Đăk Hà chú trọng xây dựng mã số vùng trồng

07/04/2024 13:09

Thời gian qua, các tổ chức, cá nhân trồng và kinh doanh cây ăn quả trên địa bàn huyện Đăk Hà chú trọng thực hiện việc xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Việc làm này góp phần nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường nước ngoài; đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất an toàn, chất lượng và bền vững.

Mã số vùng trồng được thiết lập để giám sát vùng trồng nông sản nhằm mục đích phục vụ xuất khẩu theo quy định của nước nhập khẩu. Theo đó, sản phẩm nông nghiệp phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đảm bảo an toàn và không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Tại HTX Bắc Tây Nguyên Farm (xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà), việc xây dựng mã số vùng trồng chuối xuất khẩu với diện tích khoảng 20ha đã giúp sản phẩm chuối tiêu hồng của các thành viên hợp tác xã có đầu ra ổn định.

HTX Bắc Tây Nguyên Farm xuất khẩu chuối tiêu hồng qua thị trường Trung Quốc, Malaysia. Ảnh: T.L

 

Ông Đặng Viết Tuấn- thành viên HTX Bắc Tây Nguyên Farm chia sẻ: Gia đình tôi có 5ha chuối tiêu hồng ở thôn 11, xã Đăk Hring. Sau khi HTX triển khai xây dựng mã số vùng trồng chuối xuất khẩu, sản phẩm chuối của gia đình tôi được tạo mọi điều kiện thuận lợi để xuất sang các thị trường Trung Quốc và Malaysia, mang lại lợi nhuận từ 50-60 triệu đồng/1ha. Hiện nay, tôi và các thành viên HTX đang tích cực thực hiện các biện pháp canh tác tiên tiến, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp tiêu chuẩn của các thị trường lớn để mở rộng thị trường xuất khẩu, từng bước tăng thêm thu nhập.

Huyện Đăk Hà hiện có 1 mã số cơ sở đóng gói chanh dây xuất khẩu và hàng trăm héc ta cây ăn quả như sầu riêng, mít, chanh dây được cấp mã số vùng trồng.

Đáng chú ý, một số hộ gia đình trên địa bàn huyện Đăk Hà đã chủ động xây dựng mã số vùng trồng, hướng đến mục tiêu đưa nông sản ra thị trường nước ngoài. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Văn Thanh ở thôn Tân Lập A, xã Đăk Hring. Đến nay, gia đình ông Thanh đã được cấp mã số vùng trồng sầu riêng với quy mô 13,5ha, mã số vùng trồng mắc ca với 10,5ha.

Vườn sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Văn Thanh, ở thôn Tân Lập A, xã Đăk Hring đã được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: TH

 

Ông Nguyễn Văn Thanh tâm sự: Trong quá trình xây dựng mã số vùng trồng, gia đình tôi được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà và chính quyền địa phương hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục, quy trình chăm sóc cây trồng theo hướng an toàn để đáp ứng các yêu cầu được cấp mã số vùng trồng. Việc cấp mã số vùng trồng giúp gia đình tôi yên tâm hơn trong khâu tìm kiếm đầu ra của sản phẩm.

Ông Ngô Hồng Hưng- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà chia sẻ: Việc xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở chế biến đã góp phần hạn chế được tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản kiểm soát tốt hơn vùng nguyên liệu thông qua mã số vùng trồng và nhật ký canh tác của người nông dân. Một số thị trường nhập khẩu nông sản như Trung Quốc, Châu Âu có thể sang Việt Nam dễ dàng kiểm tra tình hình sản xuất và công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm tại các vùng trồng.

“Trong thời gian đến, Phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, người dân có diện tích canh tác đủ điều kiện cấp mã vùng trồng làm hồ sơ để được xem xét, cấp mã vùng trồng; áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp theo chuẩn trong nước và quốc tế như VietGAP, GlobalGAP để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh sản lượng nông sản xuất khẩu, góp phần tăng dần giá trị kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện Đăk Hà”- ông Ngô Hồng Hưng cho biết thêm.       

Tấn Lộc

Chuyên mục khác