03/04/2025 13:07
Hình ảnh những người lính năm xưa từng xông pha trận mạc nay vẫn đang sống trong những ngôi nhà dột nát là nỗi trăn trở của Hội CCB huyện Kon Plông. Trước thực tế đó, Hội đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”, kêu gọi sự chung tay của hội viên và cộng đồng, người có điều kiện hơn thì góp tiền, góp vật liệu, người không có thì góp công, góp sức. Hội cũng tranh thủ nguồn lực từ các cấp, ngành, các mạnh thường quân và quan trọng nhất là sự nỗ lực của chính hội viên để từng bước xóa hết nhà tạm, nhà dột nát.
Ông A Rở (thôn Vi Klâng II, xã Pờ Ê) từng sống trong căn nhà gỗ cũ kỹ, thu nhập bấp bênh chỉ dựa vào vài sào mì. Cảm thông trước hoàn cảnh ấy, Hội CCB huyện Kon Plông phối hợp Hội CCB tỉnh vận động hỗ trợ xây dựng cho gia đình ông một ngôi nhà kiên cố.
Vừa qua, ngôi nhà rộng 50m2, gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ được Hội bàn giao cho gia đình ông A Rở. Tổng kinh phí xây dựng là 120 triệu đồng, trong đó Hội CCB Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ 60 triệu đồng, cùng với 45 ngày công lao động do các hội viên CCB thôn Vi Klâng II đóng góp.
|
Ông A Rút- Chủ tịch Hội CCB huyện Kon Plông chia sẻ: Suốt những ngày thi công, dù trời nắng hay mưa, công trình vẫn không gián đoạn. Các hội viên CCB, người trộn hồ, người khuân gạch, ai nấy đều cố gắng để gia đình ông A Rở có ngôi nhà mới trước Tết.
Tinh thần tương trợ ấy không chỉ có ở thôn Vi Klâng II mà còn lan tỏa khắp huyện Kon Plông. Những ngôi nhà nghĩa tình mới được dựng lên đều in đậm dấu ấn đồng đội.
Ông A Rút kể lại: Có những hội viên sống ở vùng đồi cao hay sâu trong thôn, đường vào nhỏ hẹp, xe tải không thể di chuyển vào, thế là mọi người lại cõng từng bao xi măng, khiêng từng tấm tôn, từng bao cát, chuyền tay nhau đưa vật liệu đến điểm xây dựng. Có những hộ chưa có nước, hội viên thay nhau xách từng thùng nước từ xa về. Người chặt tre dựng lán che xi măng, người sửa sang chỗ nghỉ cho thợ xây. Tất cả cùng góp sức, quyết tâm hoàn thành ngôi nhà trong thời gian sớm nhất, giúp gia đình giảm bớt chi phí.
Nhờ sự đồng lòng, đoàn kết, những căn nhà xiêu vẹo dần được thay thế bằng những mái ấm kiên cố. Không còn cảnh gió lùa, mưa dột, những ánh mắt lo âu mỗi mùa mưa bão cũng dần vơi đi. Các gia đình CCB cũng an tâm lao động, sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống.
Từ năm 2023 đến nay, Hội CCB huyện Kon Plông đã huy động nhiều nguồn lực, triển khai hỗ trợ hội viên khó khăn xây mới và sửa chữa 18 căn nhà tạm, nhà dột nát, giúp họ có chỗ ở vững chắc hơn.
Bên cạnh hỗ trợ nhau về nhà ở, những CCB huyện Kon Plông còn giúp nhau trong sản xuất, phát triển kinh tế. Với đặc thù địa hình đồi núi, nhiều hội viên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu địa phương, hình thành các mô hình kinh tế hiệu quả.
|
Ông Đinh Văn Rinh (70 tuổi, hội viên CCB ở thôn Vi Choong, xã Hiếu) là một trong những hộ đầu tiên tham gia HTX Chè sạch Đông Trường Sơn, trồng thử nghiệm chè sạch. Nhờ kiên trì học hỏi, đến nay, gia đình ông đã có gần 1ha chè, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Từ những kinh nghiệm tích lũy được, ông hướng dẫn thêm hội viên khác tham gia HTX, cùng nhau phát triển kinh tế. Ông Rinh chia sẻ: Từ những ngày đầu được xã vận động tham gia HTX Chè sạch Đông Trường Sơn, thấy đây là cơ hội tốt để phát triển kinh tế gia đình, tôi nắm bắt ngay. Tôi cũng muốn thử nghiệm trước, rút kinh nghiệm để bà con sau này có thể học hỏi, làm theo.
Nhờ những hội viên tiên phong như ông Rinh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ những người đi sau, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế trong Hội CCB huyện Kon Plông ngày càng lan tỏa. Những mô hình hiệu quả như nuôi bò sinh sản, trồng sâm dây, cà phê xứ lạnh, cây ăn quả, chè sạch được nhân rộng, giúp nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên CCB giảm đáng kể. Đến nay, toàn Hội chỉ còn 129 hộ nghèo, 91 hộ cận nghèo.
Tinh thần đồng đội, nghĩa tình đồng chí vẫn được các cựu chiến binh huyện Kon Plông gìn giữ và phát huy. Những căn nhà nghĩa tình được dựng lên, những mô hình kinh tế ngày càng khởi sắc là minh chứng cho ý chí kiên cường, nghị lực vươn lên của những người lính năm xưa. Với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, họ đang chung tay thay đổi diện mạo quê hương, góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, bền vững.
Y Đô