Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời

07/10/2024 13:08

Trong xã hội học tập, các hình thức học tập rất đa dạng và phong phú, trong đó, đọc chính là hình thức tự học tập thiết thực, hiệu quả. Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 (từ 1- 7/10/2024) với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời” cho thấy ý nghĩa, vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa đọc đối với việc thúc đẩy tinh thần, ý thức tự học không ngừng nghỉ trong mỗi người.

Cách đây 13 năm, lần đầu tiên, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời được tổ chức tại nước ta (diễn ra từ ngày 2 - 8/10/2011) với chủ đề “Học tập suốt đời - Chìa khoá của mọi thành công”. Từ năm 2012 trở đi, Tuần Lễ hưởng ứng học tập suốt đời hằng năm được tổ chức trên phạm vi cả nước vào tuần thứ nhất của tháng 10 .

Mỗi năm, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời được triển khai với các chủ đề khác nhau và nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, thiết thực, có sức lan toả rộng rãi, luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo các cơ quan, đơn vị,  học sinh, sinh viên, người dân. Qua đó, góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về tinh thần hiếu học của người Việt, vai trò, ý nghĩa của việc học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Có thể nói, học tập không phải là việc ngày một, ngày hai mà là việc suốt đời, không chỉ là việc của một hay hai người mà là của tất cả mọi người. Học không chỉ học ở trường lớp mà là học ở tất cả mọi lúc, mọi nơi.

Việc phát triển văn hóa đọc góp phần thúc đẩy học tập suốt đời. Ảnh: TH

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”. Điều này càng đúng trong trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế hiện nay. Mỗi người phải tự trang bị tri thức, vốn hiểu biết, kỹ năng, tay nghề và khả năng thích ứng để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Học có nhiều cách, bằng nhiều phương tiện, công cụ, hình thức, trong đó, có học qua con đường đọc sách, báo, tài liệu. Đọc không chỉ giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy giáo dục mà còn góp phần rèn luyện nhân cách con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn  “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc”.

Việc phát triển văn hoá đọc sẽ góp phần thúc đẩy học tập suốt đời. Đây cũng chính là chủ đề của Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời được triển khai trong cả nước từ ngày 1-7/10 /2024.

Nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, nhân dân trong tỉnh đối với việc phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy phong trào học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập, ngày 25/9/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3413/UBND-KGVX  yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024.

Phong trào đọc sách ngày càng lan tỏa rộng rãi. Ảnh: TH

 

Trên cơ sở đó, từng ngành, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức các hoạt động nhằm lan tỏa, khuyến khích việc đọc và tinh thần tự học. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nhiều đơn vị, trường học còn tổ chức các lớp học, tập huấn, hội thảo, hoạt động giao lưu, đọc sách giúp học sinh, sinh viên, học viên, phụ huynh, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tìm hiểu về các kỹ năng, phương pháp, phương tiện học tập, xây dựng năng lực tự học.

Không chỉ giới hạn trong Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, những năm gần đây, việc đẩy mạnh phong trào, xây dựng văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh ta luôn được quan tâm thực hiện và có chuyển biến tích cực. Hệ thống thư viện mở rộng được xây dựng từ tỉnh về huyện. 61 xã, phường có tủ sách cộng dồng với sự đa dạng số lượng, thể loại sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, tìm hiểu các loại kiến thức, xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, công nghệ, việc đọc của người dân cũng đa dạng, dễ dàng hơn. Cùng với việc đọc sách, tài liệu in, sách giấy truyền thống, những năm gần đây, sách điện tử đang dần trở nên phổ biến và được giới trẻ chọn lựa.

Nhưng dù là đọc bằng hình thức nào thì văn hóa đọc vẫn mang lại giá trị tốt đẹp, tất cả đều góp phần làm giàu tri thức, kỹ năng, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người dân.

 Đọc một hoạt động học tập phổ biến và có hiệu quả giúp mỗi người mở rộng kiến thức, phát triển tư duy, kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp. Xây dựng và phát triển văn hóa đọc là con đường hữu hiệu thúc đẩy học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Thùy Hương

Chuyên mục khác