Hỗ trợ người dân phòng chống đói, rét cho gia súc

10/12/2021 13:01

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với UBND các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei triển khai thực hiện mô hình mẫu về “Phòng chống đói, rét cho trâu, bò” với sự tham gia của 35 hộ dân.

Những năm gần đây, trên địa bàn các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei có 617 con trâu, bò bị chết do đói, rét, gây thiệt hại về kinh tế hơn 17,2 tỷ đồng.

Nguyên nhân do đồng bào DTTS có tập quán chăn nuôi thả rông gia súc, không có chuồng trại hoặc chuồng trại không đảm bảo, chưa chuẩn bị được thức ăn, khẩu phần dinh dưỡng theo từng giai đoạn sinh trưởng cho gia súc, chưa chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc vào mùa mưa rét. Ngoài ra, chăn nuôi thả rông gia súc cũng dẫn đến tình trạng giao phối cận huyết, thoái hóa giống gia súc và ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cũng như khó khăn cho công tác phòng, chống khi có dịch bệnh xảy ra.

Để người dân thay đổi tập quán trong chăn nuôi, biết cách xây dựng chuồng trại và nắm được các giải pháp phòng chống đói, rét cho gia súc, từ đó nâng cao hiệu quả chăn nuôi và góp phần bảo vệ môi trường, từ nguồn ngân sách nhà nước, mùa đông xuân năm 2021-2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện mô hình mẫu về “Phòng chống đói, rét cho trâu, bò” cho 13 hộ dân ở xã Hiếu, Măng Bút (huyện Kon Plông), 16 hộ dân ở xã Văn Xuôi, Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông) và 6 hộ dân ở xã Đăk Plô (huyện Đăk Glei) với tổng số lượng trâu, bò chăm sóc trên 140 con.

Hỗ trợ quây kín chuồng bằng bạt nhựa cho người dân. Ảnh: Đ.T

 

Tham gia mô hình, các hộ dân được tập huấn, hướng dẫn các giải pháp tổng hợp phòng, chống đói, rét cho trâu, bò; hỗ trợ giống cỏ Va06, phân bón, thức ăn tinh (cám gạo, bột ngô), thuốc thú y, vắc xin, hóa chất khử trùng tiêu độc, tấm lợp tôn, bạt nhựa che chắn chuồng trại.

Đến nay, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hoàn thành công tác tập huấn hướng dẫn các giải pháp tổng hợp phòng, chống đói, rét cho trâu, bò và gia cố, che chắn chuồng trại cho các hộ dân. Trung tâm Khuyến nông tỉnh hiện đang phối hợp với các đơn vị cung ứng cây giống, vật tư nông nghiệp và địa phương để tiến hành hỗ trợ cho các hộ dân theo danh mục, định mức quy định của mô hình.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, để phòng, chống đói, rét cho trâu, bò, bà con lưu ý, trước khi mùa mưa rét đến cần kiểm tra, gia cố lại chuồng trại. Dùng tôn, broximăng, lá cây để lợp mái hoặc bạt nhựa, ván gỗ để quây xung quanh. Tường chuồng nên mở hướng Đông -Nam và che hướng Tây-Bắc để chắn gió lạnh. Đảm bảo phần mái và tường bao của chuồng chắc chắn, nền chuồng cao và khô ráo, chuồng đủ ấm, không bị gió lùa và mưa hắt. Đồng thời, dự phòng quần áo, chăn màn cũ để giữ ấm cho trâu, bò khi mưa rét xảy ra.

Tận dụng triệt để nguồn phụ phẩm nông nghiệp để chế biến thức ăn, đặc biệt là rơm, thân, lá cây bắp sau thu hoạch. Bố trí đất trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn thô xanh. Khuyến khích trồng cỏ Va06 vì đây là giống cỏ phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng, dễ sống và phát triển nhanh.

Tập huấn, hướng dẫn người dân huyện Kon Plông trồng cỏ Va06. Ảnh: ĐT

 

Vào mùa mưa rét, cây cỏ kém phát triển, do vậy, phải có kế hoạch ủ chua dự trữ thức ăn (khối lượng bình quân 1 tấn trở lên/con) hoặc trồng thêm bắp sinh khối, chuối tây, chuối hạt, chuối rừng, để bổ sung thức ăn thô xanh cho trâu, bò.

Ngoài ra, cần chủ động dự trữ cả thức ăn tinh, như cám gạo, bột bắp, bột mì, thức ăn hỗn hợp công nghiệp, để bổ sung vào khẩu phần ăn cho trâu, bò, nhất là trong những ngày mưa rét thiếu thức ăn thô xanh.

Bên cạnh đó, phải đưa trâu, bò từ rừng về nuôi nhốt trong chuồng trại để quản lý, chăm sóc. Thực hiện chế độ nuôi dưỡng hợp lí và đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng cho trâu, bò. Nhất là trâu, bò già yếu và bê, nghé để tăng sức đề kháng trước dịch bệnh và mưa rét.

Khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C, sử dụng bóng điện sưởi hoặc đốt lửa trong chuồng trại, kết hợp quấn quần áo, chăn màn cũ (phủ kín từ thân đến hết đuôi) để chống rét cho trâu, bò.

Thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại. Định kỳ phun thuốc khử trùng (hanlodine, iodine 10%, benkocid) từ 2-3 lần/tuần. Tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm như tụ huyết trùng (1 lần/năm), lở mồm long móng (2 lần/năm).

Những ngày rét đậm, rét hại, trâu, bò thường bị bệnh cước chân, biểu hiện chân bị sưng phù, nứt nẻ và có hiện tượng bị xung huyết. Do vậy, cần theo dõi, điều trị kịp thời để tránh hoại tử chân cho con vật và phát các bệnh truyền nhiễm khác.    

Đức Thành

Chuyên mục khác