27/06/2022 07:40
Theo Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg (ngày 4/5/2001) của Chính phủ, ngày 28/6 hàng năm được lấy là Ngày Gia đình Việt Nam. Đây là dịp cao điểm để các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội và khẳng định vai trò của gia đình trong đời sống. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để mỗi thành viên trong gia đình thể hiện sự quan tâm, sẻ chia, tình yêu thương lẫn nhau, biết quý trọng và tích cực vun vén cho hạnh phúc gia đình. Trải qua 21 năm, Ngày Gia đình Việt Nam ngày càng thu hút được sự quan tâm của các cấp,các ngành và mỗi gia đình.
Không chỉ trong Ngày Gia đình (28/6) hay trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6 hằng năm) mà công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một trong những nhiệm vụ luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, được các cấp, các ngành chú trọng thực hiện.
|
Các hoạt động truyền thông, vận động nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, vị trí của gia đình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước được tăng cường. Các chính sách, chương trình chăm lo, hỗ trợ về đời sống vật chất và tinh thần được chú trọng thực hiện. Nhờ đó, các gia đình đã cơ bản tiếp cận các dịch vụ xã hội. Chất lượng cuộc sống của đại bộ phận gia đình ngày càng nâng cao. Hoạt động chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi trong gia đình được nâng lên. Bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế -xã hội.
Nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cùng với cả nước, những năm gần đây, tỉnh ta đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện nhiệm vụ chăm lo cho hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc.
Các cấp, các ngành tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình tự nguyện, tự giác thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình; giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình. Các phong trào, hoạt động để góp phần xây dựng gia đình tiến bộ, no ấm được triển khai sâu rộng như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”... Các mô hình “Can thiệp, phòng chống bạo lực gia đình”, Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc bền vững” ngày càng được nhân rộng... Đa số gia đình tập trung phát triển kinh tế, chú trọng nuôi con khỏe, dạy con ngoan, sống có trách nhiệm, hiếu thuận với cha mẹ; tích cực thực hiện bình đẳng giới, ngăn chặn bạo lực, chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc.
Dẫu vậy, thẳng thắn nhìn nhận, ở một số nơi, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng trong công tác xây dựng gia đình. Tình trạng bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới vẫn xảy ra. Các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, số vụ ly hôn, ly thân có xu hướng gia tăng. Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng xa, mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình có phần lỏng lẻo hơn... Những điều này tác động tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe của con người và ảnh hưởng đến hạnh phúc của nhiều gia đình.
Vì vậy, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người; là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.
Thực hiện nhiệm vụ này, ngày 28/2/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 548/KH-UBND triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Nhiệm vụ trọng tâm là quán triệt, phổ biến, triển khai thực hiện kịp thời quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò tầm quan trọng của gia đình và công tác gia đình. Phát huy vai trò của gia đình nhằm tạo môi trường giáo dục sớm, góp phần xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, phát triển toàn diện.
Để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức về vị trí, vai trò, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong việc triển khai thực hiện công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, ngày 09/5/2022, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 1335/KH-UBND thực hiện Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025. Mục tiêu mà tỉnh đề ra là nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bạo lực gia đình, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động trong phòng chống bạo lực để từng bước giảm dần bạo lực gia đình, kịp thời hỗ trợ người bị bạo lực gia đình. Đồng thời, giáo dục đạo đức, lối sống và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; kịp thời ngăn chặn các biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống và các hành vi bạo lực gia đình.
Hạt nhân của xã hội là gia đình. Do đó, để xây dựng một xã hội hạnh phúc phải bắt đầu từ mỗi gia đình. Đây là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của mỗi gia đình và toàn xã hội.
Thiên Hương