02/02/2018 13:28
Nghe chuyện, không ít người giật mình lo lắng và đặt câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu như số hàng hóa đó được vận chuyển, mua bán trót lọt và đến tận tay người tiêu dùng? Và, những vụ việc được ngành chức năng trên địa bàn tỉnh phát hiện, bắt giữ, xử phạt đó phải chăng cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm? Hay nói cách khác, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng… trong dịp tết không dừng lại ở những vụ, việc được lực lượng chức năng phát giác, mà còn nhiều, rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh tàng trữ, buôn bán hàng tết phi pháp khác nữa, chẳng qua chưa bị lộ diện mà thôi?
Cũng là điều dễ hiểu, tết chính là thời điểm mà nhà nhà, người người đều mua sắm. Cung theo cầu với đủ loại sản phẩm, đủ mức giá cả đáp ứng ngày càng cao, ngày càng đa dạng nhu cầu tiêu thụ của người dân.
Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu các sản phẩm có uy tín, chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có thời hạn sử dụng… Nhưng thực tế cho thấy, không phải tất cả số hàng hóa lưu thông trên thị trường đều đảm bảo các tiêu chuẩn đó. Và chẳng có thời điểm nào thích hợp hơn là dịp năm hết tết đến để các nhà sản xuất, tiểu thương cơ hội “đục nước béo cò”, tống tháo được số hàng quá hạn, hàng không nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm… Họ lập lờ, trà trộn gói vào những lẵng quà tặng, những phần quà từ thiện hay tuồn về các cửa hàng tạp hóa ở vùng sâu, vùng xa. Rồi, kiểu găm hàng, khan hàng và tạo nên sốt giá (dù ít dù nhiều) thì hầu như tết cổ truyền nào cũng xảy ra đây đó, với một số mặt hàng…
Đã có những cái lắc đầu ngao ngán, những tiếng thở dài ngậm ngùi khi đứng trước những hộp bánh, gói kẹo làm giả, kém chất lượng hay những chai nước ngọt, hộp sữa đã hết hạn sử dụng hoặc không ghi thời hạn sử dụng… vẫn được bày bán nhập nhèm cùng hàng mới ở các cửa hàng tạp hóa vùng sâu, vùng xa. Người bán không chút băn khoăn cứ thế mà bán, người mua thì không chút phân vân cũng cứ thế mà mua…
Hãy là người tiêu dùng thông thái - là lời khuyên của các ngành chức năng lâu nay trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng quá hạn sử dụng hay hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm…
Nhưng, liệu có phải tất cả mọi người tiêu dùng đều có thể thực hiện được điều đó?
Khi thói quen mua sắm thiếu đi sự kiểm tra; khi tâm lý có phần lơ là, chủ quan vào dịp Tết; khi trình độ, nhận thức của người tiêu dùng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa còn có những hạn chế nhất định; khi cái khó bó cái khôn, túi tiền không cho phép có nhiều sự chọn lựa và cả khi đói no còn là gánh nặng… thì chuyện hàng nhái, hàng nhập lậu hay hàng quá hạn đâu phải là vấn đề quan tâm hàng đầu!
Và cho dù ngay cả khi ý thức phòng, chống được nâng lên, thì hiện nay, chỗ dựa thông tin chuẩn, phương pháp lựa chọn đúng… cũng khó mà cập nhật rộng khắp đến với người tiêu dùng.
Dễ dàng nhận thấy rằng, vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả không chỉ làm thất thu ngân sách, làm suy yếu nền kinh tế, gây hoang mang trong cộng đồng mà còn tổn thất về tiền bạc, sức khỏe người tiêu dùng. Đã có không ít trường hợp người dân, đặc biệt ở các xã vùng sâu, vùng xa ăn phải những loại bánh kẹo, thực phẩm kém chất lượng trong dịp tết. Nặng thì mất vui mấy ngày tết, nhẹ là nỗi lo tiềm ẩn đến sức khỏe về lâu dài.
Trách nhiệm với hàng tết có lẽ vì thế không chỉ trông chờ từ các đợt kiểm tra, thanh tra (dù luôn đòi hỏi phải nêu cao nhưng cũng gặp những trở ngại bởi sự phức tạp của thực tế), hay từ sự chấp hành nghiêm của các cơ sở kinh doanh (vì lợi nhuận luôn được đặt lên hàng đầu) mà sâu rễ bền gốc nhất vẫn là sự hiệu quả trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng. Bởi, cho dù cơ quan chức năng có quyết liệt xử lý đến đâu nhưng người tiêu dùng vẫn ham sản phẩm giá rẻ, càng rẻ càng tốt thì hàng giả, hàng lậu, hàng quá hạn vẫn cứ có chỗ đứng.
Bình Toàn