Khi giáo viên bị “bắt nạt”

19/11/2024 13:05

Tôi trăn trở rất nhiều khi đọc dòng trạng thái của một người bạn làm giáo viên “Tôi ước một ngày giáo viên được quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần”. Là bạn thân, hơn ai hết, tôi hiểu được vì sao một giáo viên có thâm niên gần 30 năm gắn bó với nghề như anh lại có ước mong như vậy.

Tháng trước, anh trở thành đối tượng, hay đúng hơn, là nạn nhân của vụ “luận tội” trên mạng xã hội. Và người “khơi mào” là phụ huynh một học sinh trong lớp do anh làm chủ nhiệm rất nghịch ngợm, thường đầu têu các trò phá phách trong lớp và hay trốn học.

Một hôm, cậu học trò gây gổ đánh nhau với bạn học, sau đó còn lên mạng xã hội thách thức bạn ra ngoài “giải quyết”. Ban cán sự lớp báo cáo thầy giáo chủ nhiệm. Anh có gặp riêng cậu học trò này để nhắc nhở, và có dọa nếu còn như nữa sẽ báo cáo nhà trường cho nghỉ học.

Nhưng cậu học sinh lại kể với bố mẹ là bị thầy giáo chủ nhiệm đuổi học. Phụ huynh cũng chưa tìm hiểu vụ việc đã tung thông tin một chiều, xuyên tạc lên mạng xã hội, tố thầy giáo chửi mắng, nhục mạ học sinh, xâm phạm “quyền được học hành” của con em họ và đòi kỷ luật đuổi việc thầy.

Đội ngũ giáo viên đang chịu nhiều áp lực trong công việc. Ảnh: HL

 

Sau đó, cư dân mạng rần rần lên án giáo viên chủ nhiệm, dù chưa biết bản chất vụ việc ra sao. Sau đó là những ngày anh phải làm báo cáo giải trình với nhà trường, với cơ quan quản lý. Đến lúc đối chất thì mới rõ ràng mọi chuyện. Nhưng vị phụ huynh này cũng không có lấy một lời xin lỗi.

Đó là những ngày khó khăn với tôi và gia đình. Gần 30 năm đứng trên bục giảng, tôi dồn hết tâm huyết, sức khỏe thể xác và tinh thần cho việc dạy học, nên khi xảy ra vụ việc, tôi gần như suy sụp. Cũng may mà có sự động viên của gia đình, nhà trường, đồng nghiệp và bạn bè- anh nhớ lại.

Nhưng kể cả bây giờ, khi đã vượt cú sốc ấy, thì anh vẫn thừa nhận rằng chưa thể xóa bỏ được ám ảnh tâm lý.

Mỗi ngày lên lớp, đứng trước các tình huống sư phạm rắc rối, tôi thường nảy ra suy nghĩ “hay là kệ đi, tránh va chạm kẻo vạ đến thân”. Điều đó cho thấy sức khỏe tâm thần của tôi đang có vấn đề- anh tâm sự. 

Tôi hoàn toàn hiểu và thông cảm với anh. Trong cuộc sống, chính tôi đã gặp không ít trường hợp giáo viên bị “bắt nạt” cả ngoài đời lẫn trên không gian mạng. Và thực sự cảm thông nhiều hơn trách móc, những giáo viên "co mình" lại do áp lực của công việc "gieo chữ, trồng người".

Từ lâu, nghề giáo đã được chứng minh là một trong những nghề mệt mỏi về mặt cảm xúc. Thầy cô phải mang việc về nhà, cơ sở vật chất thiếu hụt, ban giám hiệu, phụ huynh soi xét, tỷ lệ học sinh trong lớp học quá tải, tất cả đều ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của thầy cô giáo. 

Học tập và giao tiếp của học sinh là quá trình cần sự nỗ lực đến từ ba phía: Nhà trường, gia đình và nhất là người học. Không thể vì học sinh ngoan hay hư đều là lỗi của nhà trường và giáo viên.

Nhưng trên thực tế hiện nay, chỉ cần học sinh không đạt được kỳ vọng của phụ huynh thì lỗi đều do giáo viên “gánh”.

Chỉ có ‘’Trường học hạnh phúc’’ nếu giáo viên và học sinh thấy hạnh phúc ở trường. Ảnh: H.L

 

Ví dụ, học sinh không hiểu bài, bị điểm kém, phụ huynh sẽ nói tại giáo viên dạy dở; học sinh nghịch ngợm, phá phách, vi phạm nội quy, trốn học, phụ huynh cũng nói do giáo viên không quan tâm, thiếu nghiêm khắc.

Tuy nhiên, khi chỉ cần giáo viên "hơi đụng chạm" đến học sinh là bị phụ huynh phản ứng. Nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin tất tần tật đều có thể “ngoi lên” mạng xã hội và lan truyền chóng mặt, giáo viên có thể bị “bóc phốt”, bị “luận tội” bất cứ lúc nào, chỉ cần làm phụ huynh phật ý.

Đáng chú ý là khi bị “bắt nạt”, giáo viên thường phải một mình chịu đựng  áp lực từ nhiều phía. Trước hết là sẽ bị nhà trường, cơ quan quản lý cấp trên yêu cầu làm tường trình, viết báo cáo, kiểm điểm; sau đó là áp lực tâm lý dư luận xã hội.

Hậu quả là, giáo viên sẽ ngày càng ngại va chạm, sợ sự lên án, hà khắc của dư luận trên mạng xã hội nên không dám răn dạy, phạt khi học sinh mắc lỗi, nhất là những học sinh nghịch ngợm- vốn là một trong những nhiệm vụ của “trồng người”.

Áp lực đến sức khỏe tâm thần của giáo viên chưa dừng lại ở đó. Trước một vấn đề chưa có sự trao đổi giữa gia đình, nhà trường và giáo viên, phụ huynh đã phản ánh tới đường dây nóng của trường, của cơ quan quản lý, hoặc liên hệ trực tiếp ban giám hiệu đòi kỷ luật giáo viên.

Tất nhiên, cũng có không ít giáo viên vi phạm, có hành vi không phù hợp với môi trường sư phạm và phải chịu kỷ luật từ cơ quan chức năng và ngành, chịu sự lên án của dư luận xã hội. Nhưng rõ ràng là, ai cũng có lúc mắc sai lầm, giáo viên cũng vậy.

Điều tôi muốn nói là, phê bình những hành vi thiếu chuẩn mực trong giáo dục là cần thiết, nhưng quá đà, lạm dụng “quyền lực” để “bắt nạt” thầy cô giáo.

Khi đứng trên bục giảng, mong ước chung các thầy cô giáo là nhận được sự tin tưởng, thấu hiểu và đồng cảm của phụ huynh, gia đình và xã hội để vững tâm với nghề, cống hiến vì sự nghiệp trồng người.

Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có các quy định cụ thể để bảo vệ nhà giáo trước sự “bắt nạt”, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay.

Đồng thời tuyên truyền tác hại xấu, hành động vi phạm đạo đức, pháp luật trong ứng xử với giáo viên trên các phương tiện truyền thông, nhằm giáo dục ý thức toàn xã hội trong giao tiếp, ứng xử phù hợp với giáo viên.

Bên cạnh đó, mỗi giáo viên cần giữ nhân phẩm trong sạch, có nghiệp vụ, chuyên môn vững. Như vậy sẽ hạn chế tối đa việc liên quan đến vấn đề tiêu cực; giảm được sự không hài lòng từ học sinh và phụ huynh.

Để có trường học hạnh phúc, trước hết giáo viên và học sinh phải cảm thấy hạnh phúc. Vì vậy bảo vệ giáo viên cũng là để góp phần xây dựng trường học hạnh phúc vậy.

Hồng Lam

Chuyên mục khác