12/08/2018 18:01
Tháng 8/1991, tỉnh Kon Tum thành lập lại theo Nghị quyết của Quốc hội khoá VIII, tách tỉnh Gia Lai - Kon Tum thành 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Hẳn rằng, trong ký ức của những cán bộ, người dân Kon Tum vẫn chưa thể nào quên cái buổi đầu mới “ra riêng” ấy với biết bao khó khăn, thiếu thốn. Dân số toàn tỉnh lúc bấy giờ chỉ có khoảng 23 vạn người với 5 huyện, thị xã. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật thấp kém; đời sống của nhân dân vô cùng khó khăn thiếu thốn. Kon Tum nối với bên ngoài bằng con đường duy nhất là Quốc lộ 14 từ Gia Lai lên; 90% đường giao thông nội tỉnh là đường đất, nhiều xã chưa có đường xe đi vào trung tâm. Chợ, cửa hàng buôn bán cũng thưa thớt nên việc bán mua của người dân đều hạn chế; gần như trong toàn tỉnh mới chỉ có trung tâm thị xã Kon Tum có điện...
Kể ra những điều trên để chúng ta thấy được rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh không hề chùn bước trước những thử thách mà luôn đoàn kết, nỗ lực vươn lên vượt qua khó khăn, gian khổ. Với những chủ trương đúng đắn, quyết sách hợp lý và sự đầu tư đúng mức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cùng với sự bền bỉ, kiên cường, nỗ lực của cán bộ, nhân dân, Kon Tum dần bước qua những gian khó, tạo ra đổi thay vượt bậc.
Kinh tế của tỉnh luôn giữ vững tốc độ tăng trưởng đều qua các giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1992-1995 đạt 9,15%/năm, giai đoạn 1996-2000 đạt 9,85%/năm, giai đoạn 2001-2005 đạt 11%/năm, giai đoạn 2005-2010 đạt 14,51%/năm, giai đoạn 2011-2015 đạt 15%/năm. Từ năm 2016 đến nay, trong bối cảnh chung của cả nước gặp rất nhiều khó khăn, nhưng tốc tăng trưởng kinh tế của tỉnh ta vẫn đạt từ 8,01% - 9,01%/năm...
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tập trung vào các ngành kinh tế mũi nhọn như công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Ngành nông lâm nghiệp có chuyển biến tích cực, phát triển nhanh theo hướng sản xuất hàng hoá. Ngành thương mại - dịch vụ cũng phát triển mạnh, xuất khẩu hàng hoá tăng cao. Nếu như năm 1992, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 1,1 triệu USD thì năm 2017 là 135 triệu USD. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 5.185 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 9,25% cùng kỳ năm trước; thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 1.172 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 42 triệu USD, bằng 43,3% kế hoạch...
Văn hóa - xã hội cũng có những bước tiến vượt bậc. Từ chỗ toàn tỉnh chỉ có 110 trường từ mầm non đến THPT vào năm 1991, cơ sở vật chất thiếu thốn thì đến năm học 2017 – 2018, toàn tỉnh đã có 442 trường học ở cả 3 cấp; chất lượng giáo dục được nâng lên; mạng lưới y tế phủ kín đến tận các xã, chất lượng khám, chữa bệnh dần được cải thiện; quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đối ngoại địa phương ngày càng được mở rộng...
Công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt được những kết quả khả quan, đời sống nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo đói giảm xuống. Khi mới lập lại tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo đói của Kon Tum lên tới trên 60%, đến cuối năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 19,5%; thu nhập bình quân đầu người hiện đạt gần 35 triệu đồng/năm...
Những số liệu nêu trên đã minh chứng cụ thể nhất về thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sau 27 năm xây dựng và phát triển. Và, thực tế, chúng ta có thể thấy rõ sự đổi thay trên từng làng quê, góc phố. Đó là, các con đường mới mở và thảm nhựa ngày càng nhiều, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hoá; đó là hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh mở ra ngày càng đông đúc; đó là những làng quê trù phú, khang trang; là những rẫy cà phê, cao su bạt ngàn hút tầm mắt; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng nâng lên nâng cao...
Người dân Kon Tum hoàn toàn có quyền tự hào về những gì đạt được ngày hôm nay. Bởi vượt qua bao khó khăn, gian khó, mảnh đất nghèo nhưng kiên trung, anh dũng trong cách mạng đã và đang vươn mình lớn mạnh để vững vàng ở “tuổi 27” đầy sức sống như hôm nay.
Trong hành trình đi tìm “lời giải cho sự phát triển” đi lên về mọi mặt kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương, các cấp, các ngành của tỉnh đã tranh thủ tốt các nguồn vốn đầu tư của Trung ương; sự hỗ trợ từ các chương trình 134, 135, 168, chương trình hỗ trợ định canh, định cư của Chính phủ...
Nhưng trên tất cả, yếu tố quyết định cho mọi sự thành công hôm nay là tinh thần đoàn kết, nhất trí trong Đảng bộ, chính quyền được phát huy, sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Từ đó, huy động trí tuệ tập thể, xây dựng những quyết sách đúng đắn mang tính đột phá, đề ra những giải pháp thực hiện phù hợp với thực tiễn địa phương, nêu cao quyết tâm chính trị thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu.
Nhiều nghị quyết đúng đắn, mang tính đột phá của Tỉnh ủy Kon Tum trong các thời kỳ đã được ban hành kịp thời làm cơ sở để các cấp chính quyền triển khai trong thực tiễn của tỉnh, đưa kinh tế - xã hội từng bước phát triển, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là vùng sâu vùng xa.
Tiêu biểu cho những chủ trương đúng đắn, mang tính đột phá, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của tỉnh lúc bấy giờ, nhằm tạo đà phát triển từ cơ sở, nâng cao đời sống nhân dân là Nghị quyết 01-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa XI về “Tiếp tục xây dựng các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế mới khó khăn” sau này là Nghị quyết 04 (ngày 14/6/2007) của Tỉnh ủy khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng các xã đặc biệt khó khăn”. Triển khai thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU, người dân ở các xã vùng khó đã được các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện hỗ trợ, giúp đỡ, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống vật chất và tinh thần cũng như nhận thức.
Nghị quyết 02-NQ/TU (ngày 20/4/2007) của Tỉnh ủy khóa XIII về “Đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2007-2010, có tính đến năm 2020”. Trên cơ sở đó, tỉnh đề ra những giải pháp ưu tiên nguồn lực, thu hút đầu tư xây dựng 3 vùng kinh tế động lực là thành phố Kon Tum, huyện Ngọc Hồi và Kon Plông gắn với các khu, cụm công nghiệp của tỉnh; từ đó, hình thành các vùng kinh tế động lực làm “đầu tàu”, tạo sự lan tỏa thúc đẩy vùng lân cận cùng phát triển.
Nghị quyết số 03-NQ/TU (ngày 27-7-2011) của Tỉnh uỷ khoá XIV “về xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực”, Nghị quyết số 02 (ngày 30/06/2016) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum (khóa XV) về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh”. Qua đó, tạo điều kiện để khai thác và thúc đẩy các ngành nghề, thế mạnh của mỗi địa phương. Những sản phẩm chủ lực như: cà phê, cao su, mì, điện, dược liệu, rau hoa xứ lạnh... được chú trọng khai thác, nâng cao về sản lượng, giá trị sản phẩm; góp thúc đẩy nông nghiệp, công nghiệp phát triển...
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự quản lý điều hành của UBND tỉnh, trong hành trình 27 năm phấn đấu liên tục, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn tỉnh, Kon Tum đã có những “thay da, đổi thịt” kỳ diệu về mọi mặt như ngày hôm nay, cuộc sống ấm no, hạnh phúc đã và đang đến với từng người dân, hiển hiện trên từng ánh mắt, nụ cười mà chúng ta bắt gặp trên các nẻo đường ngược xuôi.
Mỗi ngày 12/8 đi qua, Kon Tum lại thêm một “tuổi mới”. Từ những kết quả đạt được và những triển vọng trong phát huy lợi thế của tỉnh, chúng ta tin tưởng về những bước phát triển mạnh mẽ hơn của tỉnh trong chặng đường mới.
Thuỳ Hương