để vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

Với sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, cũng như nỗ lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và các tổ chức, cá nhân, đến nay, Kon Plông đã phát triển được các sản phẩm đặc trưng và có 72 sản phẩm đặc trưng OCOP được công nhận (trong đó, có 67 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp huyện, 5 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh và 4 sản phẩm không tham gia đánh giá lại).

HTX Chè sạch Đông Trường Sơn sử dụng máy móc chế biến chè. Ảnh: VP

 

Là một điển hình trong xây dựng sản phẩm đặc trưng, chỉ sau 5 năm thành lập (thành lập năm 2020), HTX Chè sạch Đông Trường Sơn (xã Hiếu) đã xây dựng được mô hình liên kết hoạt động sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất, đến thu mua chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. “Đến nay, HTX có 19 thành viên và liên kết với 85 hộ dân trồng hơn 166ha cây chè, với các giống chè chủ lực như: PH8, ô long kim tuyên, hương bắc sơn, san tuyết. Những giống chè này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở huyện Kon Plông, cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng chè” - bà Nguyễn Thị Hằng, quản lý HTX cho biết.

Nhằm tạo vùng nguyên liệu sạch, an toàn, mang lại chất lượng cũng như giá trị kinh tế cao phục vụ xuất khẩu, ngay từ ngày đầu, HTX Chè sạch Đông Trường Sơn chú trọng hướng dẫn các thành viên và hộ dân liên kết canh tác theo hướng bền vững. HTX tổ chức tập huấn cho các thành viên và hộ dân liên kết về kỹ thuật canh tác hữu cơ, sử dụng biện pháp sinh học để kiểm soát sâu bệnh, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học; áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây chè.

Gia đình anh A Vững ở thôn Vi Choong, xã Hiếu là một trong những hộ gia đình tham gia liên kết trồng chè  với HTX và đến nay đã có được nguồn thu từ cây chè. Theo anh A Vững, trước đây, gia đình chủ yếu trồng mì nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Đến năm 2022, được sự hỗ trợ từ HTX Chè sạch Đông Trường Sơn, anh đã tiến hành cải tạo 3 sào đất và chuyển sang trồng chè. Đến nay, sau 3 năm chăm sóc, vườn chè phát triển tốt, bắt đầu cho hái bói.

“Đối với cây chè, trong 2 năm đầu tốn nhiều chi phí và công sức chăm sóc để cây phát triển tốt, nhanh tạo tán, còn từ năm thứ 3 trở đi chủ yếu bón phân và thu hoạch. Năm đầu tiên, chỉ mới hái bói vườn chè, nhưng gia đình tôi đã thu về hơn 10 triệu đồng, những năm tới cây tạo tán rộng, cho sản lượng cao sẽ mang lại thu nhập ổn định hơn. So với việc trồng mì, tôi thấy trồng chè mang lại hiệu quả kinh tế hơn, vì nếu chăm sóc tốt, cây chè có thể thu hoạch trong 50 năm và càng nhiều năm tuổi cây chè cho sản lượng càng cao” - anh Vững phấn khởi.

Bà Nguyễn Thị Hằng- quản lý HTX Chè sạch Đông Trường Sơn cho biết:  Được sự hỗ trợ, định hướng của huyện, HTX chú trọng khâu lựa chọn nguồn nguyên liệu đầu vào và xây dựng sản phẩm theo tiêu chí sạch, an toàn, chất lượng nên qua phân hạng, đánh giá đã có một số sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao như: Chè thật; Chè A Hội xã Hiếu; Chè sạch Măng Đen; Chè sạch Đông Trường Sơn; Trà thảo mộc xã Hiếu. Sự ghi nhận đã tạo động lực cho HTX tiếp tục cố gắng nâng hạng sản phẩm và xây dựng thêm các sản phẩm khác đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm chè sản xuất tại đây đã xuất khẩu ra thị trường thế giới với hơn 10 tấn và được đánh giá cao về chất lượng. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục liên kết với người dân mở rộng diện tích và nghiên cứu các sản phẩm mới mang tính đặc trưng để xuất khẩu.

Sản phẩm của huyện được trưng bày, giới thiệu tại chợ phiên của huyện tổ chức hàng tuần tại trung tâm thị trấn Măng Đen. Ảnh: VP

 

Để hỗ trợ cho sản phẩm vươn xa, huyện Kon Plông đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh như trang thông tin du lịch của huyện, của tỉnh; qua hội chợ, chợ phiên Măng Đen, đối thoại với doanh nghiệp; qua hệ thống các siêu thị, hệ thống cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh, bán theo đơn đặt hàng cho các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, khách du lịch, liên kết với một số doanh nghiệp sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với bao tiêu sản phẩm.

Theo ông Đặng Quang Hà- Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, với sự quan tâm, hỗ trợ hết sức kịp thời của huyện và sự nỗ lực của các chủ thể, các sản phẩm OCOP của Kon Plông như: sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bí Nhật, bắp sú, cà chua bi, dâu tây, cà phê xứ lạnh Măng Đen, bột sâm đương quy, mật ong lên men, nước trái cây lên men, bột sâm dây lên men không chỉ phát triển mạnh trong tỉnh mà còn vươn ra thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Gia Lai. Đặc biệt, các sản phẩm của HTX Chè sạch Đông Trường Sơn là những sản phẩm đầu tiên của Kon Plông được xuất khẩu ra thị trường thế giới, mở ra hướng phát triển đầy tiềm năng.         

Văn Phương

Chuyên mục khác