02/10/2024 13:08
Bạn tôi, một giáo viên trường THCS, phàn nàn rằng đang đau đầu vì tình trạng học sinh sử dụng điện thoại ở trường khá phổ biến, dù nhà trường đã có quy định học sinh không được sử dụng điện thoại trong lớp học; giáo viên cũng thường xuyên nhắc nhở các em.
Nhưng nhắc nhở chung quy lại vẫn chỉ là… nhắc nhở. Thầy cô giáo cũng phải giảng dạy, không thể lúc nào cũng có thể quan sát xem bên dưới học sinh có sử dụng điện thoại hay không.
Cũng không thể làm gắt, cấm đoán hay phạt, vì chưa có một quy định thống nhất về việc cấm hay cho phép sử dụng điện thoại di động. Nếu làm kiên quyết sẽ bị “phản ứng ngược”.
Bản thân anh cũng đã gặp chuyện khó xử. Một lần, phát hiện một học sinh đang sử dụng điện thoại nhắn tin trong giờ học, anh đã tạm giữ điện thoại, đến cuối giờ trả lại và nghiêm khắc phê bình.
Không biết em học sinh về kể chuyện với bố mẹ thế nào mà ngay buổi chiều phụ huynh đã lên trường khiếu nại thầy giáo vi phạm quyền riêng tư.
Phụ huynh ấy nói rằng, gia đình trang bị điện thoại cho con để liên lạc khi cần thiết, hoặc hỗ trợ cho việc tra cứu tài liệu phục vụ học hành. Thầy giáo cũng dùng điện thoại di động được, sao lại cấm học sinh? Thế là tôi phải báo cáo, giải trình- anh kể.
|
Câu chuyện của anh làm tôi nhớ gần đây, trên các diễn đàn, ngoài đời hay trên mạng xã hội, dân tình bàn luận nhiều về việc nên hay không nên cấm học sinh dùng điện thoại di động ở trường học.
Đa số ý kiến ghi nhận được đều thể hiện quan điểm ủng hộ nên cấm. Theo thăm dò của báo Tuổi Trẻ trong tháng 9/2024, có đến 74,2% bạn đọc biểu quyết: "Nên cấm tuyệt đối", 25,8% bạn đọc ý kiến "cấm một phần".
Lý do ủng hộ việc cấm học sinh dùng điện thoại ở trường thì có nhiều. Nhưng tựu trung lại là điện thoại chứa nhiều ứng dụng, công nghệ hấp dẫn, khiến trẻ dễ dàng bị cuốn hút cả ngày, làm mất đi khả năng tương tác của trẻ với nhau và mất đi sự chú tâm cho học tập.
Đặc biệt, khi lạm dụng điện thoại sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, khiến trẻ trở nên thu mình, thụ động, thậm chí phụ thuộc vào điện thoại khi trao đổi bài vở, tìm hiểu kiến thức có sắn trên mạng, thay vì tiếp thu qua thầy cô, sách vở.
Mặt khác, sử dụng điện thoại ở trường còn làm nảy sinh hệ lụy khác như lây nhiễm hành vi, lời nói không phù hợp từ các trang web độc hại; nghiệm game online; bóc phốt, nói xấu, bắt nạt nhau trên mạng xã hội, dẫn đến đánh nhau ngoài đời.
Không ai phủ nhận điện thoại thông minh có kết nối internet đã và đang là một công cụ hỗ trợ học tập thiết thực cho học sinh, giúp các em có cơ hội tiếp cận thông tin, học hỏi kiến thức nhanh chóng và sâu rộng.
Nhưng theo một giáo viên THPT, hệ lụy từ điện thoại di động rất rõ ràng. Giờ ra chơi các em rất ít vui đùa cùng nhau mà chỉ chăm chăm vào điện thoại, dễ dẫn đến xao nhãng học hành; dễ mê game, xem những thông tin, hình ảnh không lành mạnh, hoặc lên mạng xã hội bình luận này nọ, dẫn đến xích mích, đánh nhau.
Anh dẫn chứng, hồi đầu tháng 4/2024, cơ quan chức năng huyện Đăk Glei đã vào cuộc xác minh, xử lý vụ việc nữ sinh bị nhóm bạn học hành hung rồi quay clip đăng mạng xã hội. Mà nguyên nhân là do có mâu thuẫn trên mạng xã hội.
Vì vậy, không phải vô cớ mà tháng 7/2023, UNESCO kêu gọi toàn cầu cấm học sinh dùng điện thoại ở trường. Đã có nhiều minh chứng cho thấy có mối liên hệ tiêu cực giữa việc lạm dụng thiết bị điện tử và kết quả học tập của học sinh.
Đầu năm học 2024-2025, một số trường tại Thành phố Hồ Chí Minh quy định mạnh tay hơn: Không cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học (ngoài những tiết được giáo viên cho phép) hoặc giờ ra chơi.
Tôi đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng đây là việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện tốt điều cần có quy định chặt chẽ và đồng bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả về cách thức lẫn chế tài.
|
Tại Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có quy định học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp, không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên chủ nhiệm cho phép.
Tuy nhiên, do việc này được giao cho giáo viên chủ nhiệm “toàn quyền”, nên mỗi nơi thực hiện mỗi khác nên thiếu đồng bộ và chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó là những giải pháp đồng bộ để vừa “kéo” học sinh rời xa điện thoại, vừa không “đi ngược” lại xu thế chuyển đổi số trong ngành giáo dục hiện nay.
Bao gồm chủ động và linh hoạt trong tổ chức sân chơi cho các em, bao gồm hoạt động thể chất, rèn luyện kiến thức, kỹ năng sống. Trong các tiết học, nếu học sinh có nhu cầu cần thiết sử dụng điện thoại có thể liên hệ giáo viên đứng lớp để được giúp đỡ.
Mặt khác, đầu tư trang bị phòng máy tính được quản trị an toàn, chỉ cho phép vào những ứng dụng, trang web phục vụ học tập và có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của giáo viên.
Bên cạnh đó, cần xác định rõ vai trò của gia đình, của phụ huynh học sinh như thế nào trong việc cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường. Trên thực tế hiện nay, có rất nhiều bậc cha mẹ đã trang bị điện thoại di động cho các con từ cấp tiểu học, và phổ biến ở bậc THCS, THPT.
Không ít phụ huynh lấy điện thoại ra làm phần thưởng để khuyến khích con học hành chăm chỉ hơn. Thậm chí vì nuông chiều, hoặc không muốn con thua kém bạn bè, nên nhiều phụ huynh sẵn sàng mua cho con điện thoại đắt tiền.
Vì thế, phụ huynh phải kiên quyết hơn trong việc không cho con đem điện thoại đến trường.
Bởi vậy mới nói, để cấm học sinh dùng điện thoại ở trường, bên cạnh vai trò của nhà trường, thì cũng cần bắt đầu từ… ở nhà.
Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng lại là có lý!
Hồng Lam