27/09/2017 06:26
Cậu con đang học ở một trường THCS hôm rồi về nói rằng, cô giáo chủ nhiệm của con bảo lớp con năm nào cũng vậy, đóng góp các khoản thu tự nguyện (xã hội hóa, quỹ hội cha mẹ học sinh, quỹ lớp…) đều ít hơn các lớp khác. Đành rằng tự nguyện nhưng chung quy lại cũng phục vụ cho các em học sinh cả nên khi mức đóng góp ít có tổ chức hoạt động gì cũng khó khăn…
Câu chuyện của cậu con kể khiến tôi hiểu nhiều hơn nỗi niềm của cô giáo. Không đến mức “con gà hơn nhau tiếng gáy” nhưng khi cô giáo chủ nhiệm ở lớp này thu các khoản thu ít hơn nhiều so với lớp khác, chắc chắn bản thân cô giáo phần nào kém vui. Chưa biết nhà trường có phê bình, có xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua suốt cả năm học của cô giáo không nhưng chắc hẳn đều nghĩ rằng cô làm công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh chưa tốt…
Nhưng, không hẳn vậy. Không chỉ cô giáo chủ nhiệm của lớp cậu con tôi mà bất cứ giáo viên chủ nhiệm nào trong buổi họp phụ huynh đầu năm học cũng đều dành phần lớn thời gian nói về các khoản đóng nộp (bắt buộc); đồng thời phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh bàn bạc, lấy ý kiến các phụ huynh và đi đến thống nhất chung về mức (mức sàn) các khoản đóng nộp tự nguyện.
Riết năm nào cũng vậy, có phụ huynh khi nhận giấy mời họp phụ huynh đầu năm học, chưa đi họp đã biết chỉ để thông báo đóng nộp tiền mà thôi. Thậm chí, cuộc họp phụ huynh đầu năm trở thành dịp để hợp thức hóa các khoản tiền “xã hội hóa”, “tự nguyện”. Còn những thành viên nằm trong ban đại diện cha mẹ học sinh của mỗi lớp, sau buổi họp phụ huynh đầu năm, với 100% phụ huynh thống nhất mức sàn các khoản đóng góp tự nguyện đưa ra đều thở phào nhẹ nhõm xem như hoàn thành nhiệm vụ của cả năm học…
Vì sao việc đóng nộp các khoản đầu năm học của học sinh năm nào cũng có nhiều ý kiến đến vậy? Thực tế trong những năm gần đây, đặc biệt ở khu vực thành thị, vùng thuận lợi, nhiều trường “vin” vào cớ xã hội hóa giáo dục đã “đẻ” ra hàng loạt khoản thu khác nhau. Việc “loạn thu” này đối với các gia đình khá giả thì cũng chỉ là “muối bỏ bể” nhưng với những gia đình khó khăn, trung bình có 2 con, mỗi thứ mỗi ít, góp lại sẽ “thành bão” khiến họ phải chạy đôn chạy đáo mới đủ tiền đóng nộp.
Có phụ huynh cho rằng, các khoản thu gọi là tự nguyện (nhưng thực ra như là bắt buộc vì không có sự lựa chọn nào khác) mà ban đại diện hội cha mẹ học sinh nêu ra cũng không phải là quá cao. Mỗi nhà góp vào một tý để xây dựng trường học khang trang, cơ sở vật chất đầy đủ hơn thì chắc chắn con mình sẽ học tập tốt hơn. Chỉ mong sao từ khoản đóng góp của phụ huynh, nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh sử dụng đúng mục tiêu đặt ra là được.
Nhưng cũng có phụ huynh cho rằng, những khoản thu thật sự cần thiết cho việc dạy và học thì ngành Giáo dục đã quy định rõ. Đặc biệt, theo quy định, các bậc phụ huynh không phải tham gia đóng góp cho các hạng mục như mua sắm, sửa chữa trong nhà trường mà đó là trách nhiệm của nhà nước và cơ sở giáo dục. Còn những khoản “đẻ” ra thêm, nếu không có thì giáo viên vẫn dạy tốt và học sinh vẫn học tốt.
Dù chưa bằng lòng là vậy, nhưng rồi, không có sự lựa chọn nào khác, phụ huynh cứ nghĩ, để được cái chữ cho con thôi đành im lặng. Im lặng nộp nhưng mỗi khi gặp nhau, phụ huynh như nén tiếng thở dài, xì xào nói với nhau, sao năm nào cũng nộp nhiều thế. Im lặng nộp nhưng vẫn băn khoăn vì hôm nay góp tiền mua cái tủ, làm cái nhà xe để rồi vài năm sau lại thêm quỹ xyz...
Quanh chuyện các khoản thu đầu năm này, gần đây, dư luận lên tiếng nên xóa bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh. Vì theo như đã nói, họp phụ huynh đầu năm chỉ để nói chuyện thu tiền và ban đại diện cha mẹ học sinh như cánh tay nối dài của nhà trường để đặt ra các khoản thu tự nguyện. Mà ban đại diện cha mẹ học sinh là ai - thường là những người có địa vị trong xã hội, những người có điều kiện kinh tế… - nên ý kiến chủ quan của họ chưa phản ánh hết tâm tư, nguyện vọng của số đông phụ huynh.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ phát đi công văn hỏa tốc gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành nêu yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc chấn chỉnh lạm thu đầu năm học.
Dù trên địa bàn tỉnh chưa có mức đóng góp đầu năm lên đến hàng chục triệu đồng mỗi học sinh như các địa phương khác nhưng không vì thế mà thiếu đi việc thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm. Các trường học vì thế cần công khai, minh bạch các khoản thu chi; ban đại diện cha mẹ học sinh cũng cần tiến hành bàn bạc, thảo luận một cách dân chủ… để sự tự nguyện phải thực sự là tự nguyện. Phụ huynh cũng từ đó mà bớt đi những băn khoăn vì năm nào cũng vậy, các khoản thu đầu năm học cho con vẫn luôn là chuyện “biết rồi, khổ lắm”… nhưng vẫn “nói mãi”!
Liễu Hạnh