Đồng lòng giữ biên cương

22/05/2025 06:02

Có đường biên giới giáp hai nước bạn Lào và Campuchia, huyện Ngọc Hồi không chỉ là vùng đất chiến lược về quốc phòng - an ninh mà còn là biểu tượng điển hình cho sự đồng lòng, gắn kết giữa chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân trong công cuộc bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Bà con nhân dân huyện Ngọc Hồi tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc cùng bộ đội biên phòng. Ảnh: D.N

 

Huyện Ngọc Hồi có đường biên giới dài khoảng 47km, tiếp giáp với tỉnh Attapư (Lào) và tỉnh Ratanakiri (Campuchia). Huyện có 5 xã biên giới với hàng nghìn hộ dân, chủ yếu là dân tộc Gié - Triêng.

Trong 10 năm qua, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, cấp ủy, chính quyền huyện Ngọc Hồi đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các đồn Biên phòng xây dựng quy chế phối hợp, ban hành kế hoạch, định hướng rõ ràng cho công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.

Một trong những điểm sáng trong thực hiện Chỉ thị 01 tại Ngọc Hồi là sự tham gia tích cực, chủ động của người dân trong công tác tự quản đường biên, cột mốc. Điển hình là hộ gia đình ông Hồ Xuân Vui ở thôn Đăk Mế, xã Pờ Y. Không chỉ phối hợp chặt chẽ với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y trong việc tự quản đoạn biên giới giáp Campuchia, gia đình ông Vui còn triển khai hiệu quả mô hình phát triển kinh tế kết hợp bảo vệ biên giới.

Với mô hình chăn nuôi 40 con bò đặt gần khu vực đường biên, gia đình ông Vui luôn hiện diện ở khu vực được phân công, kịp thời phát hiện và thông báo cho Đồn Biên phòng các vấn đề liên quan đến an ninh, chủ quyền. Tính từ năm 2015 đến nay, gia đình ông đã tham gia 50 đợt tuần tra chung với 200 ngày công; trực tiếp tổ chức 35 đợt tuần tra riêng, phát quang đường biên 15 lần. Gia đình đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, phục vụ kịp thời công tác bảo vệ biên giới.

Không chỉ tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, ông Vui còn trực tiếp tổ chức 35 buổi tuyên truyền cho hơn 1.900 lượt người dân trong thôn, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về trách nhiệm bảo vệ biên giới cho cộng đồng. Những nỗ lực âm thầm và bền bỉ ấy đã góp phần không nhỏ vào bảo vệ cột mốc, giữ vững an ninh thôn, làng.

Chia sẻ về quá trình tham gia bảo vệ biên giới, ông Hồ Xuân Vui cho rằng, nếu mỗi người dân, mỗi gia đình đều tự giác tham gia thực hiện tốt thì chủ quyền biên giới luôn được giữ vững; an ninh trật tự thôn, làng luôn đảm bảo, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững anh ninh trật tự ở từng thôn, làng. Từ nhận thức đó mà gia đình tôi tự nguyện tham gia bảo vệ đoạn biên giới và cột mốc biên giới.

Phong trào toàn dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc không chỉ dừng lại ở một vài hộ dân tiêu biểu mà được lan tỏa mạnh mẽ đến từng thôn, tổ chức, đoàn thể tại huyện Ngọc Hồi. Đơn cử, xã Đăk Dục hiện có 5 tập thể và 17 hộ gia đình thường xuyên, tự nguyện tham gia bảo vệ đường biên tiếp giáp tỉnh Attapư (Lào) và các mốc quốc giới.

Ông Bloong Hâm - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Dục khẳng định trong công tác phối hợp, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành xã Đăk Dục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Dục Nông.

“Hàng năm, xã chỉ đạo các thôn trực tiếp tổ chức cho các hộ gia đình thực hiện các hoạt động tự quản và bổ sung nội dung Chỉ thị 01 vào hương ước, quy ước của thôn. Hướng dẫn nhân dân cách thức, biện pháp tự quản đường biên, cột mốc phù hợp với thực tế và bồi dưỡng kỹ năng cho các tổ tự quản trong việc phản ánh tình hình cho xã và đồn biên phòng” - ông Bloong Hâm cho biết thêm.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Dục Nông gặp gỡ, tuyên truyền bà con nhân dân xã Đăk Dục. Ảnh: DN

 

Từ năm 2015 đến nay, lực lượng công an, quân sự, biên phòng cùng các hộ gia đình tự quản ở xã Đăk Dục đã tổ chức 291 đợt tuần tra với hơn 1.600 lượt người tham gia; thu thập được 612 nguồn tin, trong đó có 111 tin có giá trị phục vụ cho công tác bảo vệ biên giới. Cùng với đó, Đồn Biên phòng Dục Nông đã phối hợp với xã Đăk Dục tổ chức 811 buổi tuyên truyền với hơn 11.600 lượt người dân tham gia.

Theo ông Trần Cao Bảo Việt- Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi, một trong những kinh nghiệm quan trọng trong quá trình thực hiện Chỉ thị 01 là sự thống nhất, đồng thuận trong chỉ đạo giữa cấp ủy đảng, chính quyền và lực lượng Biên phòng. Đồng thời, thường xuyên quán triệt quan điểm của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ biên giới, tăng cường trao đổi thông tin, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh; vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ biên giới thông qua các hình thức phong phú, phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín.

“Huyện cũng huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, xây dựng và duy trì các mô hình như “Tổ tự quản đường biên, cột mốc”, “Tổ an ninh tự quản”, “Tiếng kẻng an ninh”; đồng thời phối hợp chặt chẽ trong tuần tra, kiểm soát, đấu tranh phòng chống tội phạm, tổ chức tuần tra song phương với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn, góp phần giữ vững an ninh biên giới”- ông Trần Cao Bảo Việt thông tin thêm.

Việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị 01 không chỉ góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng biên. Đồng thời duy trì ổn định mối quan hệ hữu nghị với chính quyền và lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng góp phần xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hợp tác cùng phát triển.   

Dương Nương

Chuyên mục khác