03/10/2024 06:13
Đăk Nai là một trong hai làng của xã Ngọc Linh với hiện trạng đường giao thông đi lại rất khó khăn, từ làng xuống trung tâm xã Ngọc Linh chỉ có 2,5 km nhưng phải mất vài tiếng đồng hồ đi lại - tâm sự của già làng A Nía trong lần tôi đến thăm làng và ở lại qua đêm. Tôi dậy thật sớm để đón bình minh Đăk Nai. Đang ngắm tia sáng mặt trời xé nhẹ màn sương mờ ảo xuyên qua mái nhà rông, tôi loáng thoáng thấy từng nhóm vài ba học sinh đứng tụm lại trước cửa nhà của một vài ngôi nhà chờ nhau cùng đi học. Rất lạ là trên tay mỗi cháu cầm một cây gậy.
Thấy tôi tò mò, già làng A Nía nhanh nhảu: Đêm qua trời mưa, đường trơn trượt lắm nên các cháu cầm gậy để chống đỡ. Ở đây các cháu đi học khổ lắm, mỗi ngày đến trường, các cháu đi lên đi xuống mất hơn 3 tiếng đồng hồ, con chữ vừa học xong ở lớp, đi về rơi rớt dọc đường, hiệu quả học tập không cao.
|
Tâm sự của già làng A Nía cũng là nỗi lo của các cha mẹ có con trong độ tuổi đến trường ở làng Đăk Nai. Làng còn nghèo nhưng ở đây rất nhiều em đã học xong lớp 9, học xong cấp 2 ở nhà lập gia đình hoặc phụ giúp cha mẹ làm rẫy, số em học tiếp lên cấp 3 chỉ đếm trên đầu ngón tay vì một phần hoàn cảnh gia đình khó khăn, phần khác đường đi lại quá gian truân. Cô giáo Mầm non Y Phương Thảo vừa được điều động vào làng dạy đầu năm học này nói: Tôi có con nhỏ 7 tháng tuổi ở nhà nhưng sáng đi chiều về. Tôi không dám đi xe máy vào làng vì bị ngã 2 lần khi qua cầu treo do dốc cao, đường đi lại khó khăn nên mỗi năm một lần giáo viên luân phiên nhau về dạy điểm làng.
Trước năm 2024, đường vào làng còn đường đất, đến đầu năm nay được Nhà nước đầu tư đổ bê tông hơn 1km, đoạn đường đất còn lại dẫn vào làng cứ khoảng hơn chục mét là dốc dứng, học sinh đi học, người dân đi lại vận chuyển nông sản, mua hàng hóa chủ yếu đi bộ. Phương tiện đến làng duy nhất xe máy độ chế xoáy nòng nhưng không phải nhà nào cũng có xe. Hơn nữa dùng xe máy độ chế đi lại nguy hiểm đến tính mạng, chỉ cần sơ suất nhỏ là dễ rơi xuống vực sâu, mặt khác xe máy độ chế tốn rất nhiều xăng. Khi nào thực sự cần thiết vận chuyển nông sản người dân mới dùng đến xe máy độ chế như chở sâm dây từ làng xuống trung tâm xã để bán, hoặc tư thương thuê vận chuyển. Quan niệm của bà con, đi bộ mang vác chủ động hơn.
Làng Đăk Nai nằm chơi vơi trên núi, trước khi vào làng, phải qua 2 cổng bằng làm bằng tre nứa đơn giản, cổng đầu tiên dùng để ngăn chặn không cho đàn trâu xuống ruộng phá lúa, cổng thứ hai không cho đàn trâu vào làng. Đứng từ cổng thứ hai nhìn vào thấy nhà rông nằm giữa làng, xung quanh là nhà của bà con Xơ Đăng, nhà của bà con chủ yếu thưng ván, lợp tôn, liền kề nhau. Trời mưa có thể đi men từ hiên nhà này đến hiên nhà kia, song có điều không phải dễ đi lại vì mỗi nhà nằm trên một mô đất khác nhau, nhà ở đầu làng thấp hơn nhà cuối làng, tùy vào vị trí mô đất mà nhà trước thấp hơn nhà sau từ 2 - 3m hoặc cao hơn. Làng được bố trí giữa không gian ngọn núi Ngọc Linh hoang sơ hùng vĩ nhìn rất thanh bình, ấm áp và kết đoàn.
Già làng A Nía mong muốn Nhà nước sớm làm đường bê tông để bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, hơn nữa, làng Đăk Nai là địa chỉ cung cấp giống sâm dây, sâm dây tươi chất lượng cho huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông. Sâm dây ở đây là sâm rừng nguyên gốc, có mùi thơm đặc trưng, chất lượng, củ to rất được thị trường ưa chuộng. Do đường đi lại khó khăn nên giá cả bấp bênh bị tư thương ép giá, sâm dây giống bán tại làng 70.000 đồng/kg, thấp hơn giá thị trường 30.000 đồng/kg. Có đường bê tông các cháu đi học đỡ vất vả hơn, theo học cấp 3 nhiều hơn.
|
Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh A Bú chia sẻ: Để làm được hơn 1km đường bê tông lên làng Đăk Nai, đơn vị thi công rất vất vả bởi không có xe nào chở vật liệu đến nơi để làm đường mà chỉ nhờ vào sức dân, cõng là chính. Dù khó khăn mấy, xã mong muốn Nhà nước sớm bê tông đoạn đường còn lại để cho người dân có cơ hội phát triển kinh tế.
Dẫu biết rằng bà con Xơ Đăng làng Đăk Nai từ bao đời nay sinh sống trên núi Ngọc Linh này đã quen với cái nghèo cái khó nhưng đó là thời quá khứ, bà con sản xuất tự cung tự cấp; ngày nay cuộc sống đã đổi thay, bà con đã thay đổi nếp nghĩ cách làm, biết làm kinh tế từ lợi thế của vùng sâm dây rừng sẵn có. Cả làng Đăk Nai có 27ha sâm dây, chưa kể sâm Ngọc Linh, nhiều người trồng sâm dây dưới tán rừng, trồng xen cây lâu năm, thu nhập mùa sâm dây tương ổn định. Con đường đến làng được bê tông hoàn chỉnh, cơ hội đổi thay cuộc sống của bà con là rất lớn.
Hiện nay, làng đã có 2 nhà xây kiên cố: 1 nhà của trưởng thôn A Nương vừa mới được xây dựng xong trị giá 400 triệu đồng; 1 nhà đang trong quá trình xây dựng của bí thư chi bộ thôn A Noán, dự kiến sau khi hoàn thiện khoảng 800 triệu đồng. Chi phí vận chuyển vật liệu là nỗi lo lớn nhất của bà con khi tính toán xây nhà mới.
Anh A Nó (sinh năm 1977) thường xuyên cõng hàng thuê cho biết: Những ngày gần đây, từ 7 giờ sáng đến 16 giờ chiều anh cõng 3 chuyến hàng từ xã về làng được trả công 100 ngàn đồng. Điều kiện của người thuê anh cõng hàng, chuyến đầu tiên phải cõng 1 bao xi măng 50kg, 2 chuyến sau mỗi lần cõng 30kg mới được nhận đủ tiền công.
Trước khó khăn về đường giao thông của làng Đăk Nai, ông Nguyễn Trung Thuận- Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội- cơ quan phụ trách, giúp đỡ làng Đăk Nai, theo Kế hoạch số 133-KH/TU ngày 14/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” tại các thôn (làng) trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 cho biết: Sở đã có văn bản gửi UBND huyện Đăk Glei sớm quan tâm ưu tiên bố trí nguồn vốn từ các chương trình MTQG tiếp tục hoàn thiện và đẩy nhanh tiến độ làm đường giao thông nông thôn đến làng Đăk Nai càng sớm càng giúp bà con thuận lợi phát triển đời sống vật chất và tinh thần.
NGỌC MẪN