03/12/2018 13:00
1. Cách đây 10 năm trước, ngày 5/8/2008, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW- nghị quyết lịch sử đầu tiên của Đảng đề cập tới cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Khi ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, đây là nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh nhất, được cả hệ thống chính trị và nhân dân đồng tình ủng hộ.
Đúng với tên gọi, Nghị quyết khẳng định nông dân là chủ thể, xây dựng nông thôn mới căn bản phát triển toàn diện nông nghiệp là then chốt, giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân không chỉ đến năm 2020 mà còn trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển đất nước.
Những số liệu thống kê được Ban Kinh tế Trung ương đưa ra tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đủ làm hài lòng bất cứ ai quan tâm đến vấn đề "tam nông", kể cả những người khó tính nhất.
Nhưng điều thu hút sự chú ý của tôi nhất lại là một người đàn ông thấp đậm, nước da đen cháy và giọng nói đặc chất Nam Bộ. Và tôi nhận thấy, không phải chỉ có mình mới chú ý đến ông, bởi rất nhiều lần ông xuất hiện trên màn hình.
Rõ ràng, sự xuất hiện của một "nông dân chính gốc" tại một diễn đàn lớn, mang tầm quốc gia, do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Chính phủ chủ trì, có sự tham gia của nhiều chính khách mang ý nghĩa như một thông điệp cho thấy vị thế của nông dân trong thời đất nước hội nhập.
Bất ngờ hơn nữa, ông được mời "đăng đàn" phát biểu. "Tôi tên là Võ Minh Huy, hay Út Huy. Tôi là một nông dân, đến từ tỉnh Sóc Trăng..." - ông chậm rãi nói. Cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay. Và, tôi thở phào nhẹ nhõm. Thật tình, tôi lo lắng rằng, ông sẽ run và mất bình tĩnh khi phải phát biểu trong một không gian "không quen thuộc", hoặc sẽ đọc một bài viết trơn tru được soạn sẵn.
Thế rồi, bằng phong thái tự tin, lịch thiệp và sự hiểu biết sâu rộng, ông nói về nhận thức của mình về Nghị quyết 26-NQ/TW, nói về những gì mình và bà con nông dân đã làm, đang làm và sẽ làm, về những bất cập, tồn tại mà Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành cần quan tâm tháo gỡ...
Ông kiến nghị áp dụng mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp; khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để hỗ trợ nông dân. Phải đặt vấn đề thị trường trước khi sản xuất để hạn chế tối đa tình trạng được mùa mất giá; hệ thống ngân hàng cần cung ứng vốn tín dụng với cơ chế cần thiết vào lĩnh vực nông nghiệp...
Những tràng pháo tay liên tục làm ông phải ngừng bài phát biểu của mình nhiều lần. Điều đó nói lên rằng, nông dân ngày nay đủ tự tin và bản lĩnh để thể hiện vai trò chủ thể của mình...
2. Có một điều khá đặc biệt ở tỉnh Kon Tum là, từ năm 2007, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết 01/TU về “Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân”. Trong đó xác định: “Đầu tư thoả đáng và đồng bộ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn(...), bảo đảm tạo ra sự đột phá có tính cơ bản và rõ nét vào năm 2010...”.
Việc sớm có Nghị quyết về “tam nông” không chỉ thể hiện rõ sự sáng suốt, tính đúng đắn trong quá trình lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh mà còn khẳng định quyết tâm tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ trên 3 lĩnh vực có vai trò quyết định đến sự phát triển bền vững của tỉnh.
Có thể khẳng định, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, “dòng chảy đầu tư” cho mục tiêu nâng cao đời sống nông dân trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Hàng loạt chương trình mục tiêu quốc gia, dự án lớn được triển khai với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng. Mặc dù là một tỉnh nghèo, nhưng hàng năm tỉnh ta cũng đã “rộng tay” bố trí hàng chục tỷ đồng từ ngân sách địa phương cho công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn nông dân cách thoát nghèo, làm giàu...
Các vùng sản xuất hàng hoá chuyên canh được hình thành, gắn với thị trường và công nghiệp chế biến. Nông dân được tạo điều kiện để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi. Mối liên kết “4 nhà” - trước đây vốn lỏng lẻo - đã từng bước được siết chặt. Thực hiện đầu tư các lĩnh vực trọng yếu như giao thông, thuỷ lợi, trường học, bệnh viện... có trọng điểm. Đời sống người dân khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao.
Trong quá trình triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW, chúng ta đã xác định rõ nông dân chính là trung tâm, động lực để giải quyết vấn đề tam nông hiện nay. Nông dân phải tự lực, nhưng không thể để họ tự bơi, mà phải có cộng đồng và Nhà nước hỗ trợ - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa nhận định.
Hàng xóm của tôi đều là những nông dân. Có người làm lúa nước ở Đăk Cấm, Đăk Blà; có người trồng rau ngay trong vườn nhà. Một số người trồng cà phê ở miệt Ia Chim, Đăk Năng, thường sáng đi, tối về, nhưng khi vào mùa, họ đi biệt mấy ngày, tối ngủ lại chòi rẫy.
Họ rất thân thiện với nụ cười rạng rỡ tự nhiên khi gặp bất cứ ai. Vào mỗi buổi chiều muộn, khi tôi đi bộ lòng vòng qua những ngôi nhà cấp 4 quét vôi vàng, họ đều cười rất lớn, vui vẻ khi gặp tôi.
Nhưng điều tôi ấn tượng nhất có lẽ là cách tiếp nhận, hay đúng hơn, cách nhìn nhận của họ đối với các chính sách mà Đảng, Nhà nước đang triển khai. Có thể họ không gọi đúng tên Nghị quyết 26-NQ/TW, nhưng họ hiểu rất rõ rằng, những chính sách cụ thể hóa Nghị quyết đang làm thay đổi cuộc sống của họ. Bằng chứng ư? Hãy nhìn đường giao thông, trường học, trạm y tế đi. Rồi môi trường sống được cải thiện; tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng hơn...
Đấy, họ cứ lấy thực tế ra mà nhìn nhận là trúng hết.
Nhà nước đã “dạy” cho chúng tôi những “thứ muốn học” để làm ra “cái thị trường cần”; không chỉ cho “cần câu” hay “con cá” mà quan trọng hơn, chỉ cho nuôi, trồng như thế nào, ai mua, yêu cầu chất lượng ra sao, bán ở đâu được giá cao nhất- một anh hàng xóm nói.
Với nông dân, thế là đủ để họ "bơi qua đại dương”, tự tin với những gì họ có thể làm ra cho thị trường rộng lớn trong thời kỳ hội nhập.
“Tôi là một nông dân”- câu nói đầy tự tin của một nông dân cho ta thấy những khả năng của nông dân Việt Nam trong thời đại ngày nay!
Thành Hưng