Huy động sức dân phục vụ bán trú cho học sinh

22/10/2014 09:56

Theo thống kê của ngành Giáo dục huyện Tu Mơ Rông, toàn huyện hiện có 17 trường có bán trú, thế nhưng chỉ có 1 trường có nhà ở kiên cố cho học sinh bán trú và 3 trường xây dựng được bếp ăn kiên cố. Số còn lại, ngành Giáo dục huyện gần như phải tự lo.
Người dân xã Đăk Na thống nhất ủng hộ làm nhà tạm bán trú cho HS. Ảnh: V.P

 

Năm học 2014-2015, theo quyết định phê duyệt của UBND huyện, toàn huyện có 2.452 học sinh bán trú; trong đó, học sinh bán trú trong trường là 695 em và bán trú ngoài trường là 1.757 em. 

Với số lượng học sinh như vậy, nhu cầu về nhà ở cho học sinh bán trú là khá lớn. Nhưng theo báo cáo của ngành Giáo dục huyện, hiện tại nhà ở kiên cố và bếp ăn tại các trường bán trú gần như chưa được đầu tư. Toàn huyện hiện chỉ có 3 trường có bếp ăn cho học sinh bán trú, đó là các trường THCS Ngọc Yêu, Đăk Na, Ngọc Lây; còn lại 14 trường không có bếp ăn kiên cố và nhà ở bán trú cho học sinh. Điều đó khiến việc thực hiện công tác bán trú gặp không ít khó khăn.

Trước tình hình trên, để tạo điều kiện tốt nhất cho những học sinh trong tiêu chuẩn được bán trú và kể cả những học sinh ngoài tiêu chuẩn, ngành Giáo dục huyện có cách làm sáng tạo nhằm phục vụ tốt công tác bán trú, đó là chỉ đạo các trường phối hợp với chính quyền các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự ủng hộ của người dân tìm vật liệu, góp ngày công lao động để làm nhà bán trú tạm cho học sinh.

Ông Lê Văn Hoàn - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Tu Mơ Rông cho biết: Do cơ sở vật chất phục vụ học sinh bán trú quá thiếu, nhất là phòng ở và bếp ăn, nên trước mắt, tại các trường bán trú trên địa bàn, Phòng chỉ đạo sắp xếp phòng làm việc của cán bộ giáo viên cố gắng tạo chỗ ở cho học sinh. Tuy nhiên, vẫn không thể phục vụ đủ, vì vậy, Phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân tại địa bàn ủng hộ ngày công lao động, tìm nguyên vật liệu và sự ủng hộ của chính quyền địa phương để làm các phòng ở tạm cho học sinh bán trú. Phòng cũng sẽ dùng các nguồn kinh phí hợp lý để hỗ trợ dụng cụ sinh hoạt cho học sinh nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh bán trú.

Hiệu trưởng Trường PTBT THCS Ngọc Yêu - Nguyễn Ngọc Huynh cho biết: Do không có nhà ở bán trú cho học sinh nên trường đã vận động nhân dân mua gỗ, vận động xã ủng hộ tôn để làm 3 phòng ở tạm, mỗi phòng ở được hơn 10 học sinh. Với 3 phòng học đó cũng chưa đủ cho tổng số 90 học sinh bán trú của trường, nên số học sinh còn lại nhà trường đã vận động các nhà dân xung quanh trường cho các em ở nhờ để học tập và đã được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Còn về việc phục vụ cho học sinh bán trú, nhà trường đã phải tiết kiệm các khoản khác để thuê một người nấu ăn cho các em. Với điều kiện khó khăn vậy, mong sao Nhà nước sớm đầu tư xây dựng các phòng ở kiên cố để học sinh yên tâm học tập.

Dù đã được sự ủng hộ của chính quyền và người dân trong việc làm các phòng ở tạm cho học sinh bán trú, góp phần giảm bớt phần nào khó khăn cho học sinh bán trú, nhưng đó mới chỉ giải quyết về chỗ ở; còn về việc phục vụ cho học sinh bán trú, do không có kinh phí trả lương nên một số trường đã phối hợp với thôn trưởng, già làng huy động sự ủng hộ của người dân nấu ăn phục vụ cho các em. Đối với một số xã người dân không ủng hộ được, nhà trường phải cắt cử giáo viên tranh thủ thời gian rảnh giúp nấu nướng cho các em. Điển hình như ở xã Đăk Na, Măng Ri….

Ông Lê Văn Hoàn cho biết thêm: Không chỉ khó khăn về chỗ ở, bếp ăn, hầu hết các trường bán trú trong huyện hiện đều thiếu nước sinh hoạt cho học sinh bán trú, vì thế các trường phải tự tìm nguồn nước giọt, mua đường ống kéo về, nhưng cũng chưa đủ. Bên cạnh đó, với mức hỗ trợ theo quy định của Chính phủ là 40% mức lương cơ bản và 15kg gạo/tháng cho một học sinh chỉ đảm bảo ở mức tối thiểu. Các trường phải tự tăng gia làm vườn rau để cải thiện bữa ăn hàng ngày cho học sinh nhằm đảm bảo sức khỏe cho các em.  

Với cách làm sáng tạo đó, ngành Giáo dục huyện Tu Mơ Rông đã giải quyết phần nào khó khăn khi thực hiện công tác bán trú cho học sinh. Ngành Giáo dục huyện mong muốn nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng nhà ở bán trú và trang bị những điều kiện vật chất khác để ngành phục vụ tốt công tác bán trú cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương.

Phúc Nguyên 

Chuyên mục khác