Hỗ trợ hội viên phụ nữ DTTS trồng sâm dây

15/01/2022 13:02

Trong 2 năm (2020-2021), thông qua nguồn ngân sách nhà nước, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình trồng sâm dây hữu cơ với sự tham gia của 40 hội viên phụ nữ DTTS ở xã Đăk Plô (huyện Đăk Glei) với diện tích 2ha.

Mô hình trồng sâm dây hữu cơ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhằm giúp các hội viên, phụ nữ biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nắm bắt thị trường tiêu thụ, phát triển và nhân rộng diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn để có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.

Tham gia mô hình, hội viên phụ nữ được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, 100% cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để trồng sâm dây theo hướng hữu cơ trên diện tích 500m2.

Trong thời gian triển khai mô hình, các hội viên phụ nữ được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn ngoài thực địa cách trồng, chăm sóc theo quy trình, từ khâu xử lý thực bì, lên luống, bố trí mật độ; cách bón phân, cách sử dụng các chế phẩm chứa nấm đối kháng Tricodecmar để ủ phân hữu cơ, các phụ phẩm nông nghiệp để bón cho cây; cách thu hoạch tỉa dần trong năm trồng đầu tiên và cách chọn, duy trì giống trồng lại để nhân rộng cho các vụ sau.

Hội viên phụ nữ thôn Bung Tôn, xã Đăk Plô thu hoạch sâm dây. Ảnh: Đ.T

 

Để mô hình đạt hiệu quả, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, hàng tuần, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh đều tổ chức thăm vườn, kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc các hội viên phụ nữ chăm sóc sâm dây theo đúng từng thời kỳ sinh trưởng.

Trong năm 2020, mô hình trồng sâm dây hữu cơ triển khai trên quy mô tổng diện tích 1ha với sự tham gia của 20 hội viên phụ nữ ở các thôn Bung Koong, Bung Tôn, Pêng Lang và Đăk Book. Nhờ sự quan tâm phối hợp của chính quyền địa phương, Hội Liên hiệp phụ nữ xã và bản thân các hội viên phụ nữ, mô hình đã đạt được kết quả cao với tỉ lệ sống của vườn sâm dây đạt trên 97%, cây sinh trưởng phát triển tốt, lần thu hoạch tỉa vào tháng 3/2021 cho tổng sản lượng khoảng 400kg, bán ra thị trường thu về được số tiền hơn 40 triệu đồng. Hiện tại, diện tích trồng 1ha sâm dây hữu cơ này chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch chính, theo tính toán sơ bộ, sau khi các hội viên phụ nữ thu hoạch xong sẽ cho sản lượng khoảng 25-30 tạ củ tươi và bán ra thị thường theo giá 100.000 đồng/kg.

Năm 2021, mô hình trồng sâm dây hữu cơ mở rộng quy mô diện tích thêm 1ha với sự tham gia của 20 hội viên phụ nữ DTTS khác ở 4 thôn Bung Koong, Bung Tôn, Pêng Lang và Đăk Book. Theo đánh giá của các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hầu hết các hội viên phụ nữ tham gia mô hình đều thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn. Xuống giống từ tháng 7/2021, đến nay, toàn bộ diện tích trồng sâm dây đều sinh trưởng tốt, tỷ lệ hình thành vườn đạt 100%, chưa xuất hiện sâu bệnh hại. 

Sau 2 năm triển khai, mô hình trồng sâm dây hữu cơ đã mang lại những kết quả bước đầu tích cực, giúp nhiều hội viên phụ nữ DTTS ở xã Đăk Plô thay đổi nhận thức trong lao động sản xuất, biết kỹ thuật thâm canh, khai thác các điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương để trồng sâm dây hiệu quả.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trồng sâm dây theo hướng hữu cơ, bà con lưu ý, thời điểm trồng cây tốt nhất từ tháng 5 đến tháng 7 dương lịch hàng năm, trong đó, khâu làm đất là một trong những yếu tố quan trọng quyết định quá trình sinh trưởng và năng suất của cây.

Đất trồng phải cao ráo, tơi xốp, thoát nước nhanh, nhiều mùn, giàu chất dinh dưỡng. Đất cần được cày bừa kỹ hoặc cuốc, đập nhỏ, dọn sạch, phơi ải rồi đánh thành luống to nhỏ tùy theo thửa đất. Luống trồng cao 30cm, mặt luống rộng từ 60-90cm, khoảng cách các luống từ 30-40cm. Chú ý khơi rãnh và đảm bảo độ dốc để tiện thoát nước vào các tháng có mưa to.

Sau khi trồng được gần 8 tháng (vào khoảng tháng 2-3 dương lịch năm sau), dây sâm sẽ bị khô héo và lụi dần hay còn gọi là “thời gian ngủ” của cây. Trong thời gian này, bà con sẽ không thấy được gốc cây nên không làm cỏ hoặc cuốc, xới để tránh làm tổn thương cho củ sâm. Nếu làm cỏ, chỉ có thể dùng tay nhổ và xới nhẹ trên mặt luống.

Bên cạnh đó, cần chú ý đến sự sinh trưởng và phát triển của cây vì qua “thời gian ngủ” dưới thời tiết khô hạn đến lúc gặp trời mưa và độ ẩm cao, cây sẽ dễ bị bệnh thối nhũn hoặc lở cổ rễ. Cần có biện pháp xử lý kịp thời bằng cách li hoặc phun thuốc chế phẩm sinh học cho cây.

Sản phẩm chính của sâm dây là củ nên sau 3 năm trồng mới thu hoạch sẽ cho giá trị về mặt dược liệu và giá trị thương phẩm cao. Trong thời gian thu hoạch nên hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Không để gia súc, gia cầm vào vườn sâm, bởi bất kỳ tác động nào làm gây hại đến chồi và dây sâm sẽ làm giảm năng suất thu hoạch.

Đức Thành

Chuyên mục khác