Để trồng mỳ trên đất ruộng hiệu quả

06/12/2016 18:00

Lâu nay, người dân trong tỉnh thường trồng mỳ trên đất đồi núi, ít khi trồng mỳ trên đất ruộng. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm và thực tế sản xuất ở nhiều nơi, việc trồng mỳ trên đất ruộng dễ thâm canh, năng suất cao hơn đồi núi và hiệu quả kinh tế hơn so với trồng lúa.

Trước những tác động của biến đổi khí hậu, trong những năm gần đây, nhiều diện tích đất trồng lúa vụ đông xuân ở tỉnh thường thiếu nước tưới. Vì vậy, để giúp người dân thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất sản xuất, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ nông dân huyện Đăk Hà, Sa Thầy và thành phố Kon Tum chuyển đổi 394,5ha đất trồng lúa thường xuyên thiếu nước sang trồng mỳ cao sản.

Theo Trung tâm Khuyến nông, để trồng mỳ KM419, KM94 đột biến, HLS10, HLS1 cao sản trên đất ruộng hiệu quả, cần tuân thủ kỹ thuật làm đất, thời vụ sản xuất, bón phân, làm cỏ, phòng chống bệnh và tưới nước cho cây mỳ.

Thời vụ gieo trồng mỳ trên đất trồng lúa thích hợp là khoảng từ 20/10 đến 15/11 hằng năm nhằm bảo đảm cho cây mỳ có thời gian sinh trưởng ít nhất là 7 tháng để khi thu hoạch trả lại đất sản xuất lúa.

Vì vậy, đối với đất dự kiến chuyển đổi, ngay từ tháng 6 bà con bố trí gieo sạ lúa bằng các giống ngắn ngày. Trước khi thu hoạch lúa vụ mùa, bà con phải tháo nước khô ruộng để kịp thời chuẩn bị đất cho trồng mỳ.

Rải vôi trước khi trồng mỳ. Ảnh: V.N

 

Vùng đất chuyển đổi cần đảm bảo đủ nước tưới cho cây mỳ và thoát nước tốt trong điều kiện mưa lớn bất thường. Hơn nữa, cây mỳ cần đất tơi xốp, vì vậy, ở khâu làm đất bà con cần cày sâu 30-35cm (cày 2 lần, bừa 2 lần) để rễ và củ mỳ phát triển.

Trước khi trồng, việc bón lót cần rải đều phân lên mặt ruộng, sau đó bà con tiến hành lên luống. Việc lên luống có thể theo hình thức lên luống chiếc (trồng 1 hàng) rộng 0,6-0,8cm hay luống đôi (trồng 2 hàng) rộng 1,8-2m. Chọn hướng lên luống sao cho khi mưa lớn, ruộng mỳ không bị ngập úng.

 

 

Hom mỳ chọn làm giống phải lấy từ cây mỳ đạt 7 tháng tuổi trở lên, không nhiễm sâu bệnh.

Hom mỳ chọn ở đoạn giữa thân, có đường kính từ 1,6-1,8cm, dài 12-15cm. Ảnh: V.N

(đạt từ 4-6 mắt), dùng dao sắc để chặt, tránh làm hom bị dập. Trước khi trồng, xử lý hom bằng cách nhúng vào thuốc chống mối pha loãng, sau đó vớt ra trồng.

Định lượng phân bón cho 1ha mỳ như sau: bón lót 12 tấn phân chuồng, 350kg lân, 400kg vôi; bón thúc lần 1 (sau trồng 25-30 ngày) 100kg urê, 80kg kali; bón thúc lần 2 (sau trồng 60-70 ngày) 100kg urê, 120kg kali. Nếu không có phân chuồng, bà con có thể bón 2,4 tấn phân vi lượng/ha.

Trong giai đoạn trồng, bà con phải bảo đảm đất đủ ẩm để mỳ mọc đều. Nếu đất khô, bà con có thể phun hoặc dẫn nước theo rãnh. Trong giai đoạn cây mỳ phát triển, bà con tưới nước theo nhu cầu. Đồng thời, mỗi lần bón phân phải tưới nước đủ ẩm.

Ngay sau khi trồng, bà con phun thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm với các loại thuốc sau: Ansaron 80WP, Saicoba 500EC, Sarudo 500.5EC, Antaco 500EC. Việc phun thuốc đảm bảo lượng nước phun và ẩm độ đất đủ cho thuốc có thể thấm xuống đất từ 1-2cm. Sau đó, bà con làm cỏ cho mỳ vào thời điểm bón thúc cho mỳ. Nếu mỳ còn nhiều cỏ, bà con có thể phun thuốc hậu nảy mầm với loại thuốc Fagor 50EC và sau đó bón thúc lần 2.

Cây mỳ có một số bệnh như bệnh cháy lá do vi khuẩn, bệnh đốm lá, bệnh chổi rồng. Tuy nhiên, việc phòng trừ tốt hơn cả là sử dụng cây giống sạch bệnh, bón phân đầy đủ, cân đối.

Cây mỳ trồng trên đất ruộng thu hoạch vào tháng 6 hàng năm. Ở diện tích ruộng thấp có nguy cơ ngập nước, bà con thu hoạch trước, ruộng cao hơn thu hoạch sau.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc và đầu tư thâm canh, các giống mỳ cao sản trên cho năng suất từ 30-50 tấn củ tươi/ha. Với năng suất trên, trồng mỳ hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa.   

Đào Nguyên

Chuyên mục khác