30/04/2017 08:08
Tôi đã vô cùng xúc động và cảm phục khi gặp đoàn cựu chiến binh từ các tỉnh phía Bắc đến với Kon Tum trong hành trình thăm chiến trường xưa những ngày cuối tháng Tư lịch sử này. Ngắm nhìn thành phố Kon Tum - vùng đất được mệnh danh là “chảo lửa” trong chiến tranh đang hồi sinh, vươn mình trỗi dậy từng ngày, các cựu chiến binh - có người từng hành quân qua đây, có người từng tham gia một vài trận đánh trên vùng đất này… đều dâng trào cảm xúc.
Ánh mắt của các cựu chiến binh sáng lấp lánh, hai tay liên tục giơ lên, hạ xuống theo từng mạch nguồn cảm xúc trào dâng mà chỉ có những người trong cuộc mới hiểu được. Ai cũng bảo, còn sống là phải chiến đấu, phải cống hiến - bất kể chiến trường nào. Chiến tranh có thể cướp đi một phần thân thể của những người lính Cụ Hồ nhưng không thể cướp đi nghị lực, niềm tin vào cuộc sống.
Trong cuộc trò chuyện ấy, tôi cứ nhớ mãi bác Nguyễn Văn Tài (thành phố Vinh, Nghệ An). Bác nay đã 68 tuổi. Cách đây 2 năm, bác bị tai biến mạch máu não, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã trả về nhưng bác đã thoát khỏi cái chết một cách diệu kỳ. Dù vợ, con cái không đồng ý; dù giọng nói của bác không tròn vành rõ chữ, chân yếu vừa đi phải vừa vịn… nhưng bác vẫn quyết tâm cho cuộc hành trình về chiến trường xưa này.
Bác nói rằng, mình vẫn còn may mắn hơn bao nhiêu đồng đội khác, được sống để chứng kiến ngày đất nước độc lập, kết trái tự do; còn sống để tiếp tục cống hiến dựng xây đất nước… Bác muốn đến chiến trường xưa một thời bom sôi lửa đạn để thắp nén tâm nhang, bày tỏ tấm lòng tri ân với những đồng đội, những người anh hùng đã ngã xuống trên vùng đất Tây Nguyên này. Bác muốn đến để báo công với đồng đội, rằng cho đến hôm nay, bác vẫn không ngừng nỗ lực cống hiến.
Những người lính Cụ Hồ như bác luôn tâm niệm, cống hiến hết mình với tinh thần trách nhiệm cao nhất chính là để tri ân đồng đội, để góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.
Câu chuyện với các cựu chiến binh, ai cũng hăng say kể về những năm tháng chiến tranh, về hành trình, về tri ân, về cống hiến bằng giọng điệu lúc trầm, lúc bổng, lúc khoan thai, lúc sôi lên sùng sục khiến cho tôi cứ có cảm giác như họ - những ông lão sắp hoặc đã bước sang tuổi xưa nay hiếm vẫn mang trong mình sức trẻ của các chàng chiến sĩ tham gia chiến trường Tây Nguyên năm nào.
Để rồi năm nào cũng vậy, cứ mỗi tháng Tư về, những người lính Cụ Hồ như bác Tài lại cảm xúc trào dâng. Những kỷ niệm xưa, những ánh mắt đồng đội, hình ảnh những vạt cây rừng nham nhở sau mỗi trận mưa bom bão đạn… như những thước phim quay chậm thôi thúc họ lên đường.
Đi hơn nửa tháng trời, ngồi xe di chuyển qua 5 tỉnh Tây Nguyên, rồi lại hành trình vào Thành phố Hồ Chí Minh nhưng ai cũng có cảm giác như khỏe ra. Với họ, chuyến hành trình thăm lại chiến trường xưa này còn gì ý nghĩa hơn khi cả nước nói chung, Kon Tum nói riêng đang có nhiều hoạt động kỷ niệm ngày 42 năm ngày toàn thắng của dân tộc.
Lan man câu chuyện của các cựu chiến binh trong hành trình thăm lại chiến trường xưa năm nào để thấy, kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, không chỉ để ôn lại chặng đường chiến đấu gian khổ, phút giây vinh quang chiến thắng mà còn có một ý nghĩa cao đẹp. Đó là tri ân những anh hùng, liệt sĩ, đồng bào ta trên khắp đất nước đã đóng góp xương máu, công sức, của cải cho độc lập tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân.
Chúng ta tri ân những anh hùng liệt sĩ đã nằm lại trên những cánh rừng Trường Sơn; tri ân những bà mẹ Việt Nam anh hùng “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”; tri ân các anh chị thanh niên xung phong, bộ đội đã hiến dâng tuổi thanh xuân và đến nay vẫn âm thầm chịu đựng những nỗi đau nhưng luôn nỗ lực cống hiến sức lực còn lại cho hạnh phúc của mọi người, cho quê hương, đất nước…
Và, đi cùng với sự tri ân, khắc cốt ghi xương công ơn ấy, chúng ta phải có nhiều hơn những hành động thiết thực. Nói cách khác, thể hiện sự tri ân ấy không điều gì tốt hơn là cống hiến. Chỉ có cống hiến cho quê hương, đất nước, cho xã hội, chúng ta mới có thể một phần nào đáp đền công ơn của những người hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Chỉ có thể bằng sự nỗ lực học tập, lao động… để cống hiến, chúng ta mới có thể góp phần xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong muốn.
Nguyên Phúc