Để trồng cây cải bắp hiệu quả

05/09/2016 09:19

Trong các loại rau, cây cải bắp là loại dễ trồng có hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để trồng cây cải bắp hiệu quả, người trồng cần nắm vững một số đặc điểm và kỹ thuật cần thiết.

Cải bắp là cây trồng có giá trị kinh tế cao. Ở Măng Đen (huyện Kon Plông) và các xã vùng Đông Trường Sơn có khí hậu lạnh phù hợp với việc trồng cải bắp. Ngay cả ở vùng Tây Trường Sơn như thành phố Kon Tum, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi… vào mùa đông lạnh, cây cải bắp cũng sinh trưởng tốt.  

Tài liệu khuyến nông của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh cho biết, về đặc điểm thực vật học, cây cải bắp có chỉ số diện tích lá cao, hệ số sử dụng nước rất lớn và bộ rễ chùm phát triển mạnh. Các thí nghiệm cho thấy, khi cắt 25% diện tích bề mặt lá ở giai đoạn trước khi cuốn bắp, năng suất cải bắp vẫn đạt 97-98% so với không cắt. Điều đó khẳng định, việc phun thuốc hoá học trừ sâu tơ lứa 1 ăn lá cải bắp trong nhiều trường hợp là không cần thiết.

Về điều kiện sinh trưởng, hạt cải bắp nảy mầm tốt nhất ở nhiệt độ 18-200C. Cây phát triển thuận lợi nhất ở 15-180C, độ ẩm đất thích hợp 75-85% và ẩm độ không khí 80-90%. Đất quá ẩm (trên 90%) kéo dài 3-5 ngày sẽ làm rễ cây nhiễm độc vì làm việc trong điều kiện yếm khí. Cây cải bắp ưa đất thịt nhẹ, pha cát, tốt nhất là đất phù sa bồi, pH: 5,6-6,0.

Chăm sóc cải bắp. Ảnh: V.N

 

Thời vụ gieo trồng: vụ sớm gieo hạt cải bắp vào tháng 7, trồng tháng 8; vụ chính gieo hạt tháng 8, trồng tháng 9; vụ muộn gieo hạt tháng 10, trồng tháng 11. Trồng bắp cải, bà con chọn đất canh tác cách xa nguồn nước ô nhiễm. Đất tơi xốp, nhẹ, nhiều mùn, tầng canh tác dày, thoát nước tốt. Vụ sớm, mật độ trồng cải bắp từ 33.000 - 35.000 cây/ha, khoảng cách 60 x 40cm. Vụ chính và vụ muộn, mật độ trồng cải bắp từ 27.000 - 30.000 cây/ha, khoảng cách 60 x 50cm. Trước khi trồng, nhúng rễ cây cải bắp vào dung dịch Sherpa 0,1-0,15%. Nếu sử dụng polietylen phủ đất, sau khi bón lót, phủ kín mặt luống, dùng đất chèn kỹ mép luống và đục lỗ trồng.

Sau khi trồng, bà con sử dụng nguồn nước không bị ô nhiễm tưới cho cây. Mỗi ngày tưới cải bắp 2 lần vào sáng sớm hoặc chiều mát cho đến khi cây hồi xanh; sau đó cải bắp mỗi ngày 1 lần. Khi cây cải bắp trải lá bàng có thể tháo nước ngập rãnh, khi đất đủ ẩm phải tháo nước ngay.

Lượng phân bón cho 1ha cải bắp: 20 - 25 tấn phân chuồng hoai mục, 300kg super lân, 200kg đạm urê, 150- 200kg phân kali, 1.000kg vôi bột. Trước khi trồng cải bắp, bà con bón lót toàn bộ phân chuồng, vôi và phân lân. Bón thúc cho cải bắp lần 1 sau khi trồng 7 - 10 ngày: 50kg urê và 50kg kali sunfat hoà tưới vào gốc, kết hợp xới vun, làm cỏ, vét rãnh. Bón thúc cải bắp lần 2 (thời kỳ cây trải lá bàng) sau trồng 20 - 25 ngày: 120kg urê và 80kg kali sunfat, bón cách gốc 20 cm kết hợp xới xáo, làm cỏ và lấp phân. Bón thúc cải bắp lần 3 (thời kỳ cuốn bắp) sau trồng 30 - 35 ngày: tất cả lượng phân còn lại, có thể bón vào gốc hoặc hòa nước tưới. Trước khi thu hoạch 30 ngày, bà con ngừng bón phân đạm.

Cũng theo Trung tâm KN-KN tỉnh, cây cải bắp có một số loại sâu gây hại như sâu tơ, rệp, sâu xanh bướm trắng… Đối với sâu tơ hại cải bắp có mật độ sâu non trung bình 2 con/cây (giai đoạn 2-3 tuần sau trồng), 3 con trở lên (giai đoạn 4-7 tuần sau trồng), bà con có thể luân phiên sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất sau: Azadirachtin + Spinosad Diafenthiuron, Abamectin; Abamectin + Emamectin benzoate, Cypermethrin: Indoxacarb. Đối với rệp gây hại, bà con sử dụng số loại thuốc sau: Abamectin; Abamectin + Alpha-cypermethrin; Abamectin + Chlorfluazuron; Emamectin benzoate  + Petroleum oil; Rotenone 2.5% + Saponin 2.5%; Spinosad ; Thiamethoxam. Đối với sâu xanh bướm trắng hại cải bắp, dùng vợt bắt bướm, dùng tay ngắt nhộng và sử dụng một số hoạt chất sau: Abamectin; Emamectin benzoateMatrine; Abamectin+Alpha-cypermethrin, Abamectin+Bacillus.  

Bên cạnh đó, cây cải bắp còn có nhiều bệnh như bệnh lở cổ rễ, thối gốc, cháy lá vi khuẩn… Đối với cải bắp bị bệnh lở cổ rễ do nấm Rhizoctonia solani gây ra, bà con sử dụng luân phiên một trong các loại hoạt chất sau: Validamycin, Copper citrate; Cytokinin; KasugamycinTrichoderma viride; Chitosan + Polyoxin; Trichoderma spp 106 cfu/ml  +  K-Humate + Fulvate + Chitosan  + Vitamin B1. Đối với bệnh thối gốc cải bắp, bà con sử dụng một số loại thuốc Trichoderma spp; Trichoderma viride. Bệnh cháy lá cải bắp do vi khuẩn, bà con sử dụng hoạt chất Copper Hydroxide để phòng trừ.

Đào Nguyên

Chuyên mục khác