Nâng cao thu nhập từ mô hình nuôi vỗ béo bò

24/05/2017 17:57

​Thông qua việc thực hiện mô hình kỹ thuật vỗ béo bò, đàn bò được vỗ béo phát triển nhanh, giúp nhiều hộ gia đình ở xã Kroong (thành phố Kon Tum) tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống.

Kroong là xã đất chật, người đông bởi một bộ phận đất canh tác ngập lòng hồ thủy điện Plei Krông và Ya Ly. Để kiếm thêm thu nhập, nhiều hộ dân ở đây thực hiện mô hình vỗ béo bò. Tuy nhiên, trước đây bà con tự vỗ béo theo kinh nghiệm, người này học hỏi người kia mà chưa có một quy trình ưu việt.

Thấy được điều này và chia sẻ với người dân, năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình vỗ béo bò cho 35 hộ dân ở thôn Trung Nghĩa Đông, Trung Nghĩa Tây và thôn 2. Các hộ dân tham gia mô hình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ 50% thức ăn tinh (bột cám tổng hợp) và thuốc thú tẩy ngoại ký sinh trùng (ve, rận, bọ chét…), ngoại ký sinh trùng (giun sán…) cho bò.

Đến xem đàn bò của các hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình, chúng tôi được biết mặc dù từ khi được hỗ trợ vỗ béo đến nay chưa đầy 1 tháng, nhưng đàn bò của các hộ gia đình đều béo tốt. Ông Trần Văn Dũng cho biết, gia đình ông có 4 con bò tham gia thực hiện mô hình. Đợt I, ông nhận được 2,6 tạ cám tổng hợp, cùng thuốc tẩy nội, ngoại ký sinh trùng. Cùng với nguồn thức ăn bổ sung thêm của gia đình theo đúng quy trình chăm sóc, đàn bò mướt lông, mập nhanh hơn nhiều so với trước.

“4 con bò gia đình mua về vỗ béo trị giá 50 triệu đồng, bây giờ nếu bán được khoảng 60 triệu đồng. Tính ra, trừ 50% chi phí thức ăn, gia đình lãi khoảng 5 triệu đồng” - ông Dũng quả quyết.

Ông Dũng mãn nguyện: Trước đây khi tự vỗ béo bò bằng bột mì, bột bắp, phải mất từ 6 tháng đến 1 năm gia đình mới xuất bán bò. Còn bây giờ vỗ béo bò bằng bột cám tổng hợp, chỉ cần từ 2-3 tháng là xuất bán bò được rồi.

Bò đang vỗ béo của ông Trần Văn Dũng. Ảnh: V.N

Cũng ở thôn Trung Nghĩa Đông, tôi gặp ông Đỗ Văn Ảnh tham gia thực hiện mô hình. Phấn chấn trước việc đàn bò được vỗ béo phát triển nhanh, ông Ảnh vui vẻ kể: Gia đình tôi được Trung tâm hỗ trợ vỗ béo 5 con bò. Đây là lần đầu tiên trong đời, gia đình tôi học được kỹ thuật vỗ béo và chăm sóc bò bài bản theo định mức thể trọng của bò bằng cám tổng hợp. Đàn bò được vỗ béo theo quy trình kỹ thuật phát triển nhanh hơn nhiều so với kinh nghiệm vỗ béo của gia đình trước đây.

“Nếu trước đây việc vỗ béo bò bằng kinh nghiệm thông qua thức ăn tinh (bột cám, bột bắp…) gia đình tự sản xuất, thì bình quân mỗi tháng 1 con bò cho lãi khoảng 1 triệu đồng. Còn hiện nay, việc vỗ béo bò bằng kỹ thuật do Trung tâm chuyển giao cùng với thức ăn bột cám tổng hợp đủ chất dinh dưỡng, bò phát triển nhanh hơn, nếu bán bình quân mỗi tháng 1 con lãi khoảng 1,3 triệu đồng”- ông Ảnh tính toán và khẳng định.

Theo bà Phạm Thị Hồng Loan - cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nếu thời gian vỗ béo bò là 2 tháng, bò có trọng lượng từ hơn 200-250kg, bà con cần cho lượng thức ăn tinh bằng trọng lượng cơ thể bò cộng với 70kg thức ăn tinh; bò có trọng lượng lớn hơn 250-300kg thì thức ăn tinh bằng trọng lượng cơ thể bò cộng thêm với 90kg thức ăn tinh. Ngoài thức ăn tinh, bà con cần bổ sung 6-15kg thức ăn xanh/con/ngày.

Các hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình vỗ béo bò như ông Ngô Tiên (thôn Trung Nghĩa Đông), Đặng Công Thương (thôn 2), Nguyễn Văn Vấn (Trung Nghĩa Tây)… cũng đánh giá cao việc Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ cho người dân thực hiện mô hình.

Theo ông Lê Duy Hưng - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Kroong, việc Trung tâm Khuyến nông phối hợp với xã thực hiện mô hình vỗ béo bò mới gần 1 tháng, nhưng đàn bò phát triển nhanh. Tuy chưa tổng kết mô hình, nhưng qua đánh giá sự phát triển từ thực tế, người dân phấn khởi và tự tin trong quá trình thực hiện.  

Việc thực hiện mô hình vỗ béo bò theo hướng thâm canh do Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao kỹ thuật đang góp phần giúp người dân tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống.

                                                                     Văn Nhiên

Chuyên mục khác