Nông sản tăng giá- mừng và lo

08/04/2024 06:20

Thời gian qua, giá cả nhiều mặt hàng nông sản tăng cao, góp phần làm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, mang lại niềm vui cho người sản xuất. Nhưng chính điều này cũng đặt ra không ít nỗi lo về việc mở rộng diện tích sản xuất một số loại cây trồng một cách tự phát, thiếu bền vững và xảy ra hiện tượng tranh mua- tranh bán, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, đời sống của người dân.

Sau nhiều năm duy trì ở mức thấp, từ năm 2023 đến nay, giá cà phê không ngừng tăng. Từ đầu niên vụ tới nay, giá cà phê tăng khoảng 40.000 đồng/kg cà phê nhân, hiện tại đang ở ngưỡng khoảng 98.000 đồng/kg. Đây có thể nói là mức giá “trong mơ” đối với người trồng cà phê.

Mặc dù thời điểm này, hầu hết người trồng cà phê đã bán hết hàng, nhưng việc giá cả lên cao tạo động lực cho người nông dân gắn bó, đầu tư chăm sóc loại cây trồng này để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua đó, mở ra những hy vọng về tương lai tươi sáng của mặt hàng nông sản này.

Cùng với giá cà phê, giá sầu riêng cũng tăng cao, giúp nhiều gia đình có thêm nguồn thu nhập, thậm chí có những hợp tác xã, hộ nông dân đổi đời nhờ loại cây này.

Giá sầu riêng tăng cao mang lại nhiều niềm vui cho người trồng, nhưng cần thận trọng khi mở rộng diện tích. Ảnh: T.H

 

Bên cạnh những loại cây dài ngày, thời gian gần đây, một số mặt hàng nông sản ngắn ngày như lúa gạo, chanh dây, mì cũng có giá bán tăng hơn những năm trước. Nhờ đó, người nông dân đạt được lợi nhuận cao hơn và yên tâm đầu tư sản xuất thâm canh.

Lẽ tất nhiên, giá cả hàng hóa nông sản tăng mang lại nhiều niềm vui cho người sản xuất, song sự tăng “nóng” này cũng kéo theo nhiều nỗi lo.

Đó là việc người dân chạy theo thị trường, đổ xô đi trồng các loại cây đang có giá trị kinh tế cao, dẫn đến phá vỡ quy hoạch, để rồi khi cung vượt quá cầu, giá cả xuống thấp lại rơi vào vào vòng luẩn quẩn “trồng- chặt”, “chặt- trồng”.

Thực tế này đã từng diễn ra với một số loại cây trồng như bơ, mít Thái... Có một thời gian, giá các loại trái cây này tăng cao, một số gia đình đã phá cà phê để chuyển sang trồng bơ, mít. Nhưng sau đó, giá cả của những loại cây trồng này lại tụt xuống thấp khiến người trồng chán nản. Vài năm trở lại đây, giá sầu riêng lên cao, nhiều người lại phá bỏ cây bơ, mít Thái để trồng sầu riêng.

Ngành Nông nghiệp và các ngành chức năng đang tỏ ra lo lắng trước việc người dân đổ xô trồng sầu riêng dẫn đến việc diện tích bị mở rộng một cách thiếu kiểm soát và trong tương lai sản lượng sầu riêng sẽ tăng cao, dễ dẫn đến “cung vượt cầu”. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy quy mô lớn chế biến sản phẩm sầu riêng, mà hầu hết sản phẩm là do thương lái thu mua tươi. Thế nên,  nếu người dân tự phát mở rộng diện tích trồng cây sầu riêng sẽ dẫn đến nguy cơ gặp rủi ro về thị trường đầu ra cho sản phẩm sầu riêng.

Và, khi nông dân luôn tổ chức sản xuất các loại cây trồng theo kiểu “phong trào”, chạy theo biến động của giá cả thị trường, mà chưa có sự tìm hiểu một cách toàn diện, kỹ lưỡng, trước khi chuyển đổi sản xuất từ loại cây trồng này, sang loại cây trồng khác, thì câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa” luôn tiếp diễn, khó có hồi kết.

Giá cà phê tăng cao giúp người dân có thêm thu nhập. Ảnh: TH

 

Bên cạnh đó, một số hộ nông dân còn tổ chức đầu tư sản xuất, chăm sóc cây trồng một cách tùy tiện với “tư duy ăn xổi”. Khi thấy hàng hóa nông sản được giá thì họ lại sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật một cách “vô tội vạ”, không tuân thủ theo hướng dẫn của ngành chức năng, nhằm mục đích gia tăng năng suất, sản lượng, nhưng không hề quan tâm đến vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, tình trạng tranh thủ thời cơ giá cao thu hái quả xanh, không đảm bảo tiêu chuẩn để bán ra nằm thu lợi nhiều hơn. Mặt khác, thời gian qua, hiện tượng tranh mua, tranh bán, phá vỡ hợp đồng cũng diễn ra phổ biến khi các mặt hàng nông sản có giá cao. Những điều này vô hình trung làm ảnh hưởng uy tín, thương hiệu nông sản, làm mất lòng tin của đối tác, người tiêu dùng.

Nông sản nói chung, đặc biệt là cà phê, sầu riêng là những mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị. Việc giá cả các mặt hàng nông sản này lên cao là tín hiệu tốt cho người sản xuất và sự phát triển của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng khuyến cáo nông dân cần hết sức tỉnh táo trước khi đưa ra quyết định chuyển đổi cây trồng, mở rộng diện tích một số loại cây trồng nhằm tránh việc “chạy theo” giá thị trường, phá vỡ quy hoạch. Bởi, điều này sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nông dân.

Do đó, thay vì thi nhau mở rộng diện tích một số loại cây trồng khi giá cả thị trường tăng cao, người dân nên chú trọng đầu tư canh tác theo hướng an toàn, hữu cơ để tạo ra những sản phẩm sạch, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, cho lợi nhuận cao hơn. Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất nhằm đảm bảo sự ổn định, giảm thiểu rủi ro khi có biến động về giá cả.      

Thiên Hương

Chuyên mục khác