22/05/2025 13:04
|
Cuối ngày nhưng không hề uể oải, ngược lại, không khí lớp học vẫn hăng say. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo Trương Thị Sương- Thạc sĩ, giáo viên dạy môn tiếng Anh, Trường THPT Ngô Mây, các em học sinh cùng lắng nghe các bạn ở bên kia bán cầu trình bày về món ăn đặc trưng ở Gruzia. Khi nghe xong, theo chủ đề đã được chuẩn bị sẵn, cô và trò Trường THPT Ngô Mây tiếp tục giới thiệu đến các bạn món cơm lam, gà nướng và trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam: Áo dài.
Em Lê Thị Thảo Phương, lớp 12E đại diện các bạn học sinh trong lớp giới thiệu về trang phục áo dài. Minh họa cho phần trình bày, bạn Việt Trinh mặc áo dài, đi catwalk dưới camera của laptop, giúp các bạn Gruzia dễ hình dung.
“Cách 2 ngày trước khi lớp học diễn ra, em tự viết 1 bài thuyết trình về áo dài bằng tiếng Anh rồi nhờ cô Sương chỉnh sửa ngữ pháp và cách dùng từ vựng. Em cũng tự luyện nói ở nhà để tự tin giới thiệu bằng tiếng Anh trước các bạn nước ngoài. Hôm nay, khi trình bày xong, nhận được những tràng pháo tay của các bạn ở lớp và những tràng pháo tay của các bạn Grizia, em cảm thấy rất vui và tự hào”- Phương chia sẻ.
Khép lại phần thuyết trình, học sinh ở 2 điểm cầu tiếp tục được hòa mình vào không khí sôi động với trò chơi nhỏ. Từ các câu hỏi được các cô giáo bàn bạc, soạn thảo, các em sử dụng điện thoại smart phone có cài đặt dụng ứng dụng Kahoo để trả lời. Các câu trả lời ngay lập tức được ghi nhận, hiển thị trên màn hình, các em biết được ngay ai trả lời đúng nhất, nhanh nhất.
Hào hứng tham gia trả lời các câu hỏi, em Phan Ngọc Phú phấn khởi vì qua tiết học, em được biết thêm về văn hóa, ẩm thực của một vùng đất cách nước ta hơn 6.900km. Phú cho biết: “Em thấy lớp học rất bổ ích, giúp em trau dồi kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập. Qua việc kết nối với các bạn, em cũng mạnh dạn hơn trong giao tiếp, trao đổi thông tin, mở rộng thêm vốn từ vựng. Những kiến thức được chính các bạn chia sẻ, em nghĩ mình sẽ nhớ lâu hơn”- Phú chia sẻ.
Năm 2024, Trường THPT Ngô Mây cũng phối hợp tổ chức 1 lớp học toàn cầu với với chủ đề: Ẩm thực đặc trưng tại địa phương. Ở lớp học này, các em học sinh được kết nối với bạn bè đến từ các nước Nga, Indonesia, Đức và các bạn ở 9 trường khác trong nước. Cùng một lúc được trao đổi, nắm bắt các thông tin bổ ích, ai nấy đều hứng khởi.
Em Nguyễn Thị Thu Thảo, học sinh lớp 12E, cho biết: “Sau lớp học, qua sự hỗ trợ của cô Sương, em cũng có tham gia các lớp học kết nối khác bằng tiếng Anh qua zoom để trau dồi khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, phát huy khả năng tự học, tự tìm hiểu, kết nối với mọi người”.
|
Là người trực tiếp kết nối, lên kế hoạch triển khai lớp học toàn cầu, cô giáo Trương Thị Sương rất tâm huyết với mỗi lớp học. Ngoài việc chuẩn bị trang thiết bị hỗ trợ cho việc tổ chức lớp học, cô Sương dành nhiều thời gian kết nối với thầy, cô giáo tại các trường trong và ngoài nước để thống nhất về thời gian triển khai, nội dung của tiết học. “Do lớp học kết nối với các nước có múi giờ khác nhau nên mình phải thống nhất, chọn ra múi giờ phù hợp nhất. Ngoài ra, trước khi tổ chức lớp học, tôi và các giáo viên ở các trường kết nối phải họp (online) liên tục để cùng trao đổi, thống nhất nội dung cho phù hợp. Có lúc, buổi họp kết thúc vào 3h sáng theo giờ Việt Nam”- cô giáo Trương Thị Sương cho biết.
Bên cạnh thuận lợi và sự hào hứng của học sinh, do cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế nên việc triển khai lớp học còn một số bất cập. Đôi khi, lớp học bị gián đoạn do đường truyền Internet; đôi khi lại bị trục trặc do loa phát hoặc camera chưa đảm bảo.
Thầy giáo Lê Thanh Bình- Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Mây cho rằng, lớp học toàn cầu mang lại nhiều lợi ích: mở rộng tầm nhìn, tăng cường kỹ năng nói tiếng Anh và sử dụng công nghệ số cho học sinh. Ngoài ra, lớp học cũng giúp giáo viên tiếp cận, học hỏi thêm cách dạy của giáo viên nước bạn. Vì những lợi ích nói trên nên nhà trường luôn khuyến khích, động viên giáo viên tổ chức các lớp học toàn cầu.
“Khi giáo viên xây dựng kế hoạch cho tiết học toàn cầu, ban giám hiệu nhà trường kiểm duyệt nội dung rất kỹ. Hình ảnh lớp học khi triển khai cũng được ghi lại đầy đủ. Mặc dù lớp học rất bổ ích nhưng hiện nay, trường chưa có lớp học trực tuyến để phục vụ tốt nhất cho việc học. Do vậy, thầy, cô giáo và các em nỗ lực khắc phục các khó khăn để tổ chức đảm bảo”- thầy giáo Lê Thanh Bình nói.
Dù còn nhiều khó khăn, song nhà trường vẫn nỗ lực kết nối, xây dựng kế hoạch để tổ chức thành công các lớp học toàn cầu trong thời gian đến.
Hoài Tiến