Quy trình tạm thời kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh

08/09/2017 13:15

​Nhằm bảo tồn và phát triển loại sâm quý Ngọc Linh, ngày 10/7, UBND tỉnh ban hành Quyết định 648/QĐ-UBND quy trình tạm thời kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum, áp dụng cho các vùng trồng sâm Ngọc Linh theo quy hoạch trên địa bàn.

Điều kiện sinh thái trồng sâm Ngọc Linh: Độ cao thích nghi tốt nhất của cây sâm Ngọc Linh từ 1.500 - 2.000m. Tổng nhiệt độ năm từ 6.500 - 7.0000C.  Nhiệt độ bình quân năm trong khu vực 130C, nhiệt độ cao nhất 200C, nhiệt độ thấp nhất 50C. Lượng mưa năm từ 2.500 - 3.000mm. Độ ẩm trung bình năm từ 85% - 90%, dư ẩm về mùa mưa, đủ ẩm về mùa khô. Tổng số giờ nắng từ 1200 - 1400 giờ trong 1 năm. Chọn đất dưới tán rừng, độ dốc thấp (≤ 15 - 200)  có khả năng thoát nước tốt, lớp mùn hữu cơ dày từ 20 - 30 cm, độ tàn che của rừng từ 70 - 90%.

Tiêu chuẩn cây giống sâm Ngọc Linh xuất vườn: Nguồn gốc hạt giống: Hạt giống trên vườn cây mẹ tại Trung tâm Sâm Ngọc Linh thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum và đã được công nhận nguồn giống theo quy định. Tuổi cây đạt 12 tháng tuổi; hình thái cây có 01 lá kép, lá có màu xanh đến xanh đậm; chiều cao thân khí sinh trung bình từ 10cm trở lên. Đường kính củ từ 5mm trở lên; có từ  2- 3 rễ chính trở lên. Không có dấu hiệu sâu bệnh trên lá, thân, rễ, củ.

Thu hái hạt giống: Vườn cây thu hái hạt giống phải có độ tuổi từ 4 năm trở lên. Thời điểm thu hái hạt giống: Thu hái vào tháng 7 đến tháng 9 hằng năm, trên vườn cây đã được chứng nhận nguồn giống theo qui định, có tuổi cây đạt từ 4 năm tuổi trở lên, hái đối với những quả đã chín có màu đỏ tươi, có chấm đen trên đầu, vỏ quả sáng bóng, hạt mẩy.

Xử lý hạt giống: Hạt giống thu hái về được rải mỏng trên nia có lót lớp giấy mỏng, treo ở nơi thoáng mát trong thời gian từ 3 đến 4 ngày để hạt khô ráo.

 Khi phần thịt quả đã chuyển sang mọng nước, dùng tay chà sát hạt trên rổ nhựa hoặc tre nứa để loại bỏ phần thịt quả và thu phần nhân hạt. Phần nhân hạt thu được rải mỏng trên nia có lót lớp giấy mỏng nia khoảng 2 đến 3 ngày là gieo ươm.

Theo kinh nghiệm, hạt sau khi được loại bỏ phần thịt có thể ngâm trong dung dịch nước tỏi 10 - 15% (1,0 - 1,5kg tỏi giã nhỏ ngâm với 10 lít nước, lọc lấy nước) trong khoảng 30 - 45 phút để ngừa một số nấm bệnh và tăng sức đề kháng cho cây con, sau đó đem gieo.

Chuẩn bị đất gieo hạt: Luống gieo giống bằng phẳng, được phủ lên mặt luống một lớp mùn hữu cơ được phân hủy từ tàn dư thực vật trên núi dày 7 - 10cm, được xử lý nguồn bệnh, kiến mối; luống gieo giống thoát nước tốt, bố trí dưới tán rừng có độ tàn che của rừng từ 80% trở lên. Mặt luống cong hình mu rùa, rộng 0,8 - 1,0m, cao 20 - 30cm, chiều dài luống tùy theo địa hình núi, nhưng không quá 10 m, thiết kế theo đường đồng mức để hạn chế xói mòn. Có thể làm vòm che luống màng phủ ni lông trắng hay lưới trắng để hạn chế mưa, nhiệt độ thấp và được kè bốn mặt luống.

Gieo giống: Thời vụ gieo từ tháng 7 đến hết tháng 9 hàng năm, tiến hành cùng với thu hái hạt giống. Rạch hàng sâu 2 - 3cm, hàng cách hàng 5 - 7cm, hạt cách hạt trên hàng 3 - 5cm. Gieo xong dùng chổi xương quét một lượt để cho mùn lấp hạt, sau đó phủ một lớp lá cây rừng hoặc cỏ tranh trên mặt luống để giữ ẩm, giữ ấm cho hạt.  Rải xung quanh luống thuốc kiến để phòng trừ kiến tha hạt đã gieo.

Chăm sóc: Làm giàn che bằng lưới đen toàn bộ diện tích vườn ươm để tránh ánh nắng và hạn chế được mưa đá và sương muối. Xung quanh vườn ươm dùng ni lông trắng, khổ 1,2m rào kín để tránh chim, chuột… (trong diện tích vườn ươm có thể chia thành từng ô nhỏ để rào nhằm thuận lợi cho việc bắt chuột phá hoại cây giống).

Tưới nước: Mùa mưa tưới nhẹ một lần vào lúc 7h sáng để rửa sương; Mùa khô tưới 2 lần, một lần vào lúc 7h sáng và lúc 3 – 4h chiều. Tưới đủ ẩm, không nên tưới đậm. Có thể lắp đặt hệ thống tưới nước bằng phun sương cho toàn bộ diện tích vườn ươm. Kiểm tra thoát nước kịp thời khi mưa lớn gây ngập úng.

Làm cỏ: Nhổ bằng thủ công toàn bộ cỏ dại và cây rừng trên toàn bộ mặt luống sâm và lối đi theo các đợt: Đợt 1 từ tháng 10 đến tháng 11; đợt 2 từ tháng 1 đến tháng 2 năm sau; đợt 3 từ tháng 5 năm sau.

Thu gom dần một phần lớp phủ trên mặt luống 5-10% hạt nẩy mầm.

Bảo vệ: Hạt và cây con mới mọc là nguồn thức ăn cho kiến, chim, chuột,… mặt khác điều kiện khí hậu ở vùng trồng sâm Ngọc Linh thường xuyên có mưa đá, sương muối, nên trong suốt thời gian gieo ươm từ tháng 7 đến tháng 7 năm sau phải tổ chức lực lượng bảo vệ tại vườn ươm 24/24 để phát hiện xử lý kịp thời. Có thể dùng màng ni lông căng cao 35 - 40 cm quanh luống hoặc quanh vườn để ngăn chuột, dúi,… cắn phá cây con.

Thường xuyên theo dõi diễn biến sâu bệnh hại và kết quả phòng trừ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật các huyện để phát hiện xử lý kịp thời.

Kỹ thuật thu hoạch: Tuổi cây thu hoạch đạt từ 6 năm tuổi trở lên để đảm bảo hàm lượng Saponil. Thu hoạch vào tháng 10 đến tháng 11 khi cây chuyển sang giai đoạn ngủ đông.

Kỹ thuật thu hoạch: Cắt lá để riêng, moi nhẹ đất xung quanh củ tránh gẫy củ và đứt rễ, sau đó đào củ, rũ nhẹ đất, xếp vào dụng cụ đựng tránh bị xây sát củ.

Sơ chế, bảo quản: Rửa sạch, cắt hết rễ phụ và đem phơi hoặc sấy khô. Củ khô được bảo quản trong túi chống ẩm và để nơi khô ráo.

Dương Nương

Chuyên mục khác