24/09/2017 18:00
Truyền thống tự hào
Trong buổi Tọa đàm “Giá trị, ý nghĩa lịch sử và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Nhà ngục Kon Tum” mới được UBND tỉnh tổ chức đầu tháng 9/2017, đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã phát biểu rằng: Rất đáng tự hào là, ngay trên vùng đất được kẻ thù chọn làm nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng kiên trung lại có một chi bộ Đảng Cộng sản ra đời từ tháng 9/1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chưa lâu.
Nằm ở cực bắc Tây Nguyên, Kon Tum là nơi sinh sống từ lâu đời của các dân tộc anh em; là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời. Chính bề dày truyền thống đó đã tạo nên cốt cách con người nơi đây với bản tính thật thà, chất phác, chịu thương, chịu khó, chung lưng đấu cật chống chọi với thiên tai, địch họa để xây dựng và bảo vệ quê hương.
Phát huy truyền thống đó, ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược, đồng bào các dân tộc Kon Tum đã không hề khuất phục, liên tiếp đứng lên chống giặc ngoại xâm với các cuộc đấu tranh oanh liệt của nhân dân các dân tộc Xê Đăng, Ba Na, Ja Rai, Giẻ Triêng..., gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất. Tuy nhiên, cuối cùng đều thất bại do thiếu đường lối đúng đắn, nhân dân Kon Tum lại phải chịu nhiều đau khổ của thân phận mất nước.
Khát vọng vì một cuộc sống độc lập, tự do luôn là nỗi khát vọng cháy bỏng, nung nấu trong lòng nhân dân các dân tộc Kon Tum.
Những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, khát vọng ấy được trỗi dậy mạnh mẽ khi có ánh sáng cách mạng dẫn dắt soi đường bởi tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên ra đời - đánh dấu bước ngoặt của ánh sáng cách mạng đến với Kon Tum. Người có công thắp lên ngọn lửa ấy chính là đồng chí Ngô Đức Đệ - một trong những tù nhân chính trị bị thực dân Pháp giam cầm ở Ngục Kon Tum.
Tại đây, với bản lĩnh và sự khôn khéo của người Cộng sản, đồng chí đã tuyên truyền và cảm hóa một số cai, đội, binh lính ở nhà lao thành những người yêu nước tiến bộ rồi bồi dưỡng, thử thách, để đến giữa tháng 9/1930, đồng chí đã lần lượt tuyên bố kết nạp đội Thơ (Huỳnh Đăng Thơ), cai Liễu (Huỳnh Liễu), cai Cừ (Nguyễn Cừ) vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Và đến ngày 25/9/1930, khi hội đủ điều kiện, các đồng chí đảng viên đã tiến hành cuộc họp bí mật tổ chức thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum ngay tại nhà Ngục Kon Tum (gọi là Chi bộ Binh).
Sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ngay trong năm 1930 là sự kiện có ý nghĩa quyết định đến toàn bộ tiến trình phát triển của phong trào cách mạng ở Kon Tum; là kết quả của một quá trình vận động, phát triển tất yếu từ tự phát đến tự giác, từ chủ nghĩa yêu nước đến giác ngộ cách mạng, đi theo con đường của Đảng Cộng sản.
Chi bộ Cộng sản ra đời đã quy tụ các tầng lớp nhân dân Kon Tum về một mối, hướng họ cùng quan tâm đến một mục đích: đấu tranh vì độc lập, tự do dân tộc, giải phóng quê hương; tạo ra nhịp cầu nối liền cách mạng Kon Tum với phong trào cách mạng trong nước, dưới sự chỉ đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cội nguồn sức mạnh
Cũng tại buổi Tọa đàm nói trên, Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá: Chi bộ Binh tại Ngục Kon Tum chính là đốm lửa cách mạng thổi bùng lên tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của nhân dân các dân tộc Kon Tum; luyện rèn, soi đường, chỉ lối, tạo thêm sức mạnh và niềm tin để nhân dân các dân tộc Kon Tum vững bước trên con đường đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho quê hương, cho dân tộc...
|
Và suốt 87 năm qua, kể cả trong những ngày đen tối nhất, gian nan nhất của phong trào cách mạng, Đảng bộ tỉnh Kon Tum luôn là cội nguồn sức mạnh, lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ thành công; đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng thi đua hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cùng nhân dân cả nước thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh"...
Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của địa phương, Đảng bộ tỉnh đã sáng suốt, linh hoạt trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng vào thực tiễn, lãnh đạo quân và dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới và đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Đặc biệt, qua gần 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, tình hình các mặt công tác của tỉnh đều có sự chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế tăng trưởng ổn định (năm 2016 là 8,06%); các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh được chú trọng khai thác; các vùng kinh tế động lực của tỉnh đang từng bước thể hiện được vai trò “đầu tàu”. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; công tác giảm nghèo được tập trung triển khai thực hiện và có kết quả khả quan (hết năm 2016 giảm còn 22,6% theo chuẩn mới); các vấn đề xã hội bức xúc được quan tâm giải quyết; an ninh chính trị được giữ vững; hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng cường; cải cách hành chính được đẩy mạnh, quản lý nhà nước ngày càng hiệu lực, hiệu quả; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc.
Năng lực chiến đấu và sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Chỉ tính riêng trong quý II/2017, toàn tỉnh đã kết nạp được 269 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ lên 25.936 đảng viên/694 TCCSĐ.
Từ đốm lửa cách mạng được các chiến sĩ cộng sản kiên trung nhen nhóm giữa chốn lao ngục đã cháy bùng lên ngọn lửa cách mạng soi đường dẫn lối cho nhân dân các dân tộc Kon Tum đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong suốt 87 năm qua. Và cũng với sự soi đường ấy, chúng ta sẽ tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới.
Bài, ảnh: Tú Quyên