30/01/2015 09:52
Ông Hoàng Chí Trung - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh cho biết: Trong năm 2014, có 78% số cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố tham gia ký kết chấp hành đầy đủ các quy định về ATTP. Toàn tỉnh đã tổ chức 94 lớp tập huấn và 1.084 buổi nói chuyện chuyên đề về ATTP với 38.837 người tham dự. Trung tâm ATVSTP các huyện, thành phố tổ chức 11 lớp tập huấn kiến thức và các quy định của pháp luật về ATTP tổ chức 9 hội nghị, hội thảo về ATTP tại tuyến tỉnh và tuyến huyện, có 367 người tham dự.
Trong quá trình kiểm tra VSATTP, Chi cục ATVSTP tỉnh đã tổ chức kiểm nghiệm 18 mẫu xét nghiệm về chỉ tiêu hóa; 2.252 mẫu thực phẩm được kiểm nghiệm bằng test nhanh. Toàn tỉnh đã tổ chức 118 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về VSATTP tại 5.809 CSSX, chế biến, KDTP; trong đó 80,1% số cơ sở được kiểm tra đạt tiêu chuẩn ATTP. Qua kiểm tra, toàn tỉnh có 9 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 126,55 triệu đồng, tiêu hủy 26 loại sản phẩm gồm: 470 kg thực phẩm rắn, 841,605 lít thực phẩm lỏng tại 172 CSSX, chế biến, KDTP.
|
Vì thế, trong năm 2014, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP), nhưng không có trường hợp tử vong. Trong đó, 5 vụ NĐTP với 23 người mắc là do độc tố tự nhiên; 1 vụ NĐTP tập thể với 48 người mắc tại Trường Trung học cơ sở Phan Đình Phùng (xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) chưa rõ nguyên nhân.
Nguyên nhân dẫn đến các vi phạm về ATTP là do nhân viên sản xuất không mặc trang phục bảo hộ theo quy định, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ, không để riêng thực phẩm sống và thức ăn chín, sử dụng khu vực chế biến không đảm bảo vệ sinh, không có dụng cụ chứa đựng rác thải và chất thải theo quy định, không bảo quản thực phẩm theo đúng quy định của cá nhân tổ chức sản xuất, không tuân thủ các điều kiện về bảo đảm ATTP trong bảo quản thực phẩm, không bảo quản riêng biệt từng loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm... dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm chéo. Ngoài ra, không có thông tin về xuất xứ, ngày sản xuất của thực phẩm, sử dụng khu vực chế biến có động vật gây hại, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, giấy xác nhận kiến thức ATTP, giấy công bố phù hợp ATTP đã hết hiệu lực, không đảm bảo ATTP trong quá trình sản xuất.
Hiện nay, nhận thức và thói quen ăn uống của một số người dân, người cung cấp, chế biến thực phẩm, nhất là ở các bếp ăn bán trú trong các trường học và người dân ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều vấn đề chưa bảo đảm về ATTP như: ăn thức ăn chưa nấu chính, bảo quản thực phẩm không đúng, thực phẩm sống bị nhiễm vi sinh vật và ăn các loại thực phẩm có chứa các độc tố tự nhiên như nấm độc, cóc, cá nóc…dẫn đến NĐTP. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế của các CSSX, KDTP trên địa bàn tỉnh còn khó khăn, nhất là CSSX, KDTP nhỏ lẻ chưa đảm bảo các điều kiện về VSATTP theo quy định, nên không thể cấp được giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP theo quy định của Bộ Y tế…
Để thực hiện tốt công tác đảm bảo VSATTP, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi-2015, theo ông Hoàng Chí Trung, Chi cục sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ATTP cho các đối tượng, giám sát chặt chẽ mối nguy ô nhiễm thực phẩm và kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các vụ NĐTP xảy ra trên địa bàn, hạn chế không để xảy ra các vụ NĐTP đông người và không để tử vong do NĐTP; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát phát hiện mối nguy ô nhiễm thực phẩm và phát hiện các CSSX, KDTP có hành vi vi phạm để kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; tiến hành điều tra, phân loại CSSX, KDTP trên địa bàn và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở đáp ứng các điều kiện theo quy định để được cấp giấy xác nhận kiến thức và giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATTP để sản xuất, kinh doanh được hợp pháp hơn.
Nguyên Hà