02/04/2025 13:06
Từ năm 2012 đến nay, thôn Khúc Na (xã Sa Bình) luôn giữ vững danh hiệu thôn văn hóa tiêu biểu cấp huyện. Để có được kết quả này, cán bộ thôn, các hội, đoàn thể thôn đã cụ thể hóa các nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” để vận động nhân dân tham gia thực hiện phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, từ năm 2012 đến nay, nhân dân trong thôn Khúc Na đã đồng thuận, cùng chung tay cải tạo, tu sửa được 1 kênh mương với chiều dài 800m; đóng góp gần 100 triệu đồng làm mới 3 tuyến đường nội thôn; làm mới gần 1,2km đường đi khu sản xuất; góp kinh phí hơn 70 triệu đồng để sửa chữa nhà rông.
|
Ngoài ra, nhằm xây dựng thôn văn hóa phù hợp với yêu cầu ngày nay, thôn Khúc Na đã đưa các tiêu chí xây dựng thôn văn hóa vào hương ước, quy ước để nhân dân thực hiện. Qua đó, một số hủ tục như để người mất quá 48 giờ, cúng ốm đau, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã xóa bỏ. Các quy định về nếp sống mới được phát huy. Những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được quan tâm phát triển, tạo sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư. Nhờ đó, hàng năm, thôn luôn đạt gần 90% hộ dân được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Bên cạnh thôn Khúc Na, hiện nay, các thôn, làng ở xã Sa Bình cũng đang đẩy mạnh phong trào xây dựng thôn, làng văn hóa và giữ vững danh hiệu. Ông Dương Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Sa Bình cho biết: Để phong trào xây dựng thôn, làng văn hóa phát triển, các cấp, ngành, đoàn thể trong xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền từng nội dung của phong trào để người dân nắm bắt và thực hiện. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các thôn, làng tích cực thực hiện hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng phong trào. Trong đó, tập trung vào nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, các hoạt động văn hóa - thể thao, thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang. Nhờ đó, đến nay 7/7 thôn, làng của xã đạt danh hiệu văn hóa; tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm luôn đạt 85% trở lên.
Những năm qua, phong trào xây dựng thôn, làng văn hóa được cán bộ và người dân thôn Hòa Bình (xã Sa Nghĩa) đồng lòng hưởng ứng thực hiện. Với nỗ lực, cố gắng không ngừng, 7 năm liên tục (từ năm 2018-2024) thôn được công nhận danh hiệu thôn văn hóa; hằng năm, trên 85% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; số hộ khá, giàu chiếm hơn 50%; 95% số hộ có phương tiện nghe, nhìn, có nước sạch dùng.
|
Ông Phan Lương - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn cho hay: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân trong thôn đã tự nguyện hiến đất để cải tạo nâng cấp hệ thống giao thông phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, các hộ dân trong thôn đã hiến hơn 5.000m2 đất; nạo vét, đắp trên 5.000m3 kênh mương; bê tông hóa hơn 1.500m đường liên thôn với kinh phí hơn 300 triệu đồng; hoàn thành hệ thống giao thông nội đồng trị giá trên 70 triệu đồng. Các thiết chế văn hóa trong thôn cũng được xây dựng và đưa vào hoạt động như sân bóng đá, bóng chuyền, âm thanh, trang thiết bị phục vụ tại nhà văn hóa.
Đến nay, huyện Sa Thầy có 56/64 thôn, làng được công nhận danh hiệu thôn, làng văn hóa; 64/64 thôn, làng có nhà văn hóa, sân thể dục, thể thao; 86% hộ gia đình được công nhận là “Gia đình văn hóa”.
Ông Vũ Ngọc Anh - Phó trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Sa Thầy cho biết: Xác định việc xây dựng đời sống văn hóa gắn với diện mạo nông thôn mới văn hóa, văn minh là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Trong quá trình xây dựng thôn, làng văn hóa, huyện luôn thực hiện theo phương châm: Tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau; việc nào thuộc về nhân dân thì gia đình, dòng họ đảm nhiệm; việc nào thuộc trách nhiệm tập thể thì phát động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Thể hiện rõ nét nhất là các công trình được xây dựng mới, nhiều tuyến đường được mở rộng, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, hệ thống đèn chiếu sáng dọc hai bên các tuyến đường tô điểm thêm cho bức tranh nông thôn ngày càng khởi sắc.
Mai Vàng