16/11/2020 13:04
Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như quá trình xây dựng và phát triển đất nước, tinh thần đoàn kết dân tộc chính là nền tảng sức mạnh để toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành thắng lợi trên mọi mặt trận. Để xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, với vai trò là trung tâm, hạt nhân, những năm qua, MTTQ các cấp đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, nhiều phong trào thi đua yêu nước, tập hợp, khơi dậy và phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân. Đó là triển khai Cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; các hoạt động thăm hỏi, vận động, giúp đỡ đồng bào các dân tộc, đồng bào tôn giáo; chia sẻ, hỗ trợ các hộ nghèo, gia đình khó khăn, hoạn nạn…
Nhiều năm nay, vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11), Ủy ban MTTQ các cấp lại tưng bừng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây chính là dịp để các tầng lớp nhân dân cùng nhau ôn lại truyền thống đoàn kết, thống nhất, về các giá trị lịch sử tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, nhìn nhận, đánh giá kết quả thực hiện và biểu dương những tập thể, cá nhân, gia đình điển hình thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua ở khu dân cư và đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội trên địa bàn.
|
Tại Ngày hội, nhân dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình, thẳng thắn nêu ra ý kiến góp phần xây dựng khu dân cư văn hóa, tích cực giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống cộng đồng… Cũng thông qua Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, nhiều khu dân cư còn đề ra nhiều hình thức giúp đỡ nhau trong cuộc sống như: Giúp nhau chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; trao đổi kinh nghiệm sản xuất; hỗ trợ hộ nghèo, chăm lo gia đình chính sách… thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Từ đó, tạo khí thế thi đua sôi nổi, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân đồng lòng, tích cực tham gia các phong trào do MTTQ Việt Nam phát động, góp sức xây dựng quê hương, đất nước.
Đặc biệt, những năm gần đây, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm; quy mô, hình thức tổ chức được nâng lên. Không chỉ giới hạn trong những hoạt động mang tính nghi lễ mà nhiều thôn, làng còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức bữa cơm đoàn kết phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương.
Thông qua các hoạt động này, đã quy tụ được đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó trong mỗi cộng đồng dân cư.
Hơn thế nữa, sự phấn khởi, niềm tin tưởng, tinh thần đoàn kết toàn dân còn được nhân lên khi trong Ngày hội lãnh đạo các cấp trong tỉnh, địa phương đến tham dự và động viên, đồng thời, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người dân. Vì vậy, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thực sự đã trở thành diễn đàn dân chủ của nhân dân, khơi dậy được bầu không khí cởi mở, chân tình; tạo sự gắn bó mật thiết, gần gũi giữa nhân dân với Đảng, với chính quyền. Trên cơ sở đó, tạo được sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giữ vững quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh ở từng địa phương và trên toàn tỉnh.
Có thể nói, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là nét đẹp riêng có trong quá trình xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc của Đảng và đất nước ta; trở thành “chất keo” gắn kết mọi người để cùng nhau góp sức xây dựng địa phương, đất nước. Vì thế, cấp ủy đảng, chính quyền và Ủy ban MTTQ Việt Nam ở mỗi địa phương cần quan tâm nhiều hơn đến việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt tránh tính hình thức, nhằm mang lại giá trị tích cực và phát huy được mục đích tốt đẹp vốn có của ngày này.
Thùy Hương