Sở GD&ĐT đối thoại với học sinh THPT trên địa bàn tỉnh

20/05/2025 18:30

Chiều 20/5, Sở GD&ĐT tổ chức Chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD&ĐT với học sinh THPT trên địa bàn tỉnh năm 2025 bằng hình thức trực tuyến.
Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Thị Trung phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: ĐV

 

Quang cảnh tại điểm cầu chính Sở GD&ĐT. Ảnh: ĐV

 

Tham dự buổi đối thoại tại điểm cầu chính Sở GD&ĐT có lãnh đạo: Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh, Công an tỉnh, Tỉnh đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch. 

Sau khi đại diện Sở GD&ĐT báo cáo một số thông tin về “Chuyển đổi số - Cơ hội và thách thức”, tại buổi đối thoại, học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh tích cực phát biểu ý kiến và kiến nghị đến lãnh đạo Sở GD&ĐT liên quan các nội dung như: Hiện nay, nhiều ngành nghề mới như lập trình viên, thiết kế game, kỹ sư AI,... đang mở ra. Nếu được học Tin học, làm quen với các phần mềm, lập trình hoặc thiết kế từ sớm, học sinh sẽ có nền tảng tốt để phát triển sự nghiệp sau này. Học sinh mong muốn tổ chức nhiều hơn các buổi học thực hành, chuyên đề Tin học, tổ chức các câu lạc bộ như STEM, robot, lập trình Scratch... để học có môi trường phát triển kỹ năng số và được định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn; học sinh Trường THPT Kon Tum đề nghị thường xuyên mở các lớp giáo dục kỹ năng số cho học sinh - dạy học sinh cách sử dụng công nghệ an toàn, chọn lọc thông tin và quản lý thời gian hợp lý. Cần lồng ghép thêm nội dung về kỹ năng số vào các môn học, như: kỹ năng sử dụng phần mềm văn phòng, bảo vệ thông tin cá nhân, đánh giá và chọn lọc thông tin trên mạng... để học sinh có thể sử dụng công nghệ một cách an toàn và hiệu quả hơn. Tổ chức các cuộc thi như: thiết kế video bài học, lập trình Scratch, sáng tạo robot, hoặc phát động các sáng kiến công nghệ từ chính học sinh.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Ngọc Hồi) đặt cầu hỏi: Trước sự phát triển nhanh của trí tuệ nhận tạo và khoa học công nghệ, Sở GD&ĐT có định hướng gì để giúp học sinh ở vùng khó tiếp cận công bằng hơn với các cơ hội học tập, ứng dụng công nghệ so với học sinh ở vùng thuận lợi?

Học sinh Trường PTTH DTNT tỉnh đặt câu hỏi: Làm thế nào để tránh việc chuyển đổi số tạo ra khoảng cách giữa học sinh thành thị và nông thôn và có những chính sách, giải pháp gì để hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa vượt qua khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ, kĩ năng số? Việc áp dụng công nghệ trong học tập, giảng dạy qua nền tảng số sẽ làm cho bài học trở nên sinh động, hấp dẫn, giúp học sinh tiếp thu kiến thức nhanh hơn. Tuy nhiên, việc đầu tư, trang bị các thiết bị công nghệ đối với nhiều trường học vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các trường thuộc vùng sâu vùng xa. Bên cạnh chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Sở GD&ĐT có những chính sách, chương trình nào để triển khai và bổ sung các thiết bị dạy học tại những cơ sở giáo dục đang còn thiếu? Hiện nay, môi trường số cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như nghiện mạng, bị lừa đảo hoặc tiếp cận thông tin độc hại. Vậy, Sở GD&ĐT có biện pháp gì cụ thể để giúp học sinh sử dụng môi trường số một cách an toàn, lành mạnh và có định hướng đúng đắn?

Các nội dung ý kiến, đề xuất của học sinh được các phòng chuyên môn và Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Thị Trung giải thích, trả lời trực tiếp, thỏa đáng ngay tại buổi đối thoại. Đối với các đề xuất, kiến nghị không thuộc thẩm quyền, Sở GD&ĐT ghi nhận và sẽ chuyển đến cơ quan, đơn vị có liên quan trong thời gian tới.

Đắc Vinh

 

Chuyên mục khác