25/10/2020 13:14
Hằng năm, vào mùa lũ, khúc ruột miền Trung thân yêu luôn oằn mình chịu đựng những đau thương, mất mát do lũ. Năm nay, liên tiếp lũ chồng lũ khiến cho miền Trung càng phải chịu nhiều đau thương, mất mát về người và của.
Lũ dồn lũ, mưa liên tục làm cho hàng chục ngàn hộ dân ở mảnh đất dọc chiều dài vùng duyên hải rơi vào cảnh khốn khó. Đã có không ít gia đình rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, tài sản chắt chiu cả đời người bỗng chốc bị cuốn trôi theo dòng lũ dữ. Và đau đớn hơn là trên mảnh đất này, giữa thời bình, có nhiều người dân lam lũ, những người thợ, người lao động.... làm nhiệm vụ đã mãi mãi nằm lại giữa lòng đất lạnh.
Mưa lũ kéo dài trong suốt mười mấy ngày qua đã khiến cho nhiều lưu vực ở các tỉnh Trung Trung bộ vượt mốc lịch sử, ngập sâu 212 xã, hàng chục vạn hộ dân bị ảnh hưởng. Đau thương hơn khi những cơn lũ quét, sạt lở núi đã làm cho trên trăm người chết và mất tích; ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông, công trình dân sinh; hàng ngàn ha lúa, màu bị ngập úng, hư hại.
Đau thương, mất mát về người do thiên tai không thể nào đo đếm bằng vật chất. Khởi đầu từ vụ sạt lở vùi lấp nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên – Huế) vào ngày 10/10 do lũ dữ gây ra, làm 17 công nhân bị vùi lấp. Nhiều gia đình có người thân bị vùi lấp tại Rào Trăng 3, bữa cơm gia đình dù được dọn ra nhưng không ai có thể đụng đũa, nuốt trôi...
|
Rồi hình ảnh cuối cùng được thấy khi 13 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn công tác Quân khu 4, tỉnh Thừa Thiên- Huế, vượt lũ, bất chấp đường sá sạt lở, giữa mưa tầm tã, nơi có nhiều điểm nguy cơ sạt lở cao để vào Rào Trăng 3 khảo sát, lên phương án cứu hộ cứu nạn những công nhân mắc kẹt ở đây đã làm xúc động hàng triệu con tim người Việt.
Cái đêm cuối cùng họ cùng ngồi bên đống lửa được nhóm tạm để hong khô áo quần, ăn vội chén cơm với nước mắm, bột nêm, mì tôm trong ngôi nhà của Trạm Kiểm lâm 67 đã làm không ít trái tim quặn thắt, phải bật khóc khi xem được những hình ảnh bình dị mà cao quý này.
Họ, những con người với cương vị công tác và với tinh thần trách nhiệm cao cả như lời của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man – Phó Tư lệnh Quân khu 4, trước khi lên đường: “Nhân dân đang cần chúng ta từng giờ, từng phút, dù khó khăn thế nào cũng phải đi, kể cả có hy sinh”. Và quả đúng như vậy, họ - những người con anh hùng của quê hương, đất nước đã về với dân và đã không tiếc máu xương, gian khổ, mất mát, hy sinh.
Trong nỗi đau tột cùng vì còn những thi thể công nhân chưa tìm thấy và sự hy sinh của 13 cán bộ, chiến sĩ tại Rào Trăng, thì nỗi đau lại chồng nỗi đau khi tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, 22 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 bị vùi lấp trong trận sạt lở núi giữa đêm khuya. Và cũng tại địa phương này, 6 người trong một gia đình cũng bị vùi lấp do sạt lở…
Hình ảnh thời sự trên VTV mỗi đêm đều thấy những cảnh xót xa, đau lòng khi giữa vùng đồng bằng, nước lũ bủa vây mênh mông, những con đường, cánh đồng ngập trắng. Những ngôi nhà chỉ còn trơ nóc giữa biển nước, những con người tuyệt vọng ngồi vắt vẻo trên nóc nhà giữa đỉnh lũ kêu cứu… khiến hai tiếng gọi đồng bào bỗng chạm nhói đến trái tim.
Chia sẻ với những đau thương, mất mát của đồng bào ruột thịt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự cảm thông sâu sắc, chia sẻ những mất mát, đau thương; gửi lời chia buồn đến những gia đình có người thân bị nạn do lũ, lụt.
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể khẩn trương phòng, chống lụt, bão; khắc phục hậu quả; kịp thời thăm hỏi, giúp đỡ nhân dân sớm ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi: “Tôi rất mong đồng bào ta ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”, “thương người như thể thương thân”, hết lòng động viên, giúp đỡ những người đang gặp hoạn nạn, khó khăn, những người nghèo, hộ nghèo để hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất do thiên tai gây ra”.
Mới đây, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ nghe báo cáo tình hình và xử lý hỗ trợ khắc phục mưa lũ tại miền Trung do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì chiều 19/10, Thủ tướng đã yêu cầu ngành Tài nguyên và Môi trường, Khí tượng thủy văn thực hiện tốt công tác dự báo, quán triệt tốt phương châm “4 tại chỗ”, cứu hộ, cứu nạn đảm bảo người dân ra khỏi vùng nguy hiểm được an toàn; thực hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách”, hỗ trợ cho đồng bào vùng lũ lụt.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý xuất hỗ trợ cho mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo, thực hiện kịp thời và đúng đối tượng; hỗ trợ lương khô, chuẩn bị cơ số thuốc dự phòng, ngành y tế cử cán bộ hướng dẫn người dân đảm bảo vệ sinh an toàn sau lũ. Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất cấp phương tiện, trang bị, thiết bị cứu hộ cứu nạn, đặc biệt là phương tiện nhỏ cấp thiết để cứu dân mắc kẹt ở vùng chia cắt, sử dụng an toàn, hiệu quả cho lâu dài; hỗ trợ 5 tỉnh gồm Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh mỗi tỉnh 100 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai...
Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Cứu trợ Trung ương phân bổ 20 tỷ đồng từ nguồn cứu trợ trung ương quản lý để hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại do bão lũ gây ra tại 5 tỉnh miền Trung. Trong đó hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình mỗi tỉnh 5 tỷ đồng; tỉnh Quảng Nam 3 tỷ đồng và Hà Tĩnh 2 tỷ đồng.
Hướng về đồng bào miền Trung thân yêu, qua các trang mạng xã hội, chúng ta thấy nhiều hình ảnh, việc làm hết sức cảm động của tình nghĩa đồng bào, của truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách” khi xuất hiện nhiều cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp hảo tâm ở trong tỉnh ta và nhiều địa phương trong cả nước tự nguyện trích xuất tiền của, lương thực, các vật tư nhu yếu phẩm khác để chia sẻ, cứu trợ người dân vùng lũ…
Mới đây, vào ngày 22/10 Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh ra lời kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, công nhân viên chức, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, nhà hảo tâm… trong tỉnh với tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái”, “nhường cơm, sẻ áo” với đồng bào miền Trung bằng những hành động thiết thực, mỗi người đóng góp tối thiểu 1 ngày lương để ủng hộ đồng bào miền Trung ruột thịt vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả thiên tai.
Thêm một lần nữa miền Trung thân yêu phải gồng mình chống chọi với lũ dữ. Lại thêm một lần nữa hai tiếng gọi tha thiết “miền Trung ơi” lại vang lên đau đáu, day dứt hàng triệu trái tim người Việt. Trong những ngày này, đồng bào cả nước đều hết lòng chia sẻ những đau thương, mất mát. Bằng những hành động thiết thực, nhân dân cả nước cùng hướng về miền Trung, cùng “chung lưng đấu cật”, san sẻ những khó khăn, gian khổ. Bởi, trong sâu thẳm tấm lòng mỗi người dân đất Việt, luôn vang vọng tha thiết tiếng gọi “miền Trung ơi”.
Dương Đức Nhuận